Phần I
Em bé Ruyđy
Các bạn đọc thân mến, tôi đưa các bạn sang đất nước Thuỵ Sĩ. Hãy nhìn xung quanh các bạn, nhìn lên những khu rừng âm u trên những đỉnh núi hiểm trở. Hãy trèo lên những bãi tuyết sáng chói và trở xuống những bình nguyên xanh tươi, ở đấy có biết bao nhiêu con sông con và khe suối đang ầm ầm chảy xiết, như sợ không đến kịp để tiêu tan trong biển cả.
Mặt trời rọi những tia nóng bỏng vào những thung lũng sâu, làm tan những khối tuyết. Đến đêm tuyết lại đông lại thành những tảng băng, lở ra rồi lăn xuống núi, hoặc đóng thành những dòng sông băng chồng chất lên nhau.
Trong số ấy có hai con sông băng đóng đầy những khe vực lớn dưới chân hai ngọn núi Sơrêchoóc và Vette-choóc gần thị trấn Gơrinđenvan. Những con sông băng ấy hình thành một cách lạ kỳ nên đến mùa hè, rất nhiều nhà du lịch từ khắp các nước đến đều nghỉ chân tại đó. Từ các thung lũng, leo hàng giờ liền mới lên tới đỉnh núi, ở đó, họ cảm thấy như đang nhìn thấy đồng bằng từ một quả khinh khí cầu lơ lửng trên không.
Mây luôn luôn tụ lại trên các ngọn núi thành một màn hơi bao la, còn mặt trời thì chiếu xuống thung lũng làm cho cây cỏ rực rỡ như một bức thanh lụa đặt trước đèn. Phía còn ở trên cao, nước thì thầm, khẽ róc rách và trườn theo các tảng dá, trải ra thành những dải bạc.
Hai bên đường đi lên sông băng là những nhà gỗ, xung quanh mỗi cái có vườn khoai nhỏ nuôi sống các em bé, miệng xinh xắn, háu ăn, lốc nhốc trong những gian nhà nhỏ bé đó. Người ta thấy hàng đàn các em bé ấy xô đến trước những người du lịch, vây quanh họ và mời mua những chiếc nhà gỗ xinh xinh do cha mẹ chúng đẽo gọt. Ngày nắng đẹp cũng như ngày mưa trút nước, lũ trẻ con ấy luôn đứng rải rác trên đường để chào mời du khách món hàng bé nhỏ của mình.
Cách đây chừng hai mươi năm. Du khách thấy một em bé cũng đến bán hàng, cùng chạy tới với các em khác, nhưng bao giờ em cũng đứng cách ra xa một chút. Em có một bộ mặt nghiêm nghị đáng yêu, và hai tay giữ khư khư cái hộp gỗ, tưởng chừng như không bao giờ em muốn rời nó. Các em khác quấy rầy mọi người. Riêng em chẳng nói chẳng rằng. Nhưng vẻ nghiêm trang của đứa bé làm mọi người thích gọi em hơn các em láu táu kia và em bán được nhiều hàng hơn, tuy em chẳng biết tại sao
Chính ông em đã đẽo gọt những cái kẹp bột bồ đào, những ông phỗng kỳ quái, những con gấy, những thìa, nĩa, những cái hộp chạm trổ cành lá thanh tao và những con nai mảnh khảnh. Ông cụ ở trên núi cao. Cụ có một tủ đầy những đồ chơi xinh xinh như thế thường làm trẻ con rất mê thích. Nhưng em bé, tên gọi Ruyđy, không chú ý đến những đồ chơi đó lắm. Cái mà em thích nhìn và thèm muốn, cái mà em khao khát chiếm được, là cây súng cổ treo trên xà nhà. Ông em đã hứa cho em, nhưng chỉ cho khi nào em đã lớn và đủ sức dùng cây súng ấy.
Tuy còn bé tí, em đã phải đi chăn dê. Nếu một tay chăn dê giỏi cần phải biết cùng dê leo lên các mỏm đá thì Ruyđy là một em bé chăn dê giỏi. Em còn trèo cao hơn cả dê nữa. Em thích trèo lên ngọn cây cao để gỡ tổ chim. Em cam đảm, còn liều lĩnh là khác. Chỉ khi nào đến bên một thác nước đang gầm thét, hay nghe thấy tiếng băng lở đổ ầm ầm, mới thấy em mỉm cười.
Em chẳng bao giờ chơi với những đứa trẻ khác. Chỉ thấy em trong bọn chúng khi nào ông em sai em đi bán các đồ gỗ trạm chổ do ông cụ làm ra, Ruyđy chẳng thích làm việc ấy tí nào. Em chỉ thích một mình leo lên các ngọn núi hiểm trở, hoặc ngồi cạnh ông ngoại để nghe kể lại những câu chuyện thời xưa và những tiểu thuyết về xứ Mêringgien, nơi ông cụ sinh trưởng, xứ sở ngày xưa đã bị một dân tộc thuộc dòng giống Thuỵ Điển từ trên tít miền Bắc xuống xâm lăng.
Vì thế Ruyđy học được khối thứ. Trong khi lắng tai nghe những câu chuyện của nhà điêu khắc già ấy, em đã thu lượm được một kiến thức nho nhỏ mà các em khác cùng tuổi không hề có. Nhưng trí tuệ em lại càng minh mẫn nhờ sự giao du với những con vật cùng sống trong gian nhà gỗ. Đó là Ajôla, con chó lớn của cha em và một con mèo mà Ruyđy rất yêu quý. Chính con mèo này đã dạy Ruyđy leo trèo.
Một hôm mèo bảo: “Này, đi lên mái nhà với tớ đi”, em nghe hiểu ngay. Khi người ta hiểu ngay tiếng nói của gà, vịt, chó và mèo, chúng nói cũng rành rọt như cha mẹ nói với ta. Khi ta lấy gậy của ông làm ngựa cưỡi chơi thì ta cũng nghe thấy nó hí và trông thấy nó có cả đầu, cả chân và cả đuôi. Nhưng một khi ta lớn lên thì tính năng đó mất đi. Tuy nhiên cũng có nhiều em giữ dc tính năng đó lâu hơn các em khác, người ta cho rằng chúng là những đứa đần độn hạng nặng. Nhưng, người đời thật là lắm chuyện!
Đây, mèo đã bảo em: “Này, đi lên mái nhà với tớ đi!” Tưởng là nguy hiểm thì thật là hão huyền. Khi người ta không hề sợ ngã. Nào, cậu đặt một cẳng như thế, một cẳng như vầy. Giữ cho chắc hai cẳng đằng trước. Mắt phải thật tinh, người phải thật mềm, khi tới một vực sâu cứ nhảy qua, không sợ gì cả. Trông tớ làm đây này.”
Thế là Ruyđy thuộc lầu cả bài diễn giảng đó, theo còn mèo lên tận mái nhà và các ngọn cây. Sau đó, em leo lên tận các mỏm đá nhỏ nhọn, nơi mà loài mèo không leo đến bao giờ. Chính những bụi cây mọc cheo leo đã dạy em bám lấy những ria núi chật hẹp hiểm trở nhất.
Ruyđy thường hay trèo lên núi trước lúc mặt trời mọc, và ở đấy em thở hít không khí tươi mát, lành mạnh. Đó là một thứ rượu tiên mà chỉ có Chúa Trời nhân đức mới biết làm, và đây là cách pha chế: Hãy trộn hương thơm của tất cả các loại cỏ tươi trên núi lẫn với bạc hà, xạ hương, hoa hồng và tất cả các thứ hoa khác mọc dưới thung lũng. Hãy lọc lấy những vị thơm tinh tuý nhất, còn các hơi nặng nề thì để cho mây hút đi. Nhờ gió đẩy tất cả qua những khu rừng thông, sau đó bạn được hương của một bó hoa tươi tắn, dịu dàng và cực kỳ thơm ngát.
Chính Ruyđy sáng nào cũng lên hưởng hương thơm ấy trên núi cao, ánh sáng mặt trời đến vuốt ve đôi má em. Thần Choáng váng, con quỷ kinh tởm đang rình mò em, nhưng có lệnh của bề trên cấm nó đến gần em bé. Những con chim nhạn trong bầy tổ chim làm dưới mái nhà của ông ngoại, bay theo em lên núi cao, nơi em chăn dê, và hát lên những điệp khúc bí ẩn: “Vi ốc i, ố ốc i, ố ốc vi”* Chúng truyền lại cho em nghe những lời khen ngợi của mọi người trong nhà, kể cả của đôi gà mái, những con vật mà em không hề giao du.
Tuy còn bé tí, em đã từng du lịch khá nhiều. Em sinh ở tổng Vale, từ đấy người ta mang em vượt qua dãy núi Anpơ về Obéclen, khi em còn nhỏ xíu. Sau này, em đã từng đi bộ đến tận Ettobach để ngắm nghía cái thác nước mỹ lệ toả trong không trung như một tấm sa màu bạc dài chừng ba trăm thước trước ngọn núi Jungfơrô phủ đầy băng tuyết trắng toát.
Cũng có lần em đến gần những sông băng lớn ở Gơrinđenvan nữa. Nhưng đó là một chuyện buồn. Mẹ em đã chết ở đấy và em đã mất hết tính vui vẻ của tuổi thơ. Thỉnh thoảng ông ngoại em lại kể rằng: “Hồi thằng Ruyđy lên hai, lúc nào nó cũng cười. Thư của mẹ cháu viết cho tôi toàn kể những nét vui như điên rồ của cháu, nhưng từ khi cháu bị rơi xuống hang băng đến nay, cháu trở thành nghiêm nghị hơn ông già.” Ông cụ không thích nhắc đến biến cố ấy, nhưng khắp vùng chung quanh mọi người đều biết. Câu chuyện xảy ra như sau:
Người ta chỉ nhớ rằng cha của Ruyđy là một người đánh xe ngựa. Con chó lớn Ajôla luôn chạy theo khi ông đánh xe từ Giơnevơ qua đèo Ximplông, đi sang nước Ý. Ông có một người em trai ở thung lũng ven sông Rôn thuộc tổng Vale. Đó là một tay săn nai dũng cảm và còn là người dẫn đường cho khách du lịch.
Ruyđy mồ côi cha từ năm lên hai. Mẹ em quyết định quay trở về quê hương Obéclen thuộc Becnơ, sống với ông ngoại em cách Gơrinđenvan một dặm đường. Ông cụ làm nghề chạm chổ những đồ gỗ xinh xinh để kiếm ăn.
Thế là đến tháng sáu bà ta bế con đi cùng với hai người thợ săn nai. Họ đã vượt qua dốc núi Giemmi và đã trông thấy từ xa các nhà gỗ nằm trong thung lũng của quê hương. Họ chỉ còn phải vượt qua một con sông băng lớn nữa thôi. Đường đi thật vất vả. Tuyết vừa mới rơi xuống, che một cái vực chỉ rộng độ mấy chục thước- như thường thấy ở vùng này- nhưng lại sâu hơn một người. Người thiếu phụ trượt chân, thụt xuống tuyết và cùng Ruyđy rơi biến xuống đáy vực.
Lúc đầu người ta không nghe tiếng kêu, cũng không nghe tiếng rên rỉ. Nhưng chẳng bao lâu em bé cất tiếng khóc. Phải mất hơn một giờ sau hai người săn nai mới tìm được cọc và dây ở một nhà gần đấy. Sau nhiều cố gắng, đến tảng sáng họ mới mang lên được người mẹ và đứa bé nom như đã chết rồi. Người ta cứu được đứa bé, còn người mẹ thì không cứu được. Em bé được mang về với ông ngoại và ông cụ đã cố gắng hết sức mình nuôi nấng em thật chu đáo. Cụ không thấy cháu vui vẻ tươi cười như mẹ cháu đã tả. Em bé hầu như không bao giờ cười nữa.
Ấy là hậu quả cái tai nạn làm em bé bị rơi vào thế giới băng giá lỳ lạ. Thế giới đó toàn là những khối băng vĩ đại sắc trắng hoặc xanh, đủ các hình thù, chồng chất lên nhau. Theo óc mê tín của nhân dân miền núi Thuỵ Sĩ thì linh hồn những người có tội bị giam giữ trong đó cho đến ngày phán xử cuối cùng.
Bên trong sông băng có những hang rộng bao la, những vực sâu suốt đến tận trong lòng dãy núi Anpơ. Nơi ấy có một lâu đài tuyệt đẹp. Đó là cung điện của Nữ thần băng giá, bà chúa của địa hạt âm u này. Mụ thích phá phách, đè bẹp và nghiền nát mọi vật. Không trung là cha mụ. Quyền lực của mụ rải trên tất cả các dòng sông bắt nguồn từ xứ sở của mụ. Mụ có thể lao nhanh hơn nai lên những đỉnh núi tuyết vĩnh cửu mà người liều lĩnh nhất cũng phải đẽo bậc thang vào băng mới leo lên được. Có những lần mụ trút xuống các cành cây thông những thác nước hung dữ nhất để rồi nhảy từ mỏm đá này sang mỏm đá khác, mớ tóc dài trắng toả phất phơ quanh mình, mụ khoác một áo choàng màu hồ thuỷ giống như nước các hồ vùng Henvêchi.
Khi người ta kéo Ruyđy từ dưới vực lên, mụ gào thét! “Thôi đi, để nó đấy! Nó là của ta!” Khi người ta dành đứa bé mang đi, thì mụ nói: “Chúng đã cướp của ta một đứa bé xinh đẹp, ta đã ôm nó, sắp sửa cho nó một cái hôn giết chết nó. Thế là nó lại được về sống với người đời. Nó chăn dê trên núi, nó trèo lên cao nữa, cao mãi. Nó đi xa hơn mọi người, nhưng không xa ta. Nó là của ta, ta sẽ chiếm được nó.”
Và mụ nhờ Thần Choáng váng đi bắt em bé cho mụ, vì bấy giờ, trên dãy núi Anpơ xanh tươi, cây bạc hà đã mọc, mùa hè tới, làm cho mụ Nữ thần băng giá nóng không chịu được.
Thần Choáng váng bay lên không để rồi lao xuống đáy các hồ nước và người ta thấy một em của thần chui lên, rồi thêm hai ba, rốt cuộc cả một bầy đông đảo, vì thần có rất nhiều em. Một số rình ở trên các thang gác, một số khác rình trên các lầu cao, gác chuông nhà thờ và mỏm núi. Chúng bơi trong không khí như cá bơi dưới nước và quyến rũ những nạn nhân của chúng để xô họ xuống vực sâu. Thần Choáng váng và Nữ thần băng giá đều chực sẵn và chộp lấy người khi đến gần, giống như con bạch tuộc quấn lấy tất cả mọi vật mà nó tóm được.
Trong tất cả lũ em của Thần Choáng váng, Nữ thần băng giá chọn tên khoẻ mạnh nhất, tinh quái nhất và ra lệnh cho nó đi bắt Ruyđy mang về cho mụ. Nó trả lời: “Tôi không thể bắt được thằng bé ấy. Đã nhiều lần tôi đặt những bẫy hiểm ác nhất để bắt nó, nhưng con mèo khốn kiếp đã truyền cho thằng bé tất cả bí quyết của nó. Hơn nữa, có một sức mạnh vô hình cứ gạt tôi ra, che chở cho thằng ôn con người trần mắt thịt ấy. Ngay cả lúc nó trèo lên cành cây chìa trên vực thẳm, tôi cù vào bàn chân nó, hà hơi làm cho nó chóng mặt, nó vẫn cứ trơ ra và không coi tôi ra gì cả.”
Nữ thần nói: - Dù không phải là mi thì chính là ta. Phải, ta đây, chính ta đây!
Chợt có tiếng: “Không, không được!” như tiếng ngân vang của chuông nhà thờ. Nhưng đó chính là một bài ca thực sự. Đó là tiếng đồng ca của các thiên thần hiền lành và đáng yêu.
Lại có tiếng: “Không, không được!” Đó là các công chúa Thái Dương. Chiều nào các nàng cũng dàn thành vòng tròn trên các đỉnh núi, xoè những đôi cánh cứ đỏ mái lên khi vầng thái dương hạ xuống chân trời, bao phủ dãy Anpơ bằng một vầng hào quang rực lửa. Khi mặt trời lặn hẳn, họ chui vào các lớp tuyết bao phủ các ngọn núi đã ngủ cho đến khi vầng Thái dương lại xuất hiện. Các nàng yêu nhất là hoa, bướm và loài người, nhưng con cưng của các nàng, chính là Ruyđy.
Các nàng ca lên rằng: “Mụ không bắt được chú ấy, mụ sẽ không chiếm được chú ấy đâu!”
Nữ thần đáp: “Ta đã từng bắt những đứa lớn và khoẻ hơn nó.”
Các nàng công chúa Thái dương đồng thanh hát lên một bài ca kể câu chuyện gió lốc đã giật chiếc áo choàng của một du khách như thế nào, cuốn lên không, nhưng chỉ cuốn được áo chứ không cuốn được người. Các nàng hát rằng: “Hỡi những đứa con của bạo lực, các ngươi đã túm được con người, nhưng các ngươi không giữ được con người đầu. Con người khoẻ hơn cả chúng ta, khoẻ hơn cả sức mạnh của thiên nhiên. Họ có thánh trí trong người. Họ biết những câu thần chú khiến được gió và nước phải vâng lời và phục vụ họ.”
Đó là bài đồng ca của các Thiên thần. Và sáng nào những tia nắng mặt trời cũng chiếu qua cái cửa sổ độc nhất của nhà cụ già, đến tận chỗ em bé đang ngủ. Các nàng công chúa Thái dương vuốt ve em bé, hôn khắp người em bằng những cái hôn nồng cháy nhất để xoá tan vết tích cái hôn giá lạnh của Nữ thần băng giá khi em còn nằm dưới lòng mẹ dưới vực sâu, và đã được cứu thoát một cách kỳ lạ.
Phần II
Chuyến đi sang quê hương mới
Bây giờ Ruyđy đã lên tám. Chú ruột của em ở bên kia rặng núi, trong thung lũng sông Rôn, xin đưa em về để dạy dỗ cho em nên người. Ông ngoại em thấy đó là một việc có lợi cho em nên đồng ý. Thế là Ruyđy sắp sửa lên đường. Ngoài ông ngoại ra, còn có nhiều người khác đến tiễn em đi. Trước hết là con chó già Ajôla của cha em. Nó nói:
- Cha cậu xưa kia là người đánh xe, còn tôi thì chạy theo xe. Chúng tôi đã lên xuống núi hàng nghìn lần, nên tôi qune biết khối người đã chết bên kia núi. Giờ thì tôi không hay nói nhiều nữa. Nhưng còn lâu chúng ta sẽ lại được gặp nhau nên tôi sẽ nói nhiều hơn mọi khi một chút.
Vậy thì, tôi muốn hỏi cậu, tại sao tôi cứ phải ngậm buồn mà luôn luôn chạy bên cạnh cái xe ngựa? Tôi cũng không hiểu được điều đó và tôi nghĩ rằng cậu cũng chẳng hiểu nốt.Thực ra, đến bây giờ tôi mới khám phá ra rằng: tất cả mọi người trên đời này đều không được sắp đặt hợp lý cho từng con chó cũng như từng con người. Không phải người nào trong chúng ta sinh ra ở trên đời này là cũng để được uống sữa ngon và được người ta bế lên mà nâng niu. Tôi không quen sống như vậy. Nhưng thỉnh thoảng tôi nhìn thấy trong xe ngựa có những con chó bé rất hư, chiếm một chỗ ngồi như một hành khách vậy. Các bà chủ của chúng cho chúng ăn bánh quy với sữa. Chúng được nuông chiều đến nỗi không thèm ăn. Chúng chỉ liếm vào bánh một tí rồi bà chủ ăn nốt.
Còn tôi thì lội bùn bên cạnh xe, bụng đói như cào, chỉ còn biết ngẫm nghĩ để trừ cơm. Đó là một mớ chuyện phi lý. Nhưng nào đã hết! Tôi ra sức sủa và ngáp để ra hiệu rằng tôi đã mệt nhoài, nhưng chẳng bao giờ người ta cho tôi vào trong xe, chẳng bao giờ người ta bế tôi lên lòng cả. Tôi kể tất cả những cái đó cho cậu để cậu học mà hiểu được cuộc đời cậu sắp bước vào”.
Đó là bài diễn văn của con Ajôla can đảm. Ruyđy ôm lấy cổ và hôn vào mõm nó. Sau đó, em muốn ôm lấy con mèo, nhưng mèo ta tỏ vẻ phật ý, nói rằng:
- Cậu bây giờ thì khoẻ hơn tớ nhiều lắm và dù sao tớ cũng không muốn dùng móng nhọn để đối xử với một người bạn cố tri như cậu. Cậu sắp leo qua nhiều núi. Cậu nên nhớ đến những bài học tớ đã dạy cho cậu. Khi đang ở trên cao, đừng nghĩ rằng mình có thể ngã, thì cậu sẽ không bao giờ ngã.
Nói xong mèo ta chạy trốn, để khỏi lộ qua ánh mắt với mọi người rằng mình cảm động biết bao khi phải xa người bạn thân mến. Hai ả gà mái chạy qua phòng. Một ả đã cộc đuôi. Có một nhà du lịch tự cho rằng mình là thợ săn, tưởng lầm ả là một con mãnh cầm, đã bắn cho ả một phát cụt phăng mất đuôi. Ả nói:
- Ruyđy sắp sang bên kia dãy Anpơ đấy!
Ả kia đáp: - Mình không thích nói những lời tiễn biệt.
Rồi chúng lon ton đi thẳng. Trái lại, đàn dê mà Ruyđy đã chăn dắt bấy lâu, tiễn em rất thắm thiết bằng những tiếng be be với giọng rầu rĩ nhất.
Vừa may trong làng có hai người dẫn đường lanh lợi cũng vượt qua núi Giemmi snag phía bên kia. Ruyđy đi bộ cùng với họ. Đó là một chuyến đi khó nhọc với một đứa trẻ còn bé như thế, nhưng em vốn khoẻ và lòng can đảm của em đã giúp em thắng được mệt nhọc. Chim sơn ca tiễn em một quãng đường và vẫn hát: “Vi-ô ốc-ii, ô ốc i, ô ô i”.
Đường đi vượt qua suối Luytainơ chảy xiết, bắt nguồn từ các tảng nước đá. Ruyđy rất vui vẻ, khi ra sức giáng mạnh những gót giày đóng đinh lên mặt băng, đôi mắt em sáng lên vì vui thích. Sau khi dùng tay bíu, trườn qua các tảng băng chắn đường, đến một cái hồ, em phải vừa đi vòng vừa giữ gìn cho khỏi lăn xuống vực. Trên miệng một cái vực sâu có một tảng đá lớn nằm chìa một nửa ra ngoài. Khi đi qua, Ruyđy vừa chạm tới, nó đã lăn ngay xuống. Nó vừa rơi vừa đập vào các hõm núi sâu, kèm theo là một tiếng va kinh khủng, vang dội đi rất xa.
Ngay trong lúc đó, Ruyđy chợt nhớ đến câu chuyện mọi người đã kể với em. Mẹ em đã cùng em rơi xuống một trong những khe núi khủng khiếp và lạnh chết người đó. Nhưng em táo bạo đến nỗi ý nghĩ đó không làm em run sợ mà đã tiêu tan ngay. Em nhanh nhẹn theo sau hai người, cả hai thỉnh thoảng muốn đỡ em trèo lên các đường hẻm khó khăn, nhưng em đi một mình trên băng cũng vững vàng và chắc chắn như một con nai.
Sau đó họ leo tới những hòn đá nhẵn nhụi không có rêu cỏ, rồi đi xuống một chút, qua một khu rừng tùng nhỏ, cằn cỗi để cuối cùng họ tới vùng tuyết vĩnh cửu. Chưa bao giờ em bé lại trèo lên cao như vậy. Trước mắt em là một biển tuyết mênh mông, có những làn sóng bất động. Thỉnh thoảng gió xoáy những bông tuyết lên thành những cơn lốc hệt như gió cuốn những bọt sóng bạc lên bờ đại dương. Xung quanh, người ta nhìn thấy các ngọn núi Jungfrô, Moanơ, Egie, những mỏm tuyết phủ mà mây không bay tới đỉnh.
Sông băng này tiếp luôn đến sông băng kia. Đây là những lâu đài nghỉ mát của Nữ thần, một vị thần chỉ chăm chăm bắt và chôn vùi người trần. Tuy thế, nắng lên thì lại nóng. Tuyết chói chang dưới ánh nắng làm loá cả mắt bằng muôn ngàn viên kim cương sắc trắng và xanh. Trên mặt tuyết còn có xác của vô khối côn trùng, ong bướm đã liều lĩnh bay tới, hoặc bị gió cuốn đến rồi chết rét.
Bên trên ngọn Vettechoóc hiện ra một đám nây giống như một mớ len sợi nhỏ và đen. Nó ùn lên nhanh chóng và sà xuống một cách nặng nề. Đó là dấu hiệu của bão Fơn khủng khiếp, cơn phong ba có thể lật nhào tất cả mọi vật nằm trong luồng gió. Ruyđy không chú ý đề phòng, em còn đang mải ngắm cái phong cảnh vĩ đại khắc sâu mãi vào trong trí nhớ của em. Nhưng hai người cùng đi đã thấy được sự nguy hiểm, họ vội vã chạy đến một cái quán cũ kỹ bằng đá, dựng lên để cho khách bộ hành lạc đường trú chân.
Ở đấy họ có than và cành thông. Nhóm lửa xong, hai người dẫn đường nấu một ấm thuốc mạnh và cay, chống mệt mỏi rất tốt. Ruyđy cũng có phần. Hai người ngồi quanh đống lửa vừa hút thuốc vừa nói đến những sinh vật thần bí ở các vùng thuộc thung lũng dãy Anpơ: những con rắn khổng lồ sống dưới đáy hồ, những đàn ma quái cuốn khách bộ hành ngủ quên lên trên những người chăn cừu man rợ chăn đàn cừu đen ở mãi tít trên các đỉnh cao. Những con cừu đen ấy chưa ai hề thấy, nhưng nhiều lần người ta đã nghe tiếng nhạc và tiếng kêu bi thảm. Ruyđy rất thích nghe những câu chuyện ấy, không mảy may kinh hãi. Em không biết sợ là gì cả. Ngay khi nghe thấy một tiếng kêu ghê rợn em tưởng là tiếng của đàn cừu đen mà những người đưa đường vừa kể, em cũng không giật mình. Tiếng động ngày càng đến gần, càng thêm dữ dội. Hai người thợ săn ngừng câu chuyện và bảo Ruyđy đừng ngủ để chuẩn bị sẵn sàng.
Đó là cơn bão, cơn phong ba cực mạnh, từ trên đỉnh các ngọn núi lao xuống thung lũng, quạt gẫy những cây cối loại khoẻ nhất như bẻ đũa, và cuốn tung những gian nhà gỗ từ bờ sông bên này cũng sang bờ sông bên kia dễ như người ta đi một quân cờ. Cảnh huyên náo kéo dài một tiếng đồng hồ, rồi giảm dần. Hai người dân miền núi cho Ruyđy biết là đã hết bão và có thể đi ngủ. Em mệt quá và vui lòng làm theo ngay.
Sáng hôm sau họ lại lên đường. Vượt qua nhiều núi khác, nhiều sông băng và bãi tuyết mới, họ đã tới tổng Vale bên kia dãy núi Anpơ. Họ lại nhìn thấy sắc xanh của rừng cây và chẳng bao lâu lại được gặp người. Nhưng giống người gì thế? Những quỷ sứ, loắt choắt, mặt xị, da vàng ệch, người nào cũng có một cái bước gớm ghiếc ở cổ. Đó là những người đần độn đáng thương, kéo dài cuộc đời lang thang, khốn khổ, đang ngây ra nhìn người qua lại. Nhất là đàn bà, trông còn quái gở hơn. Nhân dân vùng quê hương mới của Ruyđy có như thế cả không?
III. Ông chủ
Nhờ Chúa, Ruyđy đã thấy những người ở trong nhà ông chú đều giống những người em vẫn quen nhìn. Ở đây chỉ có một người đần độn, một người ngây dại đáng thương, một trong những con người khốn khổ bị ruồng bỏ mà mỗi gia đình trong tổng Vale đem về nuôi vài ba tháng rồi lại chuyển sang cho những người trung hậu khác nuôi, cũng trong khoảng thời gian tương tự. Con người đáng thương ấy là Xaperli.
Chú Ruyđy vẫn còn là một người thợ săn cường tráng. Ông còn biết làm nghề đóng thùng nữa. Bà vợ ông là một người nhỏ nhắn, hoạt bát, mặt trông như mặt chim, mắt sắc như mắt diều hâu, cổ dài có nhiều lông tơ.
Cái gì cũng mới lạ đối với Ruyđy. Từ quần áo, phong tục cho đến ngôn ngữ. Nhưng riêng vì tiếng nói, trí óc non trẻ của em làm cho em chẳng mấy lúc đã nắm được và quen thuộc. Nhà của chú em so với nhà của ông ngoại có vẻ phong lưu hơn. Các buồng rộng rãi hơn, trên trang hoàng nhiều sừng nau và những khẩu súng săn bóng nhoáng. Bên trên cửa ra vào có treo tranh Đức Mẹ, đằng trước là một ngọn đèn, xung quanh kết hoa hồng vùng Anpơ.
Chú em không những chỉ là một người thợ săn nai giỏi nhất vùng, ông còn là người dẫn đường khá nhất miền này. Chẳng bao lâu Ruyđy đã trở thành con cưng của gia đình. Ít nhất người ta cũng quý em như con chó săn già, câm và mù, không giúp được việc gì nữa, nhưng trước kia đã làm được nhiều việc đến nỗi bây giờ người ta chăm sóc nó rất chu đáo, coi như một người trong gia đình. Ruyđy vuốt ve và trìu mến nó. Nhưng con chó già ấy không thích xây dựng những quan hệ mới. Có thể nói là Ruyđy đã sớm bắt rễ vào lòng mọi người trong gia đình. Chú em bảo: “Chúng ta ở trong tổng Vale này không đến nỗi khổ. Chúng ta luôn luôn có nai. Các giống này không bị mất đi như giống sơn dương. Phải, bây giờ cái gì cũng hơn xưa nhiều lắm. Người ta đã kể nhiều rằng thời xưa rất quang vinh. Nhưng thời này còn hơn nhiều. Trước kia những thung lũng của chúng ta tưởng như tách rời khỏi thiên hạ, nhưng có một sức mạnh đã phá tan bức tường ngăn cách và một luồng gió mát đã thổi đến làm phấn chấn tất cả vùng.”
Khi nói chuyện, chú Ruyđy kể lại thời thơ ấu của ông, thời mà toàn tổng Vale sống cách biệt, nửa dân số là những người đần độn và tàn tật đáng thương. Ông kể tiếp: - "Nhưng bỗng nhiên, quân lính Pháp xuất hiện. Đó là những người thầy thuốc mà chúng ta cần. Họ giết người và tiêu diệt luôn cả bệnh tật nữa. Đó là những người biết chiến đấu anh dũng, những chàng trai cứng cỏi. Vả chăng phụ nữ Pháp thật xứng đáng với họ" - Nói đến đây, ông nhìn bà vợ là người Pháp và cười, miệng ngoác đến tận mang tai.
Ông lại nói tiếp: - Đánh nhau với người xong, họ liền tấn công núi đá. Chính họ xây dựng con đường từ Ximplông qua các ngọn núi hiểm trở nhất, và bây giờ ta chỉ cần bảo đứa trẻ lên ba: “Cứ theo đường cái mà sang nước Ý”, thế là nó sẽ tới tận nước Ý nếu nó cứ đi theo đường cái.
Nói đến đây, ông cất tiếng hát một bài hát tiếng Pháp và tung hô hoàng đế Napôlêông. Đến bây giờ Ruyđy mới được nghe nói đến nước Pháp và đến Ly-ông, một thành phố lớn trên bờ sông Rôn. Chú em đã từng ở đó. Ông bảo Ruyđy: “Chú cho rằng chỉ trong ít năm nữa cháu sẽ thành thợ săn giỏi vì cháu sẵn có rất nhiều tài năng.”
Ông dạy em cách cầm súng, cách ngắm và bắn. Ông cho em theo đi săn trên núi, cho em uống tiết nai nóng để trừ chứng chóng mặt. Ông dạy cho em nhìn hướng mặt trời mà biết được núi lở vào buổi trưa hay buổi tối. Ông bày cho em cách bắt chước các con nai, nhảy sao cho khi chạm đất là đứng vững được ngay, không loạng choạng. Ông còn dạy em cách thoát khỏi vực sâu khi chẳng may bị lăn xuống: phải tỳ khuỷu tay, dùng bắp chân và dùng cả đến bắp thịt ở gáy để bám lấy những cái mấu dù là nhỏ nhất.
Ruyđy tiếp thu những cái đó rất nhanh. Em còn biết những mưu mẹo người ta dùng để đánh lừa giống nai, mặc dầu chúng rất tinh khôn, dùng vọng gác và tuần tiễu để canh gác lẫn cho nhau cẩn thận đến thế nào chăng nữa. Em thấy chú em treo áo và mũ lên một cái gậy, rồi lảng tránh ra phía khác, để cho con nai tội nghiệp mải nhìn bộ quần áo mà mất cảnh giác.
Một hôm Ruyđy theo chú đi săn. Ông ta cũng dùng mưu mẹo đó. Đường nhỏ hẹp, hay nói cho đúng hơn, chỉ có một vệt mờ, đó chỉ là một cái rìa núi mỏng mảnh chênh vênh trên miệng vực. Tuyết đang tan dở dang. Đá lở dưới chân và lăn xuống vực, vì thế chú em phải nằm dán mình xuống đất và trườn lên, thế mà thỉnh thoảng vẫn có một hòn đá long ra, rơi xuống, nhảy muôn ngàn cái từ mỏm đá này sang mỏm đá khác trước khi chạm xuống đáy vực đen ngòm.
Ruyđy đứng chỉ cách ông chú chừng một trăm bước, trên tảng đá vững chãi ở phía sau. Nhưng kìa, một con đại bàng lớn bay thẳng đến chỗ người thợ săn đang trườn như một con sâu, nó định dùng cánh quạt ngã ông ta xuống vực để xé xác ăn thịt. Chú Ruyđy không nhìn thấy nó vì ông vừa trông thấy và đang mải theo dõi con nai mẹ đang đứng với con ở bờ vực bên kia.
Ruyđy trông thấy con chim dữ và đoán biết ý định của nó. Em giơ súng lên sắp sửa bắn. Ngay lúc đó, con nai giật mình nhảy lên chạy trốn. Ông chú nổ súng, con vật trúng đạn lăn ra chết, trong khi nai con tẩu thoát, nhảy qua các mỏm núi và lao qua các vực thẳm vững chắc như một con nai lớn. Con đại bàng nghe tiếng súng nổ sợ hãi bay đi. Nghe Ruyđy kể lại, ông chú Ruyđy mới biết mối nguy vừa đe doạ ông.
Ông đi nhặt xác con nai rồi họ vui vẻ quay về nhà. Ông chú rất mừng, cất tiếng hát một bài ca thuộc từ hồi còn trẻ. Bỗng gần đấy nổi lên một tiếng động khác thường. Họ ngước mắt nhìn lên. Cao tít trên đỉnh núi hiểm trở, bãi tuyết dâng lên, chuyển động như một tấm lụa căng bị gió thổi rập rờn lên như sóng. Rồi tất cả đám băng tuyết ấy tan ra, phân tán ra, tựa như một thứ bọt trứng lao xuống, ầm ầm như sấm động. Đó là một trận băng lở khủng khiếp. Nó không đổ xuống phía họ, nhưng gần lắm, gần quá.
Chú Ruyđy dùng hết sức gào lên: “Cháu đứng cho vững!” Ruyđy bám chặt vào một thân cây. Người thợ săn leo lên ôm chặt vào cành cây. Trận băng lở qua cách đấy hàng trăm thước, nhưng cơn giông tố nó gây ra làm gẫy tất cả những cây cối quanh đấy như cói khô, rồi rải tung ra. Ruyđy thấy mình bị ngã sõng sượt trên mặt đất. Cái cây mà em ôm khi nãy tựa như bị cưa tận gốc, ngọn văng ra xa. Tại đó, ông chú bị vỡ đầu, nằm sõng sượt giữa đám cành cây. Tay ông hãy còn nóng, nhưng không còn nhận ra mặt ông nữa. Trước cảnh tượng ghê rợn đó, Ruyđy tái mặt, run rẩy và lần đầu tiên em cảm thấy sợ.
Đến tối khuya, em mới mang tin khủng khiếp đó về đến nhà. Bà vợ ông chú im lặng chẳng nói, cũng chẳng khóc. Chỉ đến khi người ta mang thi hài về nỗi đau đớn mới bùng ra. Anh chàng Xaperli đáng thương vào nằm bẹp trong giường. Cả ngày hôm sau người ta không trông thấy hắn. Đến tối, hắn tìm Ruyđy và bảo em: “Cậu viết cho tôi một cái thư, Xaperli này không biết viết, nhưng biết ra bưu điện bỏ thư.”
Ruyđy hỏi: - Viết thư hộ anh à? Gửi cho ai?
- Gửi cho Đức Chúa Giêsu của chúng ta.
- Anh nói gì thế?
Anh chàng ngớ ngẩn đáng thương nhìn Ruyđy bằng một vẻ cảm động nhất, chắp tay lại và thì thầm, vừa nghiêm trang vừa thành kính: “Giêsuma lạy Chúa tôi, Xaperli này muốn viết thư cho Chúa để xin Chúa cho Xaperli được chết thay cho ông chủ.”
Ruyđy xiết chặt tay anh ta và phải vất vả mới giảng giải được cho anh ta hiểu rằng lá thư sẽ không lên đến trên trời và cũng không làm cho người chết sống lại được. Sau khi làm lễ chôn cất xong, bà thím bảo Ruyđy:
- Bây giờ cháu là trụ cột trong gia đình.
Và thật tình Ruyđy là như thế.
IV. Nàng Babét
Ai là thiện xạ giỏi nhất tổng Vale? Những con nai biết rõ điều đó và bảo nhau: “Này, phải rất coi chừng khi gặp Ruyđy”. Ai là người thợ săn đẹp trai nhất vùng? Các cô thiếu nữ trả lời: “Ồ! Đó là Ruyđy.” Nhưng họ không thêm câu: “Phải coi chừng anh ta.
Và kể cả những bà mẹ nghiêm khắc nhất cũng không nói câu đó, vì anh chàng lễ phép với các bà biết bao, và vui vẻ, hoạt bát, đáng yêu biết bao! Đôi má rám nắng, bộ răng trắng muốt, đôi mắt đen bóng như hạt huyền, thật là một chàng trai đẹp quá chừng.
Anh không thấy buốt khi bơi trong suối hoặc trong hồ nước giá lạnh vùng Anpơ. Anh nhào lên lặn xuống như một con cá. Không ai khéo trèo bằng anh. Anh có thể bò lên sườn núi đá dựng đứng như những con sên. Còn nhảy thì sao anh giỏi đến thế! Quả thật anh đã làm vinh dự cho các giáo sư mèo và nai của anh.
Ruyđy trở thành người dẫn đường giỏi nhất vùng. Nếu cứ làm nghề đó, anh có thể kiếm được cả một cơ nghiệp. Nghề đóng thùng của chú anh truyền cho, anh chẳng thích tí nào. Cái thích và niềm vui của anh là đi săn nai, công việc ấy cũng kiếm ra tiền. Thế cho nên Ruyđy là một đám tốt. Những cô gái nào khiêu vũ với anh, đêm về là mơ tới anh. Ban ngày nhiều cô chỉ nghĩ đến anh thôi.
Annet, con gái ông hương sư kể với cô bạn thân nhất rằng: “Anh ấy đã hôn mình trong khi khiêu vũ”. Nhưng chính ra cô chẳng nên tâm sự chuyện ấy, ngay cả với cô bạn thân này. Khó mà giữ kín được những chuyện bí mật như vậy. Nó cứ như những hạt cát nằm trong một cái túi thủng lọt ra tứ tung và chẳng bao lâu, dù Ruyđy đứng đắn và trung hậu đến mấy, người ta cũng đồn rằng anh hay hôn con gái trong khi khiêu vũ. Thực ra, những cái hôn ấy chỉ vẻn vẹn có một cái mà anh đã tặng Annét, nhưng cô không phải là người mà anh yêu.
Ở vùng dưới, gần thị trấn Bêch, giữa một đám gồ đào lớn, cạnh dòng sông chảy xiết, có nhà một ông chủ cối xay giàu có. Nhà ông ta to và đẹp, có ba tầng với những mái chòi lợp chì lấp lánh dưới ánh nắng hoặc ánh trăng. Trên chòi lớn nhất có gắn một cái chong chóng hình quả cam có mũi tên xuyên qua để kỷ niệm Guyôm Ten. Cái cối xay máy trông rất ngoạn mục và còn có vẻ trù phú nữa.
Các nhà hoạ sĩ đến đây vẽ. Nhưng không ai có thể biểu hiện được trong một bức hoạ vẻ duyên dáng yêu kiều của con gái ông chủ cối xay. Đó là ý kiến của Ruyđy. Dù sao hình ảnh cô thiếu nữ đã ghi tạc, khắc sâu vào tim anh. Một cái nhìn của nàng Babét xinh đẹp đã đột nhiên thiêu đốt tâm hồn anh như một mớ bùi nhùi trong phút chốc gây nên đám cháy. Có điều lạ là cô gái xinh đẹp, con ông chủ cối xay không ngờ đến chuyện gì cả. Cô và Ruyđy chưa bao giờ trao đổi với nhau một lời. Người cha giàu có và cô gái xinh đẹp xem như cao quý vì có của, nên khó mà gần được.
Ruyđy tự nhủ: “Nói cho cùng, chẳng ai có thể vắt vẻo trên cao đến nỗi không thể đụng đến được. Chỉ cần biết leo, và dù cho có phải leo dốc dựng đứng đến đâu đi chăng nữa cũng không bao giờ ngã, miễn là đừng có tin rằng mình sẽ ngã.” Ta thấy anh chàng luôn luôn nhớ tới bài học của con mèo ở nhà ông ngoại.
Một hôm Ruyđy có việc đi Bêch. Đó là cả một cuộc du lịch. Thời đó, đường xe lửa còn lâu mới làm xong. Ruyđy men theo thung lũng dài có dải sông Rôn uốn khúc, khi chảy qua đấy còn là một dòng nước nguy hiểm, luôn luôn sẵn sàng tràn ra ngoài, tàn phá ruộng đồng nhà cửa. Qua Si-ông thung lũng ngoắt đi và ngày càng hẹp lại. Gần đến Xanh Môrit thì chỉ còn đủ chỗ cho sông và đường cái di qua. Quá tí nữa, sừng sững một ngọn tháp cổ trông như một người lính canh đứng gác địa giới tổng Vale tận cùng ở đó. Qua một cái cầu là đi vào địa hạt tổng Vốt. Thị trấn đầu tiên ta gặp là Bêch. Thung lũng lại mở rộng ra, phì nhiêu và mỹ lệ, trông như một khu vườn trồng toàn hồ đào và hạt dẻ, đây đó có những đám lựu và trắc bá, khí hậu ấm, dễ chịu, tưởng chừng như ở nước Ý.
Ruyđy tới Bêch. Giải quyết công việc xong anh đi dạo chơi quanh vùng cối xay nhưng không gặp ai cả. Anh không tìm ra một tí vết tích nào của Babét. Thật là một việc chẳng may.
Chiều đến, không khí ngạt mùi xạ hương và bách lý đang ra hoa. Ánh trăng dường như chứa đầy hương xuân trải lên những đỉnh núi xanh tươi một màn sa mỏng. Bốn bề tịch mịch, nhưng không phải là cái yên lặng của giấc ngủ hay sự chết chóc. Người ta có cảm tưởng như tạo hoá bừng tỉnh giấc, nín thở để làm mẫu cho một nhà hoạ sĩ thiên thần muốn hoạ lại hình ảnh của mình trên nền trời xanh. Đó đây, giữa đồng ruộng, mọc lên những cột to đỡ những đường dây điện tín, chạy qua thung lũng trầm lặng. Người ta nhìn thấy một vật không động đậy dựa vào một trong những cột điện đó, mà người ta dễ nhầm với một khúc cây khô. Đó là Ruyđy, cũng im lìm như cảnh vật, mặc dầu anh không ngủ và cũng chưa chết. Việc thông báo các sự kiện mà không làm cho sợi dây rung chuyển hoặc phát ra một tiếng động như thế nào, thì những ý nghĩ mãnh liệt chạy qua óc Ruyđy cũng như thế, vẻ người của anh không lộ ra một tí gì để người ta đoán được ý nghĩ của anh cả. Chỉ có cái mà anh đang nghĩ đến mới có thể mang lại hạnh phúc cho đời anh và sẽ làm anh bận tâm từng giờ từng phút.
Mắt anh đăm đăm nhìn vào một điểm, một tia sáng nhỏ lấp lánh trong vòm cây. Tia sáng đó phát ra từ buồng cô Babét, trong nhà ông chủ cối xay. Trông Ruyđy đứng lặng yên và im lìm như vậy, người ta tưởng anh đang rình một con nai. Nhưng lúc này anh là con mồi thì đúng hơn là một người đi săn. Anh giống như một con nai, đứng trên chóp một tảng đá, trơ trơ như tạc vào núi, bất thình lình nghe tiếng động của một hòn đá rơi, chồm lên và biến mất. Chính Ruyđy là như thế đó. Một ý nghĩ nữa thoáng qua đầu anh. Anh bất giác cựa quậy và tự nhủ: “Không bào giờ lùi bước. Không bao giờ thất vọng. Cứ liều vào cối xay. Chào ông chủ, chào cô Babét, nói như vậy có gay không nhỉ? Khi tin chắc không ngã, thì chẳng thể ngã được. Nếu số mình phải là chồng Babét thì dầu sao cũng phải để cho cô ta trông thấy mình cái đã.”
Anh bước đi, lòng đầy can đảm. Anh đã thấy rõ ràng ý muốn của mình: lấy Babét. Anh đi dọc bờ sông nước vàng cuốn ầm ầm, men theo con đường mòn có hàng liễu rủ cành xuống nước, tới nhà ông chủ cối xay. Nhưng đúng như trong bài hát cổ: “Cả nhà đi vắng, chỉ còn lại chú mèo.”
Thực thế, chỉ có con mèo nằm trên bực thềm, trước cửa. Nó còng lưng kêu: “Meeo!” Nhưng Ruyđy không còn hiểu được tiếng nói của loài vật nữa. Anh gõ cửa, không ai nghe thấy, chẳng ai ra mở cửa. Con mèo lại kêu: “Meo…meo…” Hồi trước thì Ruyđy có thể hiểu ngay là: “không có ai ở nhà cả.” Bây giờ anh phải đi sang cối xay để hỏi thăm thế nào. Ở đấy người ta cho biết là ông chủ đi chơi xa, đến tận Inteclaken. Babét cùng đi với ông. Họ đi xem hội thi bắn khai mạc vào ngày hôm sau và kéo dài tám ngày, thiện xạ của các tổng người Đức sẽ tập hợp tại đây.
Tội nghiệp cho Ruyđy! Anh đến Bêch thật là không đúng lúc, quay về đi thôi!
Và anh thực hiện điều ấy một cách ngoan ngoãn. Anh đi suốt đêm về đến nhà. Nhưng, bạn có biết không? Anh ta không buồn, sáng hôm sau anh đã trở lại vui vẻ như cũ, hay nói cho đúng hơn, đức tính ấy chưa bao giờ rời anh cả. Anh nghĩ thầm: “Như thế là Babét đi Inteclaken, cách đây mấy ngày đường, phải, nếu theo đường cái lớn. Nhưng nếu ta đi theo đường mòn tắt qua núi thì có thể nhanh hơn. Đó chính là con đường dành cho thợ săn nai. Mình đã qua đường ấy một lần hồi còn bé, khi còn ở nhà ông ngoại ra đi đến đấy. À! Mà lại có hội thi bắn ở Inteclaken. Thế thì mình sẽ là hiệp sĩ quán quân và một khi quen nhau thì cũng sẽ là hiệp sĩ trong tim nàng Babét.
Anh lấy hành lý, diện bộ quần áo ngày lễ, khoác súng, đeo túi săn, vượt núi đi theo con đường ngắn nhất.
Hội thi sáng nay mới bắt đầu và còn kéo dài suốt một tuần lễ nữa. Người ta đã nói với anh rằng trong tám ngày đó ông chủ sẽ ở nhà người họ hàng ông ở Inteclaken. Vì vậy không nên trì hoãn một phút nào cả. Ruyđy vượt núi Giemmi đi Gơrinđenvan. Anh bước đi nhanh nhẹn vui vẻ, không khí tươi mát vùng Anpơ tiếp thêm sức mạnh cho anh. Anh thấy thung lũng ngày càng hạ thấp xuống sau anh, chân trời mở rộng ra. Đây xuất hiện một ngọn núi tuyết, kia lại một ngọn khác, cuối cùng anh thấy trước mặt là tất cả một dãy những đỉnh núi Anpơ một màu trắng toát. Anh biết tất cả các ngọn. Anh nhắm phía ngọn Sơrêchoóc đang trỏ thẳng lên trời như một ngón tay khổng lồ bọc tuyết.
Anh vượt những cao điểm trên đường và tiến gần đến những bãi cỏ trong thung lũng, nơi anh đã sống khi còn thơ ấu. Không khí nhẹ nhàng làm tâm hồn anh lâng lâng. Núi và thung lũng rực hoa lá xanh tươi. Tim Ruyđy cảm thấy tất cả nỗi say sưa của tuổi trẻ. Những tiếng nói trong nội tâm vang lên với anh: “Người ta không bao giờ già. Hãy vui sướng tân hưởng cuộc đời, sống tự do như chim trên trời. Hãy bay đến những nơi mà thú vui đang gọi ta.”
Anh lại thấy những con chim nhạn thân yêu vẫn luôn luôn hát: “Vioốc-i, oôc-i, ô ôc-vi”. Tất cả náo nhiệt và vui sướng.
Dưới kia, đồng cỏ trải ra như một tấm thảm bằng nhung xanh. Đây đó điểm những ngôi nhà gỗ màu sẫm. Người ta nghe thấy tiếng réo ầm ầm của nước sông Luytsinơ. Ruyđy lại trông thấy những con sông băng, những tảng băng màu ngọc bích, những khe núi trống hốc. Chuông nhà thờ vang lên như chào đón anh trở về. Tim anh rộn lên tràn ngập những kỷ niệm thân yêu thời thơ ấu. Hình ảnh Babét biến đi một lát khỏi tâm trí anh. Anh đang đi trên chính con đường cũ mà hồi bé anh đem bán cho du khách những cái nhà gỗ nhỏ do ông ngoại đẽo gọt. Ôi! Tội nghiệp cho ông ngoại! Nhà ông cụ ở trên kia, giữa rặng thông. Người khác đã đến ở rồi.
Các em chạy đến bán đồ chơi cho anh. Một em trong bọn mời anh một đoá hoa hồng vùng Anpơ. Anh cầm lấy và coi như một điềm tốt, lúc ấy anh đã lại nghĩ đến Babét rồi.
Anh đi nhanh xuống núi, qua cầu ở ngã ba hai nhánh sông Luytsinơ. Anh đã rời khỏi vùng rừng thông. Chỗ nào cũng có cây ăn quả, hai bên đường đầy những cây hồ đào rợp bóng. Cuối cùng, anh trông thấy nhiều cờ xí tung bay trước gió: cờ Thụy Sĩ, giống như cờ Đan Mạch, đều có hình thập trắng trên nền đỏ. Inteclaken đã ở trước mặt anh.
Đối với anh, đó là một thị trấn đẹp có một không hai trên đời, được trang điểm để đón ngày hội. Đấy không phải là một đám nhà đen, nặng nề, to lớn và trang nghiêm mà là những gian nhà gỗ vui mắt, xếp đặt một cách linh hoạt. Có hai dãy nhà đẹp nhất mới xây dựng, lần trước Ruyđy đến Inteclaken chưa có dãy phố ấy.
Mỗi ngôi nhà xinh đẹp ấy có bao lơn chạy quanh bốn phía. Gỗ làm nhà được đẽo gọt, chạm trổ rất đẹp mắt. Cả những khung cửa sổ và những rìa mái nhô ra ngoài vườn đầy hoa, ngăn cách hoa với mặt đường, cũng chạm trổ như vậy. Phía sau, chạy dài những bãi cỏ lớn, xanh tươi, trên đó có những đàn bò cái đang gặm cỏ, tiếng chuông treo trên cổ vang đi xa. Tứ phía, những ngọn núi cao xiết chặt lấy thung lũng, trừ quãng giữa mở cho ta nhìn thấy ở phía chân trời ngọn Jungfơrô, bà hoàng của dãy Anpơ với tất cả vẻ huy hoàng của nó. Các ông các bà từ các xứ đến đông nghịt. Họ mới diện làm sao! Trông cái đám các ông các bà Thuỵ Sĩ ấy, từ các tổng kéo về, quần áo đẹp muôn màu muôn vẻ mới thích mắt làm sao! Nhà nào cũng treo cờ từ trên xuống dưới, trang hoàng bằng tranh và các câu châm ngôn vui nhộn. Khắp nơi thật là náo nhiệt. Chỗ nào cũng có tiếng đàn hát, tiếng nhạc phát ra từ những đàn phong cầm có tay vặn, từ các đoàn nhạc sĩ hát rong. Thêm vào đó, tiếng reo vui vẻ, tiếng “hua-ra” gọi nhau trong đám đông. Giữa tiếng ồn ào ấy, người ta nghe thấy tiếng súng bắn đều đều. Đó là bản nhạc êm dịu nhất đối với Ruyđy. Nó làm cho quên cả Babét, mặc dù chính vì nàng mà anh đến đây.
Các thiện xạ vội vã chen nhau về phía các bia bắn, mỗi người đeo một số thứ tự ở mũ, xung quanh quấn một vòng lá sồi. Ruyđy vội nhập bọn với họ. Anh là người bắn giỏi và may mắn nhất, không bắn ra ngoài điểm đen phát nào. Xung quanh anh người ta xì xào: “Cái anh thợ săn trẻ tuổi lạ mặt này là ai thế nhỉ? Anh ta nói tiếng Pháp, có lẽ là người tổng Vale.” Người thì bảo: “Anh ấy còn nói sõi cả tiếng Đức theo giọng chúng ta nữa, nghe như hồi bé anh ta đã sống ở gần đâu đây, ở Gơrinđenvan.”
Người thanh niên ấy thật tràn trề đầy sức sống, mắt sáng long lanh, ngắm rất tự tin và tay rất vững. Hạnh phúc đã làm cho anh dũng cảm thêm, vả lại Ruyđy vốn đã là người can đảm. Chẳng mấy lúc, một vòng người hâm mộ vây quanh lấy anh. Người ta khen anh và lớn tiếng tâng bốc anh. Thực ra thì Babét đã gần như hoàn toàn biến đi trong tâm trí anh.
Bỗng một bàn tay nặng nề đập vào vai anh và một người hỏi anh bằng tiếng Pháp với một giọng khó nghe: “Anh ở tổng Vale phải không?”
Ruyđy quay lại và trông thấy một người to lớn, mặt mũi hớn hở, đó là ông chủ cối xay giàu có ở Bêch. Thân hình to béo của ông ta che lấp cả cô Babét xinh đẹp. Nàng len được qua người ông và tiến về phía chàng thanh niên, nhìn chàng bằng cặp mắt huyền, đẹp và sắc sảo. Người dân quê giàu có này lấy làm thích thú vì một thợ săn cùng quê lại là người bắn giỏi nhất và giành được nhiều giải thưởng cao nhất. Ông lấy làm vui sướng hả hê như được chia sẻ nỗi vinh dự ấy.
Quả nhiên là Ruyđy đã gặp vận may. Những người mà vì họ anh đã đến Inteclaken và khi đến nơi anh đã quên mất họ thì nay đã thân tìm đến anh. Hai bên bắt chuyện với nhau và trở nên thân mật ngay.
Như Ruyđy đã tự hứa hẹn, bây giờ anh là hiệp sĩ quán quân của hội thi bắn. Còn ông chủ cối xay ở Bêch thì là người được vị nể nhất vì ông ta giàu và có cái cối xay đẹp nhất. Bởi vậy họ bắt tay thân thiện với nhau, vậy mà từ trước tới nay họ chưa từng làm. Nàng Babét xinh đẹp cũng vui lòng chìa tay cho Ruyđy, chàng nắm chặt tay nàng và nhìn nàng đến nỗi nàng đỏ mặt thẹn thùng.
Ông chủ cối xay kể lại rằng ông và cô con gái vừa mới qua một cuộc viễn du, ông nói đến những thành phố lớn mà họ đã được thấy. Họ đã đi xe ngựa, xe lửa và tàu thuỷ. Ruyđy nói: “Tôi đã theo một con đường ngắn hơn, tắt qua núi. Khi đã muốn thì núi cũng chẳng cao đến nỗi không trèo được.”
Ông chủ cối xay nói: - Nhưng cũng có thể ngã gãy cổ, nom bộ dạng anh cũng có vẻ liều lĩnh, rồi cũng có phen.
Ruyđy đáp: - Ai không nghĩ đến chuyện ngã thì chẳng bao giờ ngã.
Người bà con mà ông chủ cối xay đến chơi nguyên cũng là người tổng Vale nên mời Ruyđy rất vui thích. Anh đã gặp may cũng như tất cả những người tự tin. Ruyđy ngồi trong nhà ấy như người trong gia đình. Người ta nâng cốc để chúc mừng thành tích oanh liệt của anh, Babét cũng chạm cốc với anh. Ruyđy cảm thấy sung sướng vô cùng. Đến chiều, tất cả mọi người đi chơi ngoài phố, dưới hàng cây hồ đào lớn, trước cửa những khách sạn tráng lệ. Nhân vì đông người chen nhau, Ruyđy đưa cánh tay cho Babét và nàng nắm lấy. Ruyđy không nén được nỗi vui sướng lộ rõ trên nét mặt. Để có thể tự do bộc lộ nỗi hân hoan của mình một cách thoải mái, anh nói rằng sở dĩ anh vui vẻ như vậy là vì anh vừa gặp những bạn tốt nhất của anh. Anh tỏ vẻ mãn nguyện một cách hồn nhiên và đầy đủ đến nỗi Babét thấy cần phải xiết chặt tay anh để chúc mừng anh.
Họ đi như một cặp quen biết nhau từ lâu. Cô bé xinh đẹp rất vui vẻ và tinh nghịch. Nàng làm Ruyđy thích nhất khi nàng chỉ cho Ruyđy quan sát cách phục sức quá đáng và lố lăng của các bà lớn ngoại quốc và khi nàng bắt chước dáng đi kiểu cách của họ. Cô nói tiếp: “Dù sao cũng không nên cười họ nhiều vì trong bọn họ có những người rất tốt, đáng yêu và nhân hậu.” Cô kể rằng mẹ đỡ đầu của cô là một bà người Anh rất quý phái, trước đây mười tám năm đã ở Bêch, khi Babét ra đời. Chính cái trâm vàng hiện đang cài trên đầu là của bà ta cho. Bà mẹ đỡ đầu đã hai lần viết thư bảo Babét năm nay phải đến Inteclaken chơi với bà và các cô con gái của bà đã nhiều tuổi nhưng chưa chồng. Các con bà mẹ nuôi chưa đầy ba mươi tuổi, còn Babét thì mười tám.
Thế rồi cái miệng xinh xinh ấy không ngừng lại lấy một lúc, và tất thảy những gì mà Babét nói huyên thuyên đối với Ruyđy đều là tối quan trọng cả. Cuối cùng đến lượt anh giãi bày điều anh muốn nói: đã biết bao nhiêu lần anh đến Bêch! Anh biết cái cối xây rất rõ ràng. Đã bao lần anh trông thấy Babét và tất nhiên là không bao giờ nàng để ý đến anh, vừa rồi đây, anh đã đến nhà nàng như thế nào, với vô số ý nghĩ mà anh phải giữ kín trong lòng. Anh được biết là nàng và cha nàng đã đi khá xa, nhưng cũng bằng cách vượt qua dãy Anpơ.
Anh nói tất cả những cái đó với nàng và còn nhiều chuyện khác nữa. Anh tả cho nàng biết nỗi ngây ngất khi được ở bên nàng, chính chỉ vì nàng thôi mà anh đã đến Inteclaken chứ không tuyệt nhiên không phải vì xem hội.
Babét trở nên trầm lặng hẳn đi. Có lẽ những lời tâm sự vượt quá những điều mà nàng có thể hiểu được. Trong lúc họ chuyện trò như vậy mặt trời lặn xuống và biến sau những núi cao. Ngọn Jungfơrô sáng rực lên giữa một nền trời đỏ sẫm. Quanh đấy, những ngọn núi xanh tươi xếp thành tầng. Đám đông dừng lại để ngắm nghía quang cảnh huy hoàng đó. Babét vừa nhìn bức tranh tuyệt diệu ấy vừa nói: “Chẳng đâu có một kỳ quan như vậy”. Ruyđy đáp: “Vâng, chẳng đâu có!” Mắt chăm chăm nhìn người thiếu nữ, anh nói thêm: “Ngày mai tôi phải đi rồi.” Babét thì thầm: “Mời anh đến thăm chúng tôi ở Bêch, việc đó chắc chắn làm cha tôi vui lòng."
V. Trở về
Hôm sau, khi vượt núi trở về, Ruyđy phải mang không biết bao nhiêu là thứ! Anh đã được thưởng ba cái cốc bạc, hai khẩu súng hảo hạng và cả một bộ đồ ăn bằng bạc. Nhưng so với những lời cuối cùng của Babét, những của cải đó không thấm thía vào đâu cả. Anh không ngừng nghĩ đến những lời nói của Babét chiều hôm trước. Có thể nói là chúng đã chắp cánh cho anh vượt qua những ngọn núi hiểm trở.
Trời rét như cắt, ẩm ướt, xám xịt. Mây thấp, trải ra như một màn tang trên các ngọn núi cho lấp các đỉnh phủ tuyết. Không một tiếng gì vui, không có tiếng chim hót mà cũng chẳng có tiếng nhạc. Người ta nghe thấy tiếng rìu đều đặn của tiều phu, tiếng thân cây thông lao ầm ầm xuống chân núi, tiếng gió rít ai oán, tiếng gầm thét ầm ĩ của sông Luytsinơ.
Bỗng một người con gái hiện ra bên cạnh chàng thợ săn. Anh không trông thấy cô ta đi tới, cô ta cũng leo núi. Đôi mắt cô có một uy lực khác thường, buộc người ta phải chăm chú nhìn vào. Đôi mắt ấy trong như pha lê, sâu thăm thẳm, nói đúng hơn, kỳ dị. Ruyđy, đầu óc luôn luôn nghĩ đến Babét và tình yêu, buột miệng hỏi cô ta:
- Cô có người yêu chưa?
Cô vừa cười vừa trả lời như cách một người nói dối:
- Tôi chưa hề có. Cô lại nói thêm: Đừng rẽ lối này, đi sang bên trái gần hơn.
Anh đáp: - Phải, để mà lăn xuống vực ấy à? Đã không biết lại còn chỉ đường cho người khác.
Cô ta cãi: - Tôi biết rất rõ phải đi đường nào, tôi làm chủ được ý nghĩ của tôi, anh thì còn đang mơ đến chuyện dưới thung lũng. Nhưng ở đây thì phải nghĩ đến nữ thần băng giá. Người ta đồn rằng ngài hay vật chết người lắm.
Ruyđy trả lời: - Tôi chẳng sợ bà ấy. Khi tôi còn bé, đã có lần bà ta phải buông tôi ra. Bây giờ tôi đã lớn rồi, bà áy bắt thế nào được?
Trời tối dần, đổ mưa, rồi từng cơn gió tuyết tạt đến, làm tối mắt Ruyđy. Cô gái bảo anh:
- Đưa tay đây để tôi dắt anh lên.
Ruyđy nói: - Cô mà lại đòi dắt tôi! Xin cám ơn! Tôi chưa cần đến đàn bà giúp tôi leo núi.
Tách khỏi cô bạn đồng hành, anh rảo bước. Một cơn bão tuyết ập đến, gió thổi điên cuồng. Ruyđy nghe thấy đằng sau mình tiếng cười và hát những điều kỳ dị. Anh nghĩ thầm có lẽ là một phép ma nào đấy của nữ thần Băng giá, vì anh đang đi ngay kề nơi bà mẹ đáng thương của anh đã cùng với anh ngã xuống địa hạt của mụ nữ thần quái ác.
Cuối cùng tuyết ngớt dần. Nhìn về phía sau, không thấy dấu vết của một người nào khác cả, nhưng anh còn nghe thấy tiếng cười và tiếng hát tựa như không phải tiếng người. Lên tới đỉnh núi, đến con đường nhỏ dẫn xuống thung lũng sông Rôn, nhìn về phía ngọn Blăng, anh thấy hai ngôi sao rất đẹp lấp lánh trên trời xanh. Anh nghĩ đến đôi mắt xinh xinh của Babét, đến hạnh phúc của mình, và những ý nghĩ ấy đã an ủi anh, làm anh quên cả mệt nhọc và giá rét anh vừa trải qua.
VI. Đến thăm cối xay
Bà thím già reo lên:
- Cháu vừa mang những thứ gì về mà đẹp thế? Trông như những đồ dùng của các vua chúa ấy.
Đôi mắt diều hâu của bà sáng lên khi bà nhìn thấy những đồ dùng bằng bạc. Bà cảm động, đầu lắc la lắc lư trông đến buồn cười. Bà tiếp
- Chúc cháu may mắn, Ruyđy ạ! Thím phải thưởng cho cháu yêu của thím một cái hôn mới được.
Ruyđy để thím hôn, nhưng tỏ vẻ không thích lắm. Bà thím lại còn nói thêm:
- Quả thật cháu tôi đẹp trai!
- Thôi thím đừng nhồi những ý nghĩ ấy vào đầu cháu.
Ruyđy cười, trả lời nhưng lần này anh có vẻ hài lòng. Bà thím nói:
- Thím vẫn cho là cháu gặp nhiều may mắn.
- Vâng, thím nói thế, cháu xin tin lời thím.
Anh nghĩ đến Babét. Anh nóng ruột muốn đi xuống thung lũng. Mấy hôm sau, anh tự nhủ: “Chắc là họ phải về rồi. Họ dự định về đến nhà từ cách đây hai ngày rồi kia mà. Mình không chịu được nữa rồi. Đến phải đi Bêch thôi.”
Anh đến đấy quả nhiên đã gặp ngay ông chủ cối xay và cô con gái. Anh được đón tiếp rất niềm nở. Họ chuyển cho anh lời thăm hỏi của họ hàng ở Inteclaken. Trái với mọi ngày, Babét hình như không nói chuyện gì, nhưng mắt cô nói nhiều hơn và thế là đủ đối với Ruyđy. Mọi khi thì ông chủ cối xay thích nói. Ông chẳng là một người chủ cối xay giàu có đấy sao? Nhưng lần này ông lại thích nghe những chuyện săn bắn của Ruyđy hơn. Anh kể lại những trường hợp khó nhọc, nguy hiểm đang chờ đợi người săn nai trên các đỉnh dãy Anpơ khi họ phải trượt trên cầu tuyết mà băng giá đã gắn liền vào đá, hoặc vượt vực thẳm trên thân cây tùng lung lay mà gió bão đã đánh ngã vào giữa hai hòn núi.
Ruyđy vừa kể vừa phấn khởi hẳn lên, mặt anh có một vẻ táo bạo, mắt anh sáng rực lên khi nói đến đời người thợ săn, những mưu mẹo của giống nai, những cái nhảy nguy hiểm của chúng, hay khi nói đến những trận băng lở khủng khiếp, trận bão Fơn cuốn theo tất thảy những vật gì nằm trong luồng gió. Ruyđy nhận thấy rất rõ rằng mình càng ngày càng gây được cảm tình với ông chủ cối xay với tất cả những chuyện ấy. Ông ta thích nghe nhất chuyện đại bàng và chim ưng. Ruyđy kể tiếp:
- Cách đây không xa, cũng thuộc tổng Vale, có một tổ chim ưng làm rất khéo dưới một tảng đá mọc nhô ra ngoài. Trong tổ có một con chim ưng non, nhưng không tài nào bắt được. Mấy ngày gần đây, có một người Anh hứa cho tôi một nắm tiền vàng để bắt sống nó cho ông ta, nhưng cái gì cũng có giới hạn thôi. Thử làm việc ấy thì thật là một chuyện điên rồ.
Trong khi đó rượu vang được rót ra liên tiếp chẳng khác gì câu chuyện thao thao bất tuyệt của người thợ săn. Anh ra về lúc nửa đêm, nhưng còn cho là mình về quá sớm. Còn thấy ánh đèn sau vòm cây thì anh còn ngoái cổ lại nhìn. Một lát sau chú mèo phòng khách trèo qua cửa tò vò lên mái nhà và gặp mèo nhà bếp đang trườn theo ống máng. Mèo phòng khách bảo:
- Này, cậu có biết chuyện gì không? Họ đã ngầm đính hôn với nhau. Ông bố chẳng biết gì cả. Ruyđy và Babét đã úp chân vào nhau dưới gầm bàn. Anh ta đã ba lần dẫm chân lên cẳng trước của tớ. Nhưng tớ không kêu vì như thế thì lộ chuyện mất.
Mèo nhà bếp đáp: - Tớ thì tớ chẳng câu nệ đến thế!
Mèo phòng khách lại nói: - Ở dưới bếp khác, trên phòng khách khác. Phải biết phân biệt các hạng người. Nhưng tớ còn rất muốn biết xem ông chủ cối xay sẽ nói gì nếu ông ta biết chuyện này.
Đó đúng là điều mà Ruyđy cũng rất muốn biết. Còn chờ đợi lâu thì anh không thích. Bởi vậy, ít ngày sau, khi chiếc xe hàng nặng nề chạy từ Si-ông đến Bêch qua cầu sông Rôn, người ta có thể trông thấy anh chàng xinh trai lúc nào cũng đầy lòng dũng cảm đang tấp tểnh vui mừng trước vì có thể, ngay tối nay, ông chủ cối xay sẽ nhận lời anh.
Nhưng đến chiều, lại thấy Ruyđy trên chiếc xe hàng quay trở về Si-ông thì chú mèo phòng khách chạy như bay phóng theo bạn mình để báo tin mới. Chú reo lên:
- Này, nghe đây! Ông chủ cối xay biết cả rồi. Câu chuyện chấm dứt rất buồn cười. Ban nãy Ruyđy đến. Anh ta và Babét thì thầm với nhau rất lâu ngoài hành lang, trước cửa buồng ông bố. Thỉnh thoảng tớ lại cọ vào chân họ, nhưng họ mải nghĩ chuyện khác nên chẳng vuốt ve gì tớ cả. Ruyđy bảo: “Anh sẽ đến nói ngay với cha em, làm như thế mới là đứng đắn.” Babét hỏi: “Anh có muốn em đến cùng với anh không? Có mặt em anh sẽ không thêm can đảm đâu. Tuy nhiên, em cứ đến, có mặt em, dù có bằng lòng hay không, cha em cũng phải hoà nhã.” Nói xong họ kéo nhau vào. Lúc đó Ruyđy dẫm mạnh vào đuôi tớ. Nói riêng với cậu, tớ thấy hắn quê mùa và hơi vụng về. Tớ kêu lên, nhưng cả hắn lẫn Babét còn đầu óc nào nghĩ đến tớ nữa.
Họ mở cửa cùng vào, tớ nhảy đằng trước. Tớ nhảy lên một cái ghế bành để đề phòng khỏi bị một cú đau nào nữa, và cũng chưa biết Ruyđy múa may ra sao, nhưng chính ông chủ lại cáu ầm lên. Lão ta thét, chân dậm thình thịch xuống sàn nhà: “Cút khỏi nơi này, quay về xó núi nói với những con nai nhà anh!” Lão nói cũng đúng, Ruyđy đi săn nai thì giỏi chứ săn cô Babét thì chả được đâu. Mèo nhà bếp hỏi:
- Sau cùng họ nói sao?
- Còn nói sao nữa? Nói như vậy người ta thường nói khi đi hỏi vợ ấy chứ gì? Tôi yêu cô ấy, cô ấy yêu tôi, nếu ông thương cô ấy thì xin ông thương cả tôi nữa, v.v…
Ông chủ bảo rằng: - Con gái tôi cao quý hơn anh nhiều lắm. Sao anh lại nghĩ đến chuyện dám nhoi lên cái khối vàng mà con tôi ngồi trên ấy?
- Không có gì cao đến nỗi không nhoi tới được khi người ta muốn nhoi.
Ông chủ gắt: - Cái nhà anh này thật là rồ…Hôm nọ anh không dám trèo tổ chim ưng, Babét lại càng cao hơn thế nữa, anh nhoi làm sao tới được.
- Tôi sẽ nhoi lên cả hai.
- À được, nếu anh bắt được con chim ưng non về đây, lão sẽ gả con Babét cho anh.
Nói rồi lão cười đến chảy cả nước mắt. Lão nói thêm:
- Trong lúc chờ đợi, rất cảm ơn anh đã đến thăm, nhưng nếu mai anh còn đến đây thì sẽ không có ai ở nhà tiếp anh đâu, Ruyđy, chúc anh thượng lộ bình an.
Babét cũng từ biệt Ruyđy, thảm hại như con mèo con theo mẹ. Ruyđy lại nói:
- Quân tử nhất ngôn, một lời nói một đọi máu đấy nhé! Thôi, Babét đừng khóc nữa, anh sẽ mang chim ưng non đến.
Lão chủ nói luôn: - Tôi rất mong cho anh ngã gãy cổ, và như thế chúng tôi sẽ thoát khỏi anh.
Mèo phòng khách kết luận:
- Tớ gọi cái kiểu ấy là đá khách về.
Ruyđy về rồi, Babét ngồi lặng trên ghế khóc mãi không thôi. Lão chủ thì lảm nhảm hát một bài hát rất dở bằng tiếng Đức học được trong chuyến đi chơi vừa qua. Còn tớ, tớ được mục kích tất cả nhưng tớ cũng chẳng bận tâm đến làm gì. Hơn nữa, ích lợi gì kia chứ? Mèo nhà bếp đáp:
- Cái đó cũng làm cho cậu có việc, đỡ phải nằm ườn trên ghế bành êm ái.
VII. Tổ chim ưng
Người ta nghe thấy trên núi vang lên một bài hát vui, người đang hát ấy ắt phải là một người vui tính và đầy lòng dũng cảm, người ấy là Ruyđy. Anh đi tìm người bạn thân là Vơnixăng và bảo:
- Cậu và Ragli phải giúp mình lên bắt con chim ưng non chót vót trên mỏm đá cao kia.
Người bạn đáp: - Sao cậu không lên cung trăng khoét mắt chị hằng? Cậu thật khéo pha trò.
- Mình vui tính, đúng đấy, nhất là từ khi mình nghĩ đến việc lấy vợ. Nhưng đây là chuyện rất đứng đắn, mình cần con chim ưng non ấy, lý do như sau.
Và anh kể lại câu chuyện đã xảy ra cho các bạn nghe. Họ bảo anh:
- Cậu là một thằng quá ư liều lĩnh. Cái việc cậu định làm, nói một cách đơn giản là không thể thực hiện được đâu. Cậu sẽ ngã gãy cổ.
Ruyđy nói: - Chỉ cần người ta không sợ ngã thì chẳng ngã được.
Đến trưa, cả ba người lên đường, mang theo thang, thừng và sào dài. Họ băng qua rừng, vượt qua các bụi rậm, trèo qua những tảng núi đá. Họ leo mãi, leo mãi cho đến đêm. Họ nghe thấy cả tiếng suối chảy ầm ầm dưới thung lũng lẫn tiếng thác đổ trên núi. Họ đến gần hòn núi cheo leo có tổ chim ưng.
Trời nhiều mây, tối đen như mực. Họ đi vào một kẽ núi, hai bên là vách đá dựng đứng. Chỉ có một luồng ánh sáng nhỏ từ trên cao tít lờ mờ chiếu xuống.
Khó nhọc muôn phần, cuối cùng họ dừng lại trên bờ một cái vực sâu, dưới đáy có một cái suối reo ầm ầm. Cả ba đều im lặng. Họ chờ đến lúc mặt trời hé mọc. Đó là lúc mà chim ưng mẹ rời tổ đi săn mồi. Phải giết chết chim mẹ rồi hãy nghĩ đến chuyện bắt chim con, Ruyđy quỳ một gối xuống đất, thu mình lại, không động đậy như cùng chung một khối với hòn núi đá mà anh tựa vào. Anh chĩa súng về phía hốc đá có tổ chim, mắt không rời mục tiêu. Họ chờ đợi hồi lâu. Cuối cùng, trên đầu họ có tiếng kêu chói tai, rít lên the thé. Mảng ánh sáng họ nhận được từ trên cao bị lấp bởi một vật đang ngoi trong không khí. Đó là chim ưng đen bắt đầu đi kiếm mồi cho con. Một tiếng súng nổ. Đôi cánh rộng lớn của chim ưng đập một lát trên không rồi xoè ra cứng đờ. Con vật bị tử thương từ từ rơi xuống như có dù đỡ. Người ta nghe thấy tiếng cành cây gẫy răng rắc trong lúc nó rơi xuống.
Thế là họ nhanh nhẹn bắt tay vào việc. Họ nối liền ba cái thang dài nhất làm một, trù rằng với cách ấy họ sẽ leo tới tổ chim đá phẳng lì như một bức tường. Làm thế nào bây giờ? Sau khi suy nghĩ và bàn bạc với nhau, họ quyết định buộc hai chiếc thang nữa vào với nhau rồi mang lên đỉnh núi dòng xuống nối vào ba chiếc kia. Họ mất rất nhiều công sức mới mang được thang lên đỉnh núi rồi buộc cái nọ vào với cái kia bằng dây thật chắc. Thế là thang lủng lẳng trên miệng vực, qua cả hòn đá có tổ chim. Ruyđy nhanh nhẹn trèo xuống và phút chốc đã tới bậc thang cuối cùng. Buổi sáng lạnh buốt, từng đám sương mù dày đặc từ dưới vực âm u bốc lên. Ruyđy giống như một con ruồi bám vào đầu một cuống rơm đung đưa trước gió, hoặc như một con chim làm tổ trên thành một ống khói cao. Nhưng chim và ruồi còn bay được chứ Ruyđy thì chỉ có thể ngã gãy cổ. Gió nổi lên làm thang lắc lư. Dưới đáy vực, tiếng nước rầu rĩ đổ vào lâu đài ngầm dưới đất của Nữ thần Băng giá như để làm cho anh choáng váng.
Bình tĩnh, Ruyđy dún cho hai chiếc thang đưa đi đưa lại. Anh bắt chước con nhện treo mình vào đầu một sợi tơ dài đánh đu trước khi vồ mồi. Đu đến cái thứ ba anh nắm lấy đầu ba chiếc thang dựng bên dưới với đôi tay khoẻ mạnh, chắc nịch, anh nối vào hai cái kia. Như thế, là cả năm cái thang đã liền với nhau, dựng thẳng vào vách đá, nhưng trông cũng không chắc gì hơn cây cối ngả theo chiều gió.
Bây giờ đến phần nguy hiểm nhất của công việc phải làm. Phải trèo lên thang, Ruyđy cảm thấy mình rung rinh trên miệng vực sâu hàng trăm thước. Nhưng Ruyđy đã thuộc những bài hcọc của người thầy đầu tiên là chú mèo. Thần choáng váng bay đi bay lại đằng sau, đã nhiều lần giơ tay như con bạch tuộc để nắm lấy anh, nhưng Ruyđy cảm thấy như không có hắn. Anh lên đến đầu thang gần ngay tổ chim, có thể nhìn thấy và với tay tới. Thế là ổn.
Không ngần ngại, anh lẩn cạnh những bụi cây um tùm bao quanh tổ chim. Tìm được một cành vững chắc, anh níu lấy và nhảy sang. Thế là anh đã chui được nửa người vào hốc đá.
Một mùi thịt hôi thối sực vào mồm, vào mặt anh. Trong hốc đá đã có một đống thịt cừu, nai và chim các loại đã thối rữa. Thần Choáng váng phả cái mùi hôi thối đố vào mặt anh để làm cho anh chóng mặt. Dưới đáy vực, Nữ thần Băng giá nhìn anh chằm chằm, mắt long sòng sọc, trông như cái đầu nữ quỷ Mêđuydơ*. Mụ nói với một giọng vui mừng dữ tợn: “Ta bắt được mi rồi.” Ruyđy không trông thấy mụ. Trong đáy tổ chim anh trông thấy con chim ưng non, tuy chưa biết bay nhưng cũng đã khỏe và đáng sợ. Ruyđy không rời mắt nhìn nó, một tay dùng hết sức bám chặt lấy cành cây, còn tay kia tung vào phía con vật một chiếc thòng lọng chuẩn bị sẵn.
Sợi thừng quấn chặt chân chim. Ruyđy giật mạnh về phía mình, hất cả con vật và sợi thừng qua vai làm cho con chim dữ bị treo cách xa người anh bằng một đoạn thừng mà anh đã buộc một đầu vào quanh người. Rồi, nắm chặt cành cây bằng hai tay, anh tìm cách đặt chân vào thang, túm chặt lấy chân thang bằng một động tác đột ngột vững vàng: “Đứng vững, và không nghĩ rằng mình sẽ ngã, thì chẳng bao giờ ngã.” Chú mèo đã dạy anh như thế, anh nhớ lại điều đó, giữ chặt và mạnh dạn trèo xuống.
Lúc đó, một bài ca chiến thắng vang lên với một giọng khoẻ và vui, Ruyđy đã trở về mỏm núi vững chắc, tay giữ con chim ưng non xinh xắn bị bắt sống...
VIII
Tin tức mới do chú mèo phòng khách kể lại.
Ruyđy bước vào nhà ông chủ cối xay ở Bêch, đặt một cái sọt lớn xuống đất và nói:
- Đây là vật mà ông đòi hỏi.
Anh mở nắp ra, và người ta nhìn thấy từ đáy sọt một đôi mắt vàng, viền đen, sáng quắc như phát ra ánh lửa, đó là một đôi mắt man rợ biểu hiện một sức căm hờn ghê gớm. Mỏ con vật há hốc, sẵn sàng giáng một đòn khủng khiếp. Qua lượt lông tơ ở cổ người ta thấy nổi lên những tĩnh mạch đầy một dòng máu sôi sục căm thù. Ông chủ cối xay reo lên:
- Con chim ưng non!
Babét kêu lên một tiếng và nhảy tránh sang một bên vì sợ hãi. Nàng dán mắt nhìn Ruyđy, nhìn con chim ưng, để rồi lại nhìn Ruyđy, không rời ra được nữa. Ông chủ cối xay nói:
- Anh thật là một chàng trai không biết sợ là gì!
Ruyđy đáp: - Còn ông, ông lại có tiếng là một người nói như đinh đóng cột. Mỗi người trong chúng ta có một đức tính riêng.
Ông chủ cối xay lại hỏi:
- Nhưng làm thế nào mà anh lại không bị ngã gãy cổ, què chân tay?
Ruyđy đáp: - Tôi đã giữ vững và cũng nắm vững Babét như vậy.
- Trước kia thì có mà đợi đấy rồi người ta gả cho anh!
Ông chủ cối xay vừa cười vừa nói, đó là một điềm tốt. Babét biết rõ điều ấy lắm. Ông nói tiếp:
- Ta hãy kéo con chim ra khỏi tổ đi. Trông nó tức giận phồng mang trợn mép lên xấu lắm. Làm thế nào mà anh bắt được nó thế?
Và Ruyđy phải thuật lại tỉ mỉ việc anh đã làm, mắt ông chủ cối xay mỗi lúc một tròn xoe ra nhìn anh. Ông nói:
- Can đảm và may mắn như thế, có thể nuôi được ba vợ đấy.
Ruyđy nói: - Cám ơn ông đã có lời khen, xin đa tạ và ghi lời ông.
- Ồ! Tôi hiểu anh muốn nói gì, nhưng chưa lấy được Babét ngay đâu.
Ông chủ cối xay vừa nói vừa thân mật vỗ vai anh thợ săn trẻ tuổi. Mèo phòng khách kể với mèo nhà bếp:
- Cậu thử đoán một tí xem có việc gì xảy ra thế? Ruyđy đã mang chim ưng non đến đổi lấy Babét. Họ hôn nhau trước mặt ông bố, cứ như là đã đính hôn với nhau rồi ấy. Lão già không giậm chân nữa mà thơn thớt nói cười. Lão đi làm giấc ngủ trưa, để mặc cho hai người chuyện gẫu với nhau. Họ nói nhiều chuyện quá đến nỗi tớ tưởng đến lễ Nôen cũng chẳng hết.
Quả nhiên đến ngày lễ Nôen, Ruyđy và Babét lại gặp gỡ và chuyện trò suốt mấy giờ đồng hồ.
Gió cuốn lá khô và những bông tuyết. Nữ thần Băng giá, trang sức lộng lẫy, ngồi trên ngai, trong lâu đài mỹ lệ. Trên sườn núi đá cheo leo có những tảng băng vĩ đại to như những con voi. Trên những cây tùng tuyết phủ có những tràng hoa thuỷ tinh kỳ ảo rải ra, lóng lánh như những chuỗi hạt kim cương cực lớn.
Nữ thần băng giá lướt trên gió và mở rộng giang sơn của mụ đến tận các thung lũng kín nhất. Thị trấn Bêch bao phủ đầy tuyết. Khi bay qua mụ thấy trong nhà ông chủ cối xay, Ruyđy đang cầm tay Babét. Mụ dừng lại, lắng tai nghe, mụ nghe nói rằng họ sẽ làm đám cưới vào mùa hạ. Mụ nghe thấy không phải là một lần mà là hàng trăm lần vì lúc ấy đôi uyên ương chỉ nói đến chuyện ấy thôi.
Mặt trời lại xuất hiện và hoa hồng núi Anpơ cũng nở theo. Babét vui vẻ, tươi cười, diễm lệ như mùa xuân tươi đẹp. Mèo phòng khách than thở:
- Trời ơi, sao mà hai anh chị này có thể ngồi bên nhau mãi thế? Những tiếng meo meo vô tận của đôi tình nhân cuối cùng cũng làm cho mình khó chịu.
IX. Nữ thần Băng Giá
Mùa xuân đã làm cho những cành hồ đào và hạt dẻ dẻ đẹp đẽ, dải từ cầu Xanh Môrit suốt dọc sông Rôn đến tận bờ hồ Lêman*, đâm chồi nảy lộc, trở lại rậm rạp tốt tươi. Quãng sông này tựa như một thác nước dữ tợn, sôi sục chẳng kém gì lúc mới thoát ra khỏi vùng băng tuyết mênh mông nơi ưa thích của Nữ thần Băng giá.
Mụ ta cưỡi gió lên một trong những đỉnh cao nhất dãy Anpơ, ngồi trên một nệm tuyết ngoài nắng và đưa cặp mắt hau háu nhìn xuống các thung lũng. Ở đấy mụ thấy loài người đang lao động bận rộn dưới chân một ngọn núi cao, trông như một tổ kiến. Mụ nói với một giọng khinh bỉ: “Thế mà bọn con gái Mặt Trời gọi các người là những kẻ Trí tuệ! Các người chẳng qua chỉ là sâu bọ. Chỉ một cơn núi lở cũng đủ đè nát các người lẫn nhà cửa làng mạc của các người.”
Mụ ngửng đầu kiêu hãnh. Mắt mụ phóng ra những tia đầy sát khí bao quát cả chân trời rộng lớn. Trong thung lũng người ta nghe tiếng đá bị thuốc nổ phá tung lên. Lại có những máy móc lăn đi nặng nề. Người ta đang đặt đường sắt vào một cái hầm ngầm qua dãy Anpơ.
Nữ thần nói một cách kiêu ngạo: “Trông kìa! Chúng như những con chuột chũi đào hang dưới đất. Mìn nổ chỉ to hớn tiếng súng một tí mà cũng làm cho chúng giật mình kinh sợ. Ta đây, mỗi lần di chuyển cung điện, tiếng động còn to ngang tiếng sấm.”
Từ dưới thung lũng bay lên một làn khói cứ tiến dần, tiến dần: đó là khói toả lên từ một đầu máy tàu hoả, trông tựa một cái lông ta cắm trên đầu một con rắn dài. Đoàn tàu hoả vút đi nhanh hơn mũi tên bắn. Nữ thần lại nói: “Chúng tưởng chúng là chủ trên địa cầu. Chúng kiêu hãnh với cái óc thông minh của chúng. Nhưng quyền lực vẫn thuộc về sức mạnh của thiên nhiên.” Mụ vừa cười vừa nói, tiếng vọng vang đi xa làm rung chuyển không gian. Những người dưới thung lũng bảo nhau: “Đó là tiếng núi lở.”
Các công chúa Thái Dương cất tiếng hát bài ca ca ngợi trí tuệ loài người: chính cái trí tuệ đó chinh phục biển cả, chuyển núi, lấp vực và làm chủ sức mạnh của thiên nhiên. Trong khi các nàng hát, đằng xa một đoàn xe lửa đang băng qua không gian.
Nữ thần núi Anpơ nhìn đoàn tàu, nói với giọng chế giễu: “Đấy là những Trí Tuệ! Chúng phải tuỳ thuộc vào sức của hơi nước đang kéo chúng đi. Ở đầu tàu, anh lái đứng kiêu hãnh như một ông vua. Những con người khác chen chúc trong các toa xe. Một nửa trong số đó ngủ bình thản vì họ tin chắc rằng con rồng hơi ấy không dẫn chúng đến chỗ chết được.” Mụ lại cười. Người đứng dưới thung lũng bảo nhau: “Lại một trận núi lở nữa.”
Ruyđy và Babét cũng ở trong số hành khách trên tàu. Họ bảo nhau: “Mụ Nữ thần Băng giá độc ác đã kiếm đủ cách, nhưng không thể nào bắt một đứa trong chúng ta đi được.” Nữ thần Băng giá reo lên: “Chúng nó kia rồi! Ta đã từng đè nát hàng đàn nai, hàng ngàn cây tùng và nhiều tảng đá cao như gác chuông nhà thờ, làm gì mà ta chẳng thắng được những đứa tự xưng là Trí tuệ ấy. Đặc biệt cái đôi ấy thách thức ta. Ta sẽ tiêu diệt.”
Mụ lại cười một lần thứ ba nữa. Những người dưới thung lũng, nhòm lên những ngọn núi đang sập xuống và nhắc lại: “Núi lại vẫn lở! Trên ấy xảy ra việc gì thế không biết?”
X. Bà mẹ đỡ đầu
Môngterơ, gần thôn Claren, trên bờ hồ Lêman thơ mộng, là nơi có bà mẹ đỡ đầu của Babét ở, một bà quý phái người Anh sống với các cô con gái và một anh cháu họ trẻ tuổi. Bà vừa mới ở Anh sang thì ông chủ cối xay đã đến thăm và báo tin cưới Babét. Ông ta kể chuyện Ruyđy, hội thi bắn và chuyện con chim ưng non. Tóm lại, ông dã tường thuật tất cả câu chuyện đính hôn ấy, làm cho người nghe rất thích thú. Mọi người đều thấy mến Babét, Ruyđy và mến ngay cả ông chủ cối xay nữa. Họ mời cả ba người đến Môngtơrơ chơi một ngày.
Bờ hồ này là nơi các thi sĩ vẫn ca ngợi. Nơi đó, bên bờ nước trong xanh, Bairơn* đã đến ngồi dưới những gốc cây hồ đào, viết những lời thơ tuyệt diệu ca ngợi người tù năm xưa bị giam hãm trong lâu đài Si-ông**. Xa chút nữa, dưới những bóng cây cao thôn Claren, Giăng Giắc Rutxô đã từng dạo chơi và mơ màng đến nàng Hêlôidơ.
Phía sau một chút, gần chỗ sông Rôn đổ vào hồ, có một hòn đảo nhỏ đến nỗi từ bờ nhìn ra người ta tưởng lầm một chiếc thuyền. Cách đây một trăm năm đấy chỉ là một mỏm đá. Hồi ấy có quý bà xinh đẹp cho chở đất ra và trồng ba cây dạ hợp, đến nay cành lá bao trùm cả hòn đảo.
Babét say mê nơi ấy. Theo ý nàng, đó là nơi đẹp nhất trong khung cảnh mỹ lệ này. Nàng ao ước: “Ở cái thiên đàng xinh xinh ấy chắc là thích lắm!” Nàng muốn tạt vào, nhưng tàu thuỷ lại chạy thẳng và đỗ ở bến Vecnêch.
Họ đi giữa những bức tường trắng xoá đầy ánh nắng bao bọc các vườn nho ở Môngtơrơ. Đằng trước những mái nhà tranh của nông dân có nhiều đám cây vả, cây nguyệt quế và trắc bá. Nhà bà mẹ đỡ đầu của Babét ở lưng chừng cái dốc gần đấy.
Họ được đón tiếp rất nồng nhiệt. Bà mẹ đỡ đầu của Babét vui vẻ và dịu dàng. Hồi còn nhỏ, chắc bà giống như tiên đồng của hoạ sĩ Raphaen. Bây giờ, với bộ tóc bạc phơ trông bà giống như Đức thánh mẫu. Các cô con gái của bà là những tiểu thư dong dỏng ca, thanh nhã, mặc theo kiểu mới nhất. Người anh họ của các cô mặc đồ trắng từ đầu đến chân, anh ta có bộ tóc vàng hoe ngả sang màu hung và một bộ ria dài đồng màu với tóc. Ngay từ lúc đầu, anh ta đã tỏ ra chú ý nhiều đến cô Babét. Trong phòng khách, trên một chiếc bàn lớn có nhiều tranh và nhiều tập ảnh đóng rất đẹp, nhưng chẳng ai nghĩ đến việc xem cả. Cửa sổ trên bao lơn mở rộng và từ đó người ta nhìn thấy rõ toàn cảnh cái hồ mỹ lệ. Làn nước hồ phẳng lặng đến nỗi những làng mạc và rừng núi phủ tuyết vùng Xavoa soi bóng xuống nước như một tấm gương.
Ruyđy lúc nào cũng táo bạo vui vẻ là thế mà lần đầu tiên trong đời cảm thấy nơi này không hợp với mình. Đi trên sàn đánh xi với anh dài thế! Những cử chỉ của người Anh quá kiểu cách và mực thước làm anh khó chịu. Anh thở dài khoan khoái khi được ra ngoài dạo chơi. Nhưng lại có cái khó chịu là họ đi rất chậm, đến nỗi anh có thể tiến ba bước rồi lùi lại hai bước mà vẫn theo kịp họ.
Họ đi thăm lâuu đài Si-ông âm u, cổ kính, bốn bề là hồ. Họ nhìn thấy nhà tù, khí cụ tra tấn, cái thớt gỗ để xử trảm và cái cửa sập. Người ta kể lại rằng những phạm nhân bị ném qua đó vào những ngọn giáo sắt cắm dưới nước. Bairơn đã từng làm cho những nơi ấy nổi danh trong thế giới thi ca, nhưng Ruyđy cảm thấy khổ sở gần như là bị cầm tù. Anh tỳ khuỷu tay vào một cửa sổ và nhìn về phía hòn đảo nhỏ lẻ loi có ba cây dạ hợp. Anh muốn ra đấy ở, xa cái xã hội làm cho người thợ săn quê mùa như anh khó chịu về những lời nói huyên thuyên và những kiểu cách tỉnh thành.
Ngược lại, Babét sung sướng và vui như lên tiên. Khi trở về nàng nói với Ruyđy như thế và thêm rằng anh chàng thanh niên người Anh khen nàng là một thiếu nữ hoàn mỹ. Ruyđy đáp lại, cộc lốc: “Hắn ấy à? Hắn là một thằng hề hoàn mỹ.” Đó là lần đầu tiên anh nói một câu làm Babét phật ý. Cậu công tử ấy đã tặng Babét một quyển sách đẹp, bản dịch tiếng Pháp cuốn “Người tù ở Si-ông” của Bairơn.
Ruyđy lại nói: “Đó có thể là một quyển sách hay, nhưng còn cậu công tử bột nịnh đàn bà tóc chải mượt đã cho em quyển sách ấy, thì không thương được.”
- Tôi trông anh ta như một cái túi bột rỗng ấy. Ông chủ cối xay vừa nói vừa cười ầm lên vì câu khôi hài của mình.
Ruyđy lại càng cười to hơn và thấy rằng ông chủ cối xay quả là một người pha trò rất tài tình.
XI. Người anh họ
Mấy hôm sau, khi Ruyđy đến cối xay, anh thấy anh chàng thanh niên người Anh đã ở đó. Người ta giữ hắn ở lại ăn cơm chiều. Babét đã chuẩn bị món cá hương và quấn thêmm rau mùi cho thêm phần đẹp mắt. Ruyđy nghĩ thầm: “Làm như vậy ích gì? Cái anh chàng ngoại quốc này đến đây làm gì và tại sao Babét lại quý trọng hắn như vậy?”
Anh ghen, Babét rất thích thú về thái độ không vui của anh. Nàng biết anh có nhiều tính nết tốt và cũng thích được biết anh có những điểm yếu gì. Nàng dụng tâm thử anh, mặc dù chính anh là người nàng sùng bái trong tâm hồn. Tình yêu của Ruyđy là hạnh phúc duy nhất của nàng trên trái đất này. Vì thế mặt anh thợ săn sa sầm bao nhiêu, ánh mắt của Babét càng tươi lên bấy nhiêu. Nàng sẵn lòng hôn anh chàng người Anh có bộ râu đỏ hoe nếu nàng biết chắc rằng Ruyđy sẽ tức điên lên bỏ đi, vì như thế nàng sẽ biết là anh yêu nàng đến thế nào!
Cô Babét làm như vậy, không phải người khôn ngoan. Nhưng cô mới có mười chín tuổi nên không suy nghĩ cho rằng những cử chỉ đỏng đảnh như vậy thực tế sẽ làm cho Ruyđy hiểu lầm.
Cậu công tử ra về, nhưng chiều tối lại đến lởn vởn quanh cái cối xay máy. Hắn đi đến quãng suối chảy xiết có đặt bánh xe cối xay. Nhìn về đằng trước, thấy buồng Babét có ánh đèn, hắn đi về phía ấy. Hắn nhảy qua suối, suýt lăn tòm xuống. Hắn bíu được vào bờ và bò dậy, quần áo ướt sũng và lấm sạch. Hắn lại mò đi đến một gốc bồ đề già mọc rất gần cửa sổ phòng Babét. Hắn không biết trèo như Ruyđy, nhưng cuối cùng cũng vắt vẻo được trên cây. Ở đấy hắn cất tiếng hát một bản tình ca. Hắn cho là giọng của mình du dương như tiếng hoạ mi, nhưng thật ra nghe không khác gì cú kêu mấy tí.
Babét nghe thấy và vén rèm cửa ra xem. Nàng thấy trên cành bồ đề một người mặc quần áo trắng, nàng ngờ ngay rằng không phải là một anh thợ xay mà chính là người vẫn hâm mộ nàng, anh chàng người Anh trẻ tuổi. Rùng mình sợ hãi và giận dữ nữa, nàng tắt đèn, đóng chặt cửa lại, để mặc cho anh chàng rồ ấy tiếp tục gáy. Nàng nhủ thầm: “Nếu Ruyđy có ở đây thì ghê gớm biết bao!”
Anh không có đấy, nhưng anh quanh quẩn gần đấy và đã nghe thấy tiếng choang choác của anh chàng người Anh. Anh chạy đến và người ta nghe thấy dưới gốc cây tiếng thét giận dữ. Babét nói: “Không khéo họ đánh nhau, giết nhau mất.” Nàng lại mở cửa sổ ra, gọi Ruyđy và van anh đi về. Anh không nghe. Nàng bảo:
- Em yêu cầu anh về đi.
- Được, cô muốn cho tôi đi về! Như vậy có nghĩa đây là một cuộc hẹn hò của cô! Babét, thật đáng xấu hổ
Nàng kêu lên
- Anh nói những câu thật không xứng đáng, tôi ghét anh lắm. Anh đi đi, đi đi!- Và nàng khóc oà lên.
- Tôi không xứng đáng với cách đối đãi ấy.
Anh cáu giận nói như thế rồi bỏ đi. Hai má anh nóng bừng và tim anh như một lò than. Babét lăn ra giường, nức nở. Nàng thì thầm: “Anh Ruyđy, em yêu anh đến thế mà sao anh lại có thể ngờ em làm được việc như vậy.”
Nghĩ đến đây nàng phát cáu lên và cảm thấy giận anh vô cùng. Thế cũng may, nếu không thế thì nàng sẽ bị giày vò vì buồn phiền.
XII. Những âm thần
Ruyđy rời Bêch về nhà. Anh đi theo đường núi qua những bãi tuyết, nơi Nữ thần Băng giá ngự trị. Anh trèo lên mãi. Không khí mỗi lúc một tươi mát, nhưng không làm dịu được lòng người thợ săn. Anh qua gần một bụi hồng xinh đẹp núi Anpơ, xung quanh là hoa khổ sâm màu xanh lơ. Anh lấy báng súng đập gẫy, dẫm nát những hoa hồng đáng thương.
Bỗng anh thấy hai con nai, mắt anh loé lên, ý nghĩ anh chuyển hướng. Anh leo lên để đến gần hai con nai cho vừa tầm súng. Anh tiến thận trọng và lặng lẽ, hai con nai đi loanh quanh trên tuyết. Anh nâng súng chuẩn bị bắn. Bất thình lình mây mù vây lấy anh làm anh không trông thấy gì nữa. Anh đi vài bước và thấy mình đứng trước một tường thành bằng đá. Trời đổ mưa tầm tã.
Người anh rung lên vì một cơn sốt ác liệt, đầu nóng như lửa, toàn thân lạnh toát. Anh cầm lấy bầu nước, nước hết, anh quên lấy trước khi rời cối xay. Chưa bao giờ ốm, nhưng lần này anh cảm thấy mình bị quỵ. Mệt rã rời, anh muốn lăn ra đất ngủ. Nhưng nước trên trời đổ xuống như thác.
Anh tìm cách lấy lại sức để kiếm đường về. Mọi vật nhảy múa một cách quái dị trước mắt anh. Chợt anh thấy một cái nhà gỗ hình như mới làm dựa vào núi đá, anh không nhớ ra đã từng thấy nó bao giờ cả. Đứng trước cửa nhà là một thiếu nữ trông giống cô Annét, con gái ông hương sư, cô gái mà anh đã hôn một lần trong khi khiêu vũ. Nhưng không, không phải Annét. Tuy nhiên, hình như anh đã gặp cô ta ở đâu, có lẽ gần Gơrinđenvan, cái tối ở hội thi bắn về, Ruyđy hỏi:
- Cô ở đâu đến đây?
Cô ta trả lời: - Chẳng ở đâu cả, đây là nhà tôi, tôi đang chăn đàn dê của tôi.
- Đàn dê của cô à? Ở đây toàn tuyết và núi đá làm gì có bãi cỏ?
Cô ta vừa cười vừa nói:
- Đúng quá! Anh thuộc vùng này đấy! Ừ, bên kia kìa, có một bãi cỏ rất đẹp, dê tôi ăn ở đó. Chả mất đi đâu được một con. Cái gì của tôi vẫn là của tôi.
- Cô có vẻ táo tợn lắm!
- Anh cũng thế!
- Cô có sữa cho tôi một ít, tôi khát bỏng cả họng.
- Tôi có cái tốt hơn cả sữa ấy chứ! Hôm qua có nhiều khách bộ hành qua đây. Họ để quên một chai rượu vang mà chắc là anh chưa được uống bao giờ. Tôi không biết uống đâu. Cho anh đấy!
Quả nhiên, cô lấy một chai rót một bát đày rượu vang và chìa cho Ruyđy. Uống xong, Ruyđy bảo:
- Quả thật chưa bao giờ tôi được uống rượu vang ngon và đạm như thế này.
Mắt Ruyđy như nảy lửa, máu anh như sôi lên. Cơn buồn giận tiêu tan. Anh trở lại vui vẻ, vui tràn trề, điên cuồng. Anh reo lên:
- Đúng cô Annét xinh đẹp rồi! Hôn tôi đi!
- Em sẵn lòng, nhưng anh phải tặng em cái nhẫn anh đeo ở tay cơ!
- Nhẫn đính hôn của anh đấy!
- Đấy, chính là cái mà em thích.
Cô lại rót đầy một bát rượu vang và đưa lên môi anh thợ săn. Anh uống luôn. Một luồng sinh khí hừng hực bốc lên trong người anh . Anh thấy hình như vũ trụ là của anh. Cứ vui chơi sung sướng đi. Khoái lạc là hạnh phúc thực sự.
Anh lại nhìn cô gái, đúng là Annét. Một lúc sau lại không phải là Annét nữa, mà cũng không phải cô gái đã hiện ra gần Gơrinđenvan. Người cô ta tươi tắn và trắng trẻo như tuyết trên trời vừa rơi xuống, dịu dàng như bó hoa hồng trên núi Anpơ, thon và gọn như một con nai con. Anh choàng tay ôm lấy cô, đắm đuối nhìn vào đôi mắt trong sáng kì lạ của người trinh nữ. Anh luống cuống, làm thế nào mà nói lên được một cảm giác không diễn đạt nổi? Anh cảm thấy mình tụt xuống, tụt mãi xuống tận đáy vực băng sâu thăm thẳm, đầy tử khí. Những bức tường thành vĩ đại trong như làm bằng pha lê màu xanh lục phản chiếu một ánh sáng màu lơ. Hàng ngàn giọt nước rơi xuống tạo thành một bản nhạc rầu rĩ. Nữ thần Băng giá vẫn đứng đấy. Mụ hôn một cái vào trán Ruyđy: anh thấy lạnh cứng đến chết từ đầu đến chân. Anh thốt ra một tiếng kêu đau đớn, lảo đảo và ngã vật ra. Trời đất tối sầm xuống như ban đêm.
Tuy vậy, anh cũng hồi tỉnh. Anh chợt hiểu rằng mình vừa bị biến thành đồ chơi của những âm thần. Cô thiếu nữ và cả chiếc nhà gỗ đã biến mất. Chung quanh anh chỉ còn có tuyết. Ruyđy bị thấm nước buốt đến tận xương. Anh run lên vì rét. Chiếc nhẫn đính hôn của Babét tặng anh không còn nữa.
Anh tìm đường về. Một màn sương dầy đặc và ẩm ướt bao phủ núi non. Nhiều tảng đá lăn ầm ầm bên cạnh anh. Thần Choáng Váng rình mò anh, tưởng anh đang mệt lử và kiệt sức. Nếu anh ngã xuống thì đã xong đời rồi, nhưng lần này anh đã thoát khỏi cơn nguy khốn.
Ở cối xay, Babét ngồi, ủ ê buồn khổ quá chừng và lúc nào cũng khóc. Đã sáu ngày hôm nay Ruyđy không trở lại, con người có nhiều sai lầm đáng trách, con người mà nàng yêu hơn hết thảy.
XIII. Tại nhà ông chủ cối xay
Mèo phòng khách lại nói với mèo nhà bếp:
- Lại có chuyện lộn xộn ghê gớm trong nhà này! Ruyđy và Babét cắt đứt nhau rồi. Cô nàng thì khóc sướt mướt còn anh chàng thì chắc là không nghĩ đến cô nàng nữa.
Mèo nhà bếp nói: - Chắc anh ta khổ lắm nhỉ?
Mèo kia trả lời: - Đúng đấy, nhưng tớ không thích buồn thay cho họ tí nào cả. Nếu cô nàng Babét muốn thì cô có thể lấy anh chàng râu đỏ hoe. Nhưng cả anh chàng ấy nữa cũng không thấy trở lại đây, kể từ cái tối mà hắn định trèo lên mái nhà như chúng mình ấy.
Trong những ngày dài dằng dặc đó, Ruyđy suy nghĩ về những việc xay ra đêm nọ trên núi. Cơn sốt đã làm anh mê sảng. Anh không thể nào xác minh được những việc đã xảy ra với anh. Anh tiếp tục kết tội Babét. Tuy nhiên, anh cũng tự vấn lại lương tâm. Anh nhớ lại cơn giông tố kinh khủng, sự giày vò ghê gớm đã khuấy động tim anh. Anh có cần phải thú thực với người yêu những ý nghĩ khủng khiếp đã xâm chiếm anh và có thể trở thành hành động không? Thực tế, anh đã đánh mất cái nhẫn. Có phải trong khi quá giận anh đã quẳng nó đi không? Lúc nào anh cũng nghĩ đến việc ấy và chính điều đó hướng tim anh về phía người thiếu nữ.
Liệu nàng có nhận những sai lầm của nàng đối với anh không? Anh thấy tim anh tan nát khi nghĩ đến những lời nói yêu thương, duyên dáng và êm ái mà nàng đã nói với anh. Nàng luôn luôn hiện ra với tất cả vẻ dịu dàng, vui vẻ, hay đùa. Những ý nghĩ đó như tia nắng xuyên qua một đám mây đen. Anh nghĩ thầm: “Nàng sẽ phải thú nhận tất cả với ta. Nàng phải tự biện bạch lấy.”
Anh đi đến cối xay. Họ đã thanh minh với nhau, bắt đầu bằng một cái hôn và kết luận như sau: Ruyđy đã là một người tàn nhẫn, một người có tội. Anh đã dám nghi ngờ lòng chung thuỷ của Babét. Tính nết của anh rất đáng ghét. Đa nghi và hành động thô bạo đến như vậy! Thế cũng đủ làm cho chúng ta đau khổ mãi rồi, thật đấy ông Ruyđy ạ!
Và Babét chỉnh anh một trận nên thân. Lúc ấy cô bé xinh đẹp lại càng đáng yêu hơn. Tuy nhiên, có một điểm nàng cho là người yêu nói đúng: anh chàng người Anh đó quả là một thằng hề, một tên tán gái nực cười. Nàng tuyên bố là sẽ quẳng quyển sách hắn đã tặng vào bếp để khỏi gợi cho nàng nhớ đến một tên ngu ngốc như vậy. Chú mèo phòng khách kể với bạn dưới bếp:
- Mọi việc đã dàn xếp xong. Ruyđy đã trở lại rồi. Cô cậu đã thanh minh với nhau, đã thông cảm cho nhau và theo họ đó là hạnh phúc cao nhất.
Mèo nhà bếp trả lời: - Ban đêm khi tớ rình chuột, tớ thấy chúng nó bảo nhau rằng hạnh phúc cao nhất là gậm nến và có một ít thịt thiu để dành. Thế thì cậu bảo tin chuột hay là tin những kẻ si tình?
Mèo phòng khách đáp: - Chắc chắn hơn hết là chẳng tin bên nào cả.
Hạnh phúc cao nhất, Ruyđy và Babét chỉ phải chờ trong một thời gian ngắn nữa thôi. Ngày cưới của họ sắp đến rồi, sẽ không tổ chức ở nhà thờ Bêch mà cũng chẳng ở nhà ông chủ cối xay. Bà mẹ đỡ đầu yêu cầu rằng lễ cưới nên tổ chức ở nhà thờ xinh đẹp ở Môngtơrơ và ở nhà bà ta. Ông chủ cối xay tán thành đề nghị đó, ông ta biết rõ những đồ mừng sẽ đẹp thế nào và món hồi môn của bà mẹ đỡ đầu dành cho cô dâu chú rể sẽ ra trò. Nên ông cho rằng có làm đẹp lòng con người rất tốt ấy một chút cũng chẳng sao. Cậu em họ đã trở về nước Anh.
Thế là ngày cưới đã được ấn định. Họ phải đến Vilơnơvơ từ tối hôm trước để sáng sớm hôm sau đáp chuyến tàu thuỷ đầu tiên đi Môngtơrơ. Như thế để các cô con gái bà mẹ đỡ đầu còn có thể giúp Babét mặc quần áo cho thật đẹp. Chú mèo phòng khách nói:
- Vậy thì tốt lắm, nhưng tớ mong rằng ngày mai sẽ có một bữa tiệc ngay ở nhà này, nếu không tớ chẳng thèm kêu một tiếng để chúc họ chung sống hạnh phúc.
Mèo nhà bếp trả lời:
- Tớ cũng rất tin là cánh ta sẽ được chén một bữa ra trò. Vịt đã làm lông, gà và chim đã thịt. Dưới nhà cả một con bê treo lủng lẳng trên tường. Tớ nhìn những của ngon vật lạ ấy không khỏi thèm rỏ dãi. Ngày mai là họ đi đấy.
Phải, đúng là ngày mai. Tối hôm ấy Ruyđy và Babét ngồi bên nhau rất lâu, chuyện trò đủ thứ. Đó là cuộc nói chuyện cuối cùng của họ ở cối xay. Dãy núi Anpơ rực rỡ, tràn ngập ánh hồng. Tiếng chuông chiều văng vẳng. Các nàng công chúa Thái Dương bay lượn trên trời và ca lên rằng: “Mong cho Ruyđy, con cưng của chúng ta, được hưởnh hạnh phúc thật xứng đáng.”
XIV. Những yêu quái ban đêm
Đêm đến, nhiều đám mây lớn bao trùm cả thung lũng sông Rôn. Một cơn gió dữ dội, tàn dư của gió Đông Nam ở Địa Trung Hải, sau khi thổi qua nước Ý, đến phá bằng những cơn mạnh nhất và điên cuồng nhất vào chân dãy Anpơ, rồi lan xuống khắp vùng, xé tan những đám mây mù. Nhưng mây lại hợp lại, xếp thành những hình quỷ sứ và những quái vật trong các truyện thần tiên.
Quỷ thần của trời đất, những sức mạnh sơ khai, vẫy vùng tự do trong khi mọi người đang ngủ. Dưới ánh sáng trăng làm lóng lánh các ngọn núi tuyết, người ta đoàn quân của Nữ thần Băng giá diễu qua. Một toán Thần Choáng Váng đùa giỡn trên những xoáy nước sông Rôn. Nữ thần Băng giá ngồi trên một cây tùng vĩ đại bị trận cuồng phong nhổ bật, trôi bập bềnh trên sông. Sóng nước dồn dập, lạnh chết người, đã đưa mụ ra khỏi lâu đài băng giá. Khắp không gian, trên mặt nước văng vẳng những tiếng: “Có chúng ta đến dự đây.”
Trong khi đó, Babét đang mơ một giấc mơ kì lạ. Nàng thấy mình đã lấy Ruyđy từ lâu. Chàng đi săn nai. Nàng ở nhà. Bỗng tên người Anh trẻ tuổi râu vàng hoe xuất hiện. Hắn nói với nàng những lời tà ma. Nàng thấy bị bắt buộc phải theo hắn. Hai người cùng đi rất xa, xa lắm.
Tim nàng bỗng bị một sức ép mỗi lúc một nặng. Nàng đã có tội với Ruyđy, với Thượng đế. Đột nhiên nàng thấy bị bỏ rơi một mình. Tóc nàng đã bạc trắng vì buồn phiền. Nàng ngẩng mặt lên trời và nhìn thấy Ruyđy trên một mỏm núi. Nàng giơ tay về phía chàng, không dám gọi. Hơn nữa, cũng vô ích vì nàng thấy ngay rằng đó không phải là Ruyđy mà chỉ là cái áo săn và mũ của chàng vắt lên chiếc gậy để đánh lừa những con nai.
Lúc ấy, một niềm đau đớn sâu sắc xâm chiếm lấy Babét, nàng than vãn: “Ôi! Nếu tôi được chết vào ngày cưới, ngày sung sướng nhất của đời tôi! Đức Thượng Đế! Đó là điều đặc ân mà Người có thể ban cho tôi. Như vậy có lẽ tốt nhất cho cả tôi lẫn Ruyđy. Ai mà biết trước tương lai?” Thế rồi, oán trách Thượng đế và cuộc sống, nàng gieo mình xuống một cái vực sâu.
Babét giật mình tỉnh dậy. Ma quỷ đã biến mất. Nhưng nàng nhớ lại là vừa bị một cơn ác mộng dày vò. Nàng nhớ rất rõ rằng trong đó có anh chàng thanh niên người Anh, người mà mấy tháng nay nàng không gặp và không bao giờ nghĩ đến. Hắn đã quay lại Môngtơrơ rồi chăng? Hắn có dự đám cưới nàng không? Có phải đó là một điềm báo trước không? Người thiếu nữ cau lông mày và bĩu môi, trông lại càng đáng yêu tệ
Nhưng rồi thấy ánh dương sáng lên rực rỡ, nàng mỉm cười ngay và nói: “Chỉ còn một ngày nữa, một ngày nữa là chúng ta sẽ thành vợ chồng.
Khi xuống nhà, nàng thấy Ruyđy đã sẵn sàng. Họ đi Vilơnơvơ. Đôi vợ chồng sắp cưới vui sướng đến thế! Cả ông chủ cối xay cũng vậy, bộ mặt trung trực của ông tươi cười, nở nang biết bao! Lúc nào ông cũng cười, chưa bao giờ ông lại vui vẻ đến thế. Đó là một ông bố tốt, mặc dầu thỉnh thoảng có những lời nói cục cằn.
Mèo bây giờ chỉ còn chúng là chủ nhân chốn này. Có lẽ chúng ta có thể kiếm được vài miếng trong những của ngon chuẩn bị cho bữa tiệc được đấy.
XV. Kết
Họ đến Vilơnơvơ vào buổi chiều, vẫn hoan hỉ và vui mừng. Sau bữa cơm, ông chủ cối xay ngồi vào ghế bành, hút một tẩu thuốc, xong đi làm một giấc. Đôi vợ chồng chưa cưới khoác tay nhau đi chơi bên bờ hồ nước sâu thẳm, xnah màu ngọc bích. Họ ngồi xuống một hòn đá rợp bóng liễu và ngắm chiếc lâu đài Si- ông âm u, có những chòi cao soi bóng trên mặt hồ. Chợt họ nhìn thấy hòn đảo có ba cây dạ hợp. “Được ra đấy chơi thì sung sướng biết bao!” Babét nói vậy vì nàng lại cảm thấy ý muốn nung nấu từ trước là được ra ngồi dưới bóng cây ngoài đảo.
Lời ước ấy có thể thực hiện trong giây lát. Có một chiếc thuyền buộc lỏng vào một thân cây. Họ đi tìm người chủ thuyền để hỏi mượn, nhưng không gặp ai cả. Tuy vậy họ vẫn cứ xuống thuyền. Ruyđy bơi thuyền rất khá. Anh chèo một cách mạnh dạn. Nước chịu nhượng bộ bất cứ một sức cỏn con nào, nhưng cũng chẳng cái gì cưỡng lại được sức mạnh ghê gớm của nó. Có thể nói là nó ân cần chìa lưng cho người ra cưỡi và cũng luôn luôn há mõm sẵn sàng nuốt chửng lấy ta. Nó mỉm cười, có vẻ dịu dàng, nhưng nó cũng có thể tàn phá và gây ra những tai hoạ khủng khiếp nhất.
Sau mấy phút sặp uyên ương đã ra tới đảo. Họ vui như điên, nhảy múa hoan hỉ. Ruyđy đưa cho Babét dạo ba vòng quanh cái đảo chật hẹp ấy. Sau đó họ ngồi trên chiếc ghế dài dưới gốc cây dạ hợp.
Họ nhìn nhau, tay nắm tay. Quanh họ, cảnh vật sáng rực ánh nắng chiều. Những rừng tùng trên núi ngả màu hung hung như màu đinh tử hương hay màu hoa thạch thảo. Các tảng núi đá lóng lánh như kim khí nấu chảy và nom trong suốt. Mặt hồ có thể ví như một cánh đồng bát ngát. Bóng tối xanh lam lan dần xuống chân núi tuyết vùng Xavoa, nhưng trên đỉnh núi thì vẫn còn đỏ tía. Người ta tưởng tượng như những ngày đầu tiên của trái đất, khi những trái núi như phun thạch đỏ rực chui từ lòng đất ra.
Đó là một cảnh tượng mà Ruyđy và Babét chưa từng thấy bao giờ. Ngọn núi Đăng-đuy-mi-đi phủ tuyết, sáng hơn mặt trăng, chớm mọc ở chân trời. Cặp tình nhân bảo nhau: “Lộng lẫy quá! Sung sướng quá!” Ruyđy nói:
- Trên trái đất này, anh không còn mơ ước gì nữa. Một giờ như thế này giá trị bằng cả cuộc đời. Anh đã gặp rất nhiều hạnh phúc, và đã tận hưởng, nhiều khi tưởng thế là hết. Nhưng rồi ngày này trôi qua, ngày khác lại bắt đầu còn đẹp hơn nữa. Thượng đế quả là nhân từ vô cùng.
Babét bảo: - Tim em cũng tràn ngập lòng biết ơn Người.
Ruyđy lạii nói: - Trái đất chẳng có thể cho anh một tí gì nữa ngoài cái mà anh cảm thấy.
Từ những trái núi thuộc Xavoa và thuộc Thuỵ Sĩ những tiếng chuông ngân báo giờ cầu kinh ban chiều. Nhìn về hướng tây người ta thấy những đỉnh núi Jura lóng lánh trong một biển vàng. Babét nói, mặt rưng rưng vì âu yếm:
- Em cầu mong Thượng đế ban cho anh tất cả những cái gì tốt nhất, đáng mong ước nhất trên đời.
Ruyđy đáp: - Người sẽ làm đúng như vậy. Cô vợ bé nhỏ xinh đẹp của anh ơi! Ngày mai em sẽ thuộc về anh, ngày mai em sẽ hoàn toàn là của anh!
Bỗng Babét kêu lên: - Kìa cái thuyền, cái thuyền!
Chiếc thuyền bị sóng hồ đánh tuột dây đang trôi ra xa hòn đảo.
- Để anh lôi nó vào - Nói rồi, Ruyđy quẳng quần áo và ủng, nhảy xuống nước, và vốn là người bơi giỏi, anh lướt nhanh về phía chiếc thuyền.
Anh bơi đến luồng nước xám xanh lạnh ngắt mà sông Rôn đưa từ những con sông băng về. Anh nhìn xuống đáy một lát, chỉ một lát thôi. Anh thấy hình như ở dưới đáy có một chiếc nhẫn vàng lóng lánh đang lăn. Anh nghĩ đến chiếc nhẫn đính hôn của anh đã mất. Nhưng chiếc nhẫn mày dần dần to và rộng mãi. Trong chốc lát nó biến thành một vòng to sáng rực. Giữa vòng trong mở ra một sông băng rộng lớn, có những vực sâu thẳm miệng trống hốc. Hàng ngàn giọt nước rơi xuống thành một điệu nhạc rền rĩ, một hồi chuông báo tử. Những bức tường pha lê phản chiếu ngọn lửa trắng, xanh.
Trong khoảnh khắc, Ruyđy thấy một cảnh tượng phải dài lời mới tả xiết. Ở dưới đó có một đám đông thợ săn trẻ tuổi, thiếu nữ, đàn ông và đàn bà trước kia đã bị rơi xuống những vực thẳm của các sông băng và chết ở đó. Trông họ như còn sống, mắt mở to và cười với Ruyđy.
Sâu tí nữa có một thành phố đã bị chịm đắm trong nước hồ. Những khe nước trên núi làm rung chuông nhà thờ và làm vang tiếng đại phong cầm. Nhân dân đều quỳ trong thánh đường, nơi mà năm xưa họ đã lánh vào khi tai nạn xảy đến.
Dưới cùng, Nữ thần Băng giá đang ngồi. Khi thấy Ruyđy, mụ đứng dậy. Mụ ôm lấy chân anh và đặt môi vào đó. Anh thợ săn như bị một luồng điện giật, rồi chân tay anh bị một sức lạnh ghê người làm cho tê cóng.
“Về tay ta! Về tay ta! Người đã về tay ta!” Tiếng reo đắc thắng ấy vang lên quanh mình anh. “Khi ngươi còn bé ta đã hôn ngươi một cái vào môi. Hôm nay ta lại hôn một cái vào gót chân người. Người là của ta, hoàn toàn của ta.”
Và Ruyđy biến mất giữa làn nước trong xanh. Trên mặt đất, khắp nơi đều im lìm. Tiếng chuông chiều ngừng hẳn. Mây mất màu rực rỡ.
“Mi đã về tay ta!” Những tiếng ấy vang lên dưới đáy nước và cũng vang lên trên trời. Tiếng kêu tràn ngập không gian vô cùng vô tận. Nhảy một bước từ tình yêu dưới trần tới những cảnh vui sướng thanh khiết trên trời, phải chăng là hạnh phúc? Chiếc hôn giá lạnh của cái chết đã phá huỷ một cái vỏ ngoài phải bị diệt vong. Một linh hồn bất tử thoát ra từ đó và sẵn sàng bước vào cuộc đời thực sự đang chờ đón nó. Nghịch âm chết chóc đã chuyển thành hoà âm trên thiên đàng.
Bạn có bảo rằng đấy là chuyện buồn không?
Tội nghiệp cho Babét! Phải, đối với nàng đó là những lúc lo sợ ác nghiệt nhất. Thuyền càng ngày càng ra xa. Trong bờ không ai biết là đôi vợ chồng chưa cưới ra chơi ngoài đảo. Trời tối sầm. Đêm xuống, một mình Babét đau khổ rên xiết, quằn quại trong cơn tuyệt vọng.
Một ánh chớp loé lên trên miền núi Jura. Một ánh khác loé lên trên bãi tuyết làm sáng rực cả mặt hồ. Babét giật mình đứng lên. Nàng thấy trên mặt nước Nữ thần Băng giá đứng đó, vẻ mặt uy nghiêm dữ tợn. Dưới chân mụ là xác Ruyđy.
- Nó là của ta!- Mụ nói rồi biến mất.
Babét nói: - Quân độc ác! Tại sao mi giết chàng vào đúng trước ngày rạng rỡ nhất của chúng ta?
Nàng tiếp: - Ôi Thượng đế! Cầu xin người hãy soi sáng cho linh hồn và trái tim tôi. Xin người hãy cho tôi biết những ý định bí ẩn của người.
Thượng đế đã nghe thấy tiếng nàng. Người đã soi sáng tâm hồn nàng. Nàng nhớ đến giấc mộng đêm trước, nhớ đến điều mà nàng đã cầu ước trong giấc mộng đó, xem như đó là hạnh phúc tối cao của Ruyđy và của chính nàng. Nàng nói:
- Tôi thật đáng chết. Vậy thì mầm mống tội lỗi đã có trong tim tôi ư? Điều mà tôi đã mơ thấy phải chăng là số phận của tôi? Và quả thật chàng chết như thế là hơn chăng?
Tiếng rên la của nàng vang lên gấp bội. Bỗng nhiên nhớ tới những lời nói cuối cùng của Ruyđy: “Trái đất không thể nào mang cho anh một hạnh phúc lớn hơn nữa”, con tim nàng thắt lại.
Nhiều năm trôi qua. Mặt hồ mỉm cười. Đồi núi trông tuyệt đẹp. Nhiều con tàu lướt sóng, cờ tung bay trong gió. Nhiều chiếc thuyền lớn, xoè những cánh buồm nhọn bay nhẹ trên mặt hồ như những con chuồn chuồn khổng lồ. Đường xe lửa vượt Si-ông và ngược thung lũng sông Rôn, khách du lịch đổ xuống các ga. Họ vội vã mở quyển “Hướng dẫn khách du lịch” đóng bìa đỏ và xanh lá cây, tìm những cảnh lạ để đi thăm. Và họ thấy trong sách truyện một đôi vợ chồng trẻ sắp cưới, năm 1856 ra chơi hòn đảo có ba cây dạ hợp, người chồng chưa cưới chết và mãi đến tận hôm sau, từ trong bờ người ta mới nghe thấy tiếng gào thét tuyệt vọng của người thiếu nữ.
Nhưng sách chỉ nói có thế thôi. Sách không nói đến cuộc đời ẩn dật của Babét sống với cha nàng, không phải ở cối xay, nó đã bị bán đi vì nàng không muốn sống ở nơi gợi lại biết bao hạnh phúc đã tan tành. Họ sống trong một căn nhà xinh đẹp gần ga. Nàng thường đứng hàng giờ bên cửa sổ, nhìn qua những cây hạt dẻ lên các ngọn núi tuyết, nơi Ruyđy săn bắn. Mỗi khi nhìn thấy đỉnh Anpơ nhuốm màu đỏ rực rỡ lúc hoàng hôn nàng tưởng nhớ đến buổi chiều cuối cùng của hai người. Thỉnh thoảng, khi nào buồn nhiều, khổ nhiều, nàng hình như nghe thấy các công chúa Thái Dương hát kể câu chuyện bão cuốn áo choàng người du khách như thế nào.
“Can chi mà buồn. Nó chỉ cướp được cái vỏ, chứ không cướp được con người.” Và trong tâm trí nàng loé lên ý nghĩ là Thượng đế sắp đặt mọi việc hết sức khéo. Điều đó nàng biết rõ hơn ai hết từ khi nằm mơ.
HẾ
Em bé Ruyđy
Các bạn đọc thân mến, tôi đưa các bạn sang đất nước Thuỵ Sĩ. Hãy nhìn xung quanh các bạn, nhìn lên những khu rừng âm u trên những đỉnh núi hiểm trở. Hãy trèo lên những bãi tuyết sáng chói và trở xuống những bình nguyên xanh tươi, ở đấy có biết bao nhiêu con sông con và khe suối đang ầm ầm chảy xiết, như sợ không đến kịp để tiêu tan trong biển cả.
Mặt trời rọi những tia nóng bỏng vào những thung lũng sâu, làm tan những khối tuyết. Đến đêm tuyết lại đông lại thành những tảng băng, lở ra rồi lăn xuống núi, hoặc đóng thành những dòng sông băng chồng chất lên nhau.
Trong số ấy có hai con sông băng đóng đầy những khe vực lớn dưới chân hai ngọn núi Sơrêchoóc và Vette-choóc gần thị trấn Gơrinđenvan. Những con sông băng ấy hình thành một cách lạ kỳ nên đến mùa hè, rất nhiều nhà du lịch từ khắp các nước đến đều nghỉ chân tại đó. Từ các thung lũng, leo hàng giờ liền mới lên tới đỉnh núi, ở đó, họ cảm thấy như đang nhìn thấy đồng bằng từ một quả khinh khí cầu lơ lửng trên không.
Mây luôn luôn tụ lại trên các ngọn núi thành một màn hơi bao la, còn mặt trời thì chiếu xuống thung lũng làm cho cây cỏ rực rỡ như một bức thanh lụa đặt trước đèn. Phía còn ở trên cao, nước thì thầm, khẽ róc rách và trườn theo các tảng dá, trải ra thành những dải bạc.
Hai bên đường đi lên sông băng là những nhà gỗ, xung quanh mỗi cái có vườn khoai nhỏ nuôi sống các em bé, miệng xinh xắn, háu ăn, lốc nhốc trong những gian nhà nhỏ bé đó. Người ta thấy hàng đàn các em bé ấy xô đến trước những người du lịch, vây quanh họ và mời mua những chiếc nhà gỗ xinh xinh do cha mẹ chúng đẽo gọt. Ngày nắng đẹp cũng như ngày mưa trút nước, lũ trẻ con ấy luôn đứng rải rác trên đường để chào mời du khách món hàng bé nhỏ của mình.
Cách đây chừng hai mươi năm. Du khách thấy một em bé cũng đến bán hàng, cùng chạy tới với các em khác, nhưng bao giờ em cũng đứng cách ra xa một chút. Em có một bộ mặt nghiêm nghị đáng yêu, và hai tay giữ khư khư cái hộp gỗ, tưởng chừng như không bao giờ em muốn rời nó. Các em khác quấy rầy mọi người. Riêng em chẳng nói chẳng rằng. Nhưng vẻ nghiêm trang của đứa bé làm mọi người thích gọi em hơn các em láu táu kia và em bán được nhiều hàng hơn, tuy em chẳng biết tại sao
Chính ông em đã đẽo gọt những cái kẹp bột bồ đào, những ông phỗng kỳ quái, những con gấy, những thìa, nĩa, những cái hộp chạm trổ cành lá thanh tao và những con nai mảnh khảnh. Ông cụ ở trên núi cao. Cụ có một tủ đầy những đồ chơi xinh xinh như thế thường làm trẻ con rất mê thích. Nhưng em bé, tên gọi Ruyđy, không chú ý đến những đồ chơi đó lắm. Cái mà em thích nhìn và thèm muốn, cái mà em khao khát chiếm được, là cây súng cổ treo trên xà nhà. Ông em đã hứa cho em, nhưng chỉ cho khi nào em đã lớn và đủ sức dùng cây súng ấy.
Tuy còn bé tí, em đã phải đi chăn dê. Nếu một tay chăn dê giỏi cần phải biết cùng dê leo lên các mỏm đá thì Ruyđy là một em bé chăn dê giỏi. Em còn trèo cao hơn cả dê nữa. Em thích trèo lên ngọn cây cao để gỡ tổ chim. Em cam đảm, còn liều lĩnh là khác. Chỉ khi nào đến bên một thác nước đang gầm thét, hay nghe thấy tiếng băng lở đổ ầm ầm, mới thấy em mỉm cười.
Em chẳng bao giờ chơi với những đứa trẻ khác. Chỉ thấy em trong bọn chúng khi nào ông em sai em đi bán các đồ gỗ trạm chổ do ông cụ làm ra, Ruyđy chẳng thích làm việc ấy tí nào. Em chỉ thích một mình leo lên các ngọn núi hiểm trở, hoặc ngồi cạnh ông ngoại để nghe kể lại những câu chuyện thời xưa và những tiểu thuyết về xứ Mêringgien, nơi ông cụ sinh trưởng, xứ sở ngày xưa đã bị một dân tộc thuộc dòng giống Thuỵ Điển từ trên tít miền Bắc xuống xâm lăng.
Vì thế Ruyđy học được khối thứ. Trong khi lắng tai nghe những câu chuyện của nhà điêu khắc già ấy, em đã thu lượm được một kiến thức nho nhỏ mà các em khác cùng tuổi không hề có. Nhưng trí tuệ em lại càng minh mẫn nhờ sự giao du với những con vật cùng sống trong gian nhà gỗ. Đó là Ajôla, con chó lớn của cha em và một con mèo mà Ruyđy rất yêu quý. Chính con mèo này đã dạy Ruyđy leo trèo.
Một hôm mèo bảo: “Này, đi lên mái nhà với tớ đi”, em nghe hiểu ngay. Khi người ta hiểu ngay tiếng nói của gà, vịt, chó và mèo, chúng nói cũng rành rọt như cha mẹ nói với ta. Khi ta lấy gậy của ông làm ngựa cưỡi chơi thì ta cũng nghe thấy nó hí và trông thấy nó có cả đầu, cả chân và cả đuôi. Nhưng một khi ta lớn lên thì tính năng đó mất đi. Tuy nhiên cũng có nhiều em giữ dc tính năng đó lâu hơn các em khác, người ta cho rằng chúng là những đứa đần độn hạng nặng. Nhưng, người đời thật là lắm chuyện!
Đây, mèo đã bảo em: “Này, đi lên mái nhà với tớ đi!” Tưởng là nguy hiểm thì thật là hão huyền. Khi người ta không hề sợ ngã. Nào, cậu đặt một cẳng như thế, một cẳng như vầy. Giữ cho chắc hai cẳng đằng trước. Mắt phải thật tinh, người phải thật mềm, khi tới một vực sâu cứ nhảy qua, không sợ gì cả. Trông tớ làm đây này.”
Thế là Ruyđy thuộc lầu cả bài diễn giảng đó, theo còn mèo lên tận mái nhà và các ngọn cây. Sau đó, em leo lên tận các mỏm đá nhỏ nhọn, nơi mà loài mèo không leo đến bao giờ. Chính những bụi cây mọc cheo leo đã dạy em bám lấy những ria núi chật hẹp hiểm trở nhất.
Ruyđy thường hay trèo lên núi trước lúc mặt trời mọc, và ở đấy em thở hít không khí tươi mát, lành mạnh. Đó là một thứ rượu tiên mà chỉ có Chúa Trời nhân đức mới biết làm, và đây là cách pha chế: Hãy trộn hương thơm của tất cả các loại cỏ tươi trên núi lẫn với bạc hà, xạ hương, hoa hồng và tất cả các thứ hoa khác mọc dưới thung lũng. Hãy lọc lấy những vị thơm tinh tuý nhất, còn các hơi nặng nề thì để cho mây hút đi. Nhờ gió đẩy tất cả qua những khu rừng thông, sau đó bạn được hương của một bó hoa tươi tắn, dịu dàng và cực kỳ thơm ngát.
Chính Ruyđy sáng nào cũng lên hưởng hương thơm ấy trên núi cao, ánh sáng mặt trời đến vuốt ve đôi má em. Thần Choáng váng, con quỷ kinh tởm đang rình mò em, nhưng có lệnh của bề trên cấm nó đến gần em bé. Những con chim nhạn trong bầy tổ chim làm dưới mái nhà của ông ngoại, bay theo em lên núi cao, nơi em chăn dê, và hát lên những điệp khúc bí ẩn: “Vi ốc i, ố ốc i, ố ốc vi”* Chúng truyền lại cho em nghe những lời khen ngợi của mọi người trong nhà, kể cả của đôi gà mái, những con vật mà em không hề giao du.
Tuy còn bé tí, em đã từng du lịch khá nhiều. Em sinh ở tổng Vale, từ đấy người ta mang em vượt qua dãy núi Anpơ về Obéclen, khi em còn nhỏ xíu. Sau này, em đã từng đi bộ đến tận Ettobach để ngắm nghía cái thác nước mỹ lệ toả trong không trung như một tấm sa màu bạc dài chừng ba trăm thước trước ngọn núi Jungfơrô phủ đầy băng tuyết trắng toát.
Cũng có lần em đến gần những sông băng lớn ở Gơrinđenvan nữa. Nhưng đó là một chuyện buồn. Mẹ em đã chết ở đấy và em đã mất hết tính vui vẻ của tuổi thơ. Thỉnh thoảng ông ngoại em lại kể rằng: “Hồi thằng Ruyđy lên hai, lúc nào nó cũng cười. Thư của mẹ cháu viết cho tôi toàn kể những nét vui như điên rồ của cháu, nhưng từ khi cháu bị rơi xuống hang băng đến nay, cháu trở thành nghiêm nghị hơn ông già.” Ông cụ không thích nhắc đến biến cố ấy, nhưng khắp vùng chung quanh mọi người đều biết. Câu chuyện xảy ra như sau:
Người ta chỉ nhớ rằng cha của Ruyđy là một người đánh xe ngựa. Con chó lớn Ajôla luôn chạy theo khi ông đánh xe từ Giơnevơ qua đèo Ximplông, đi sang nước Ý. Ông có một người em trai ở thung lũng ven sông Rôn thuộc tổng Vale. Đó là một tay săn nai dũng cảm và còn là người dẫn đường cho khách du lịch.
Ruyđy mồ côi cha từ năm lên hai. Mẹ em quyết định quay trở về quê hương Obéclen thuộc Becnơ, sống với ông ngoại em cách Gơrinđenvan một dặm đường. Ông cụ làm nghề chạm chổ những đồ gỗ xinh xinh để kiếm ăn.
Thế là đến tháng sáu bà ta bế con đi cùng với hai người thợ săn nai. Họ đã vượt qua dốc núi Giemmi và đã trông thấy từ xa các nhà gỗ nằm trong thung lũng của quê hương. Họ chỉ còn phải vượt qua một con sông băng lớn nữa thôi. Đường đi thật vất vả. Tuyết vừa mới rơi xuống, che một cái vực chỉ rộng độ mấy chục thước- như thường thấy ở vùng này- nhưng lại sâu hơn một người. Người thiếu phụ trượt chân, thụt xuống tuyết và cùng Ruyđy rơi biến xuống đáy vực.
Lúc đầu người ta không nghe tiếng kêu, cũng không nghe tiếng rên rỉ. Nhưng chẳng bao lâu em bé cất tiếng khóc. Phải mất hơn một giờ sau hai người săn nai mới tìm được cọc và dây ở một nhà gần đấy. Sau nhiều cố gắng, đến tảng sáng họ mới mang lên được người mẹ và đứa bé nom như đã chết rồi. Người ta cứu được đứa bé, còn người mẹ thì không cứu được. Em bé được mang về với ông ngoại và ông cụ đã cố gắng hết sức mình nuôi nấng em thật chu đáo. Cụ không thấy cháu vui vẻ tươi cười như mẹ cháu đã tả. Em bé hầu như không bao giờ cười nữa.
Ấy là hậu quả cái tai nạn làm em bé bị rơi vào thế giới băng giá lỳ lạ. Thế giới đó toàn là những khối băng vĩ đại sắc trắng hoặc xanh, đủ các hình thù, chồng chất lên nhau. Theo óc mê tín của nhân dân miền núi Thuỵ Sĩ thì linh hồn những người có tội bị giam giữ trong đó cho đến ngày phán xử cuối cùng.
Bên trong sông băng có những hang rộng bao la, những vực sâu suốt đến tận trong lòng dãy núi Anpơ. Nơi ấy có một lâu đài tuyệt đẹp. Đó là cung điện của Nữ thần băng giá, bà chúa của địa hạt âm u này. Mụ thích phá phách, đè bẹp và nghiền nát mọi vật. Không trung là cha mụ. Quyền lực của mụ rải trên tất cả các dòng sông bắt nguồn từ xứ sở của mụ. Mụ có thể lao nhanh hơn nai lên những đỉnh núi tuyết vĩnh cửu mà người liều lĩnh nhất cũng phải đẽo bậc thang vào băng mới leo lên được. Có những lần mụ trút xuống các cành cây thông những thác nước hung dữ nhất để rồi nhảy từ mỏm đá này sang mỏm đá khác, mớ tóc dài trắng toả phất phơ quanh mình, mụ khoác một áo choàng màu hồ thuỷ giống như nước các hồ vùng Henvêchi.
Khi người ta kéo Ruyđy từ dưới vực lên, mụ gào thét! “Thôi đi, để nó đấy! Nó là của ta!” Khi người ta dành đứa bé mang đi, thì mụ nói: “Chúng đã cướp của ta một đứa bé xinh đẹp, ta đã ôm nó, sắp sửa cho nó một cái hôn giết chết nó. Thế là nó lại được về sống với người đời. Nó chăn dê trên núi, nó trèo lên cao nữa, cao mãi. Nó đi xa hơn mọi người, nhưng không xa ta. Nó là của ta, ta sẽ chiếm được nó.”
Và mụ nhờ Thần Choáng váng đi bắt em bé cho mụ, vì bấy giờ, trên dãy núi Anpơ xanh tươi, cây bạc hà đã mọc, mùa hè tới, làm cho mụ Nữ thần băng giá nóng không chịu được.
Thần Choáng váng bay lên không để rồi lao xuống đáy các hồ nước và người ta thấy một em của thần chui lên, rồi thêm hai ba, rốt cuộc cả một bầy đông đảo, vì thần có rất nhiều em. Một số rình ở trên các thang gác, một số khác rình trên các lầu cao, gác chuông nhà thờ và mỏm núi. Chúng bơi trong không khí như cá bơi dưới nước và quyến rũ những nạn nhân của chúng để xô họ xuống vực sâu. Thần Choáng váng và Nữ thần băng giá đều chực sẵn và chộp lấy người khi đến gần, giống như con bạch tuộc quấn lấy tất cả mọi vật mà nó tóm được.
Trong tất cả lũ em của Thần Choáng váng, Nữ thần băng giá chọn tên khoẻ mạnh nhất, tinh quái nhất và ra lệnh cho nó đi bắt Ruyđy mang về cho mụ. Nó trả lời: “Tôi không thể bắt được thằng bé ấy. Đã nhiều lần tôi đặt những bẫy hiểm ác nhất để bắt nó, nhưng con mèo khốn kiếp đã truyền cho thằng bé tất cả bí quyết của nó. Hơn nữa, có một sức mạnh vô hình cứ gạt tôi ra, che chở cho thằng ôn con người trần mắt thịt ấy. Ngay cả lúc nó trèo lên cành cây chìa trên vực thẳm, tôi cù vào bàn chân nó, hà hơi làm cho nó chóng mặt, nó vẫn cứ trơ ra và không coi tôi ra gì cả.”
Nữ thần nói: - Dù không phải là mi thì chính là ta. Phải, ta đây, chính ta đây!
Chợt có tiếng: “Không, không được!” như tiếng ngân vang của chuông nhà thờ. Nhưng đó chính là một bài ca thực sự. Đó là tiếng đồng ca của các thiên thần hiền lành và đáng yêu.
Lại có tiếng: “Không, không được!” Đó là các công chúa Thái Dương. Chiều nào các nàng cũng dàn thành vòng tròn trên các đỉnh núi, xoè những đôi cánh cứ đỏ mái lên khi vầng thái dương hạ xuống chân trời, bao phủ dãy Anpơ bằng một vầng hào quang rực lửa. Khi mặt trời lặn hẳn, họ chui vào các lớp tuyết bao phủ các ngọn núi đã ngủ cho đến khi vầng Thái dương lại xuất hiện. Các nàng yêu nhất là hoa, bướm và loài người, nhưng con cưng của các nàng, chính là Ruyđy.
Các nàng ca lên rằng: “Mụ không bắt được chú ấy, mụ sẽ không chiếm được chú ấy đâu!”
Nữ thần đáp: “Ta đã từng bắt những đứa lớn và khoẻ hơn nó.”
Các nàng công chúa Thái dương đồng thanh hát lên một bài ca kể câu chuyện gió lốc đã giật chiếc áo choàng của một du khách như thế nào, cuốn lên không, nhưng chỉ cuốn được áo chứ không cuốn được người. Các nàng hát rằng: “Hỡi những đứa con của bạo lực, các ngươi đã túm được con người, nhưng các ngươi không giữ được con người đầu. Con người khoẻ hơn cả chúng ta, khoẻ hơn cả sức mạnh của thiên nhiên. Họ có thánh trí trong người. Họ biết những câu thần chú khiến được gió và nước phải vâng lời và phục vụ họ.”
Đó là bài đồng ca của các Thiên thần. Và sáng nào những tia nắng mặt trời cũng chiếu qua cái cửa sổ độc nhất của nhà cụ già, đến tận chỗ em bé đang ngủ. Các nàng công chúa Thái dương vuốt ve em bé, hôn khắp người em bằng những cái hôn nồng cháy nhất để xoá tan vết tích cái hôn giá lạnh của Nữ thần băng giá khi em còn nằm dưới lòng mẹ dưới vực sâu, và đã được cứu thoát một cách kỳ lạ.
Phần II
Chuyến đi sang quê hương mới
Bây giờ Ruyđy đã lên tám. Chú ruột của em ở bên kia rặng núi, trong thung lũng sông Rôn, xin đưa em về để dạy dỗ cho em nên người. Ông ngoại em thấy đó là một việc có lợi cho em nên đồng ý. Thế là Ruyđy sắp sửa lên đường. Ngoài ông ngoại ra, còn có nhiều người khác đến tiễn em đi. Trước hết là con chó già Ajôla của cha em. Nó nói:
- Cha cậu xưa kia là người đánh xe, còn tôi thì chạy theo xe. Chúng tôi đã lên xuống núi hàng nghìn lần, nên tôi qune biết khối người đã chết bên kia núi. Giờ thì tôi không hay nói nhiều nữa. Nhưng còn lâu chúng ta sẽ lại được gặp nhau nên tôi sẽ nói nhiều hơn mọi khi một chút.
Vậy thì, tôi muốn hỏi cậu, tại sao tôi cứ phải ngậm buồn mà luôn luôn chạy bên cạnh cái xe ngựa? Tôi cũng không hiểu được điều đó và tôi nghĩ rằng cậu cũng chẳng hiểu nốt.Thực ra, đến bây giờ tôi mới khám phá ra rằng: tất cả mọi người trên đời này đều không được sắp đặt hợp lý cho từng con chó cũng như từng con người. Không phải người nào trong chúng ta sinh ra ở trên đời này là cũng để được uống sữa ngon và được người ta bế lên mà nâng niu. Tôi không quen sống như vậy. Nhưng thỉnh thoảng tôi nhìn thấy trong xe ngựa có những con chó bé rất hư, chiếm một chỗ ngồi như một hành khách vậy. Các bà chủ của chúng cho chúng ăn bánh quy với sữa. Chúng được nuông chiều đến nỗi không thèm ăn. Chúng chỉ liếm vào bánh một tí rồi bà chủ ăn nốt.
Còn tôi thì lội bùn bên cạnh xe, bụng đói như cào, chỉ còn biết ngẫm nghĩ để trừ cơm. Đó là một mớ chuyện phi lý. Nhưng nào đã hết! Tôi ra sức sủa và ngáp để ra hiệu rằng tôi đã mệt nhoài, nhưng chẳng bao giờ người ta cho tôi vào trong xe, chẳng bao giờ người ta bế tôi lên lòng cả. Tôi kể tất cả những cái đó cho cậu để cậu học mà hiểu được cuộc đời cậu sắp bước vào”.
Đó là bài diễn văn của con Ajôla can đảm. Ruyđy ôm lấy cổ và hôn vào mõm nó. Sau đó, em muốn ôm lấy con mèo, nhưng mèo ta tỏ vẻ phật ý, nói rằng:
- Cậu bây giờ thì khoẻ hơn tớ nhiều lắm và dù sao tớ cũng không muốn dùng móng nhọn để đối xử với một người bạn cố tri như cậu. Cậu sắp leo qua nhiều núi. Cậu nên nhớ đến những bài học tớ đã dạy cho cậu. Khi đang ở trên cao, đừng nghĩ rằng mình có thể ngã, thì cậu sẽ không bao giờ ngã.
Nói xong mèo ta chạy trốn, để khỏi lộ qua ánh mắt với mọi người rằng mình cảm động biết bao khi phải xa người bạn thân mến. Hai ả gà mái chạy qua phòng. Một ả đã cộc đuôi. Có một nhà du lịch tự cho rằng mình là thợ săn, tưởng lầm ả là một con mãnh cầm, đã bắn cho ả một phát cụt phăng mất đuôi. Ả nói:
- Ruyđy sắp sang bên kia dãy Anpơ đấy!
Ả kia đáp: - Mình không thích nói những lời tiễn biệt.
Rồi chúng lon ton đi thẳng. Trái lại, đàn dê mà Ruyđy đã chăn dắt bấy lâu, tiễn em rất thắm thiết bằng những tiếng be be với giọng rầu rĩ nhất.
Vừa may trong làng có hai người dẫn đường lanh lợi cũng vượt qua núi Giemmi snag phía bên kia. Ruyđy đi bộ cùng với họ. Đó là một chuyến đi khó nhọc với một đứa trẻ còn bé như thế, nhưng em vốn khoẻ và lòng can đảm của em đã giúp em thắng được mệt nhọc. Chim sơn ca tiễn em một quãng đường và vẫn hát: “Vi-ô ốc-ii, ô ốc i, ô ô i”.
Đường đi vượt qua suối Luytainơ chảy xiết, bắt nguồn từ các tảng nước đá. Ruyđy rất vui vẻ, khi ra sức giáng mạnh những gót giày đóng đinh lên mặt băng, đôi mắt em sáng lên vì vui thích. Sau khi dùng tay bíu, trườn qua các tảng băng chắn đường, đến một cái hồ, em phải vừa đi vòng vừa giữ gìn cho khỏi lăn xuống vực. Trên miệng một cái vực sâu có một tảng đá lớn nằm chìa một nửa ra ngoài. Khi đi qua, Ruyđy vừa chạm tới, nó đã lăn ngay xuống. Nó vừa rơi vừa đập vào các hõm núi sâu, kèm theo là một tiếng va kinh khủng, vang dội đi rất xa.
Ngay trong lúc đó, Ruyđy chợt nhớ đến câu chuyện mọi người đã kể với em. Mẹ em đã cùng em rơi xuống một trong những khe núi khủng khiếp và lạnh chết người đó. Nhưng em táo bạo đến nỗi ý nghĩ đó không làm em run sợ mà đã tiêu tan ngay. Em nhanh nhẹn theo sau hai người, cả hai thỉnh thoảng muốn đỡ em trèo lên các đường hẻm khó khăn, nhưng em đi một mình trên băng cũng vững vàng và chắc chắn như một con nai.
Sau đó họ leo tới những hòn đá nhẵn nhụi không có rêu cỏ, rồi đi xuống một chút, qua một khu rừng tùng nhỏ, cằn cỗi để cuối cùng họ tới vùng tuyết vĩnh cửu. Chưa bao giờ em bé lại trèo lên cao như vậy. Trước mắt em là một biển tuyết mênh mông, có những làn sóng bất động. Thỉnh thoảng gió xoáy những bông tuyết lên thành những cơn lốc hệt như gió cuốn những bọt sóng bạc lên bờ đại dương. Xung quanh, người ta nhìn thấy các ngọn núi Jungfrô, Moanơ, Egie, những mỏm tuyết phủ mà mây không bay tới đỉnh.
Sông băng này tiếp luôn đến sông băng kia. Đây là những lâu đài nghỉ mát của Nữ thần, một vị thần chỉ chăm chăm bắt và chôn vùi người trần. Tuy thế, nắng lên thì lại nóng. Tuyết chói chang dưới ánh nắng làm loá cả mắt bằng muôn ngàn viên kim cương sắc trắng và xanh. Trên mặt tuyết còn có xác của vô khối côn trùng, ong bướm đã liều lĩnh bay tới, hoặc bị gió cuốn đến rồi chết rét.
Bên trên ngọn Vettechoóc hiện ra một đám nây giống như một mớ len sợi nhỏ và đen. Nó ùn lên nhanh chóng và sà xuống một cách nặng nề. Đó là dấu hiệu của bão Fơn khủng khiếp, cơn phong ba có thể lật nhào tất cả mọi vật nằm trong luồng gió. Ruyđy không chú ý đề phòng, em còn đang mải ngắm cái phong cảnh vĩ đại khắc sâu mãi vào trong trí nhớ của em. Nhưng hai người cùng đi đã thấy được sự nguy hiểm, họ vội vã chạy đến một cái quán cũ kỹ bằng đá, dựng lên để cho khách bộ hành lạc đường trú chân.
Ở đấy họ có than và cành thông. Nhóm lửa xong, hai người dẫn đường nấu một ấm thuốc mạnh và cay, chống mệt mỏi rất tốt. Ruyđy cũng có phần. Hai người ngồi quanh đống lửa vừa hút thuốc vừa nói đến những sinh vật thần bí ở các vùng thuộc thung lũng dãy Anpơ: những con rắn khổng lồ sống dưới đáy hồ, những đàn ma quái cuốn khách bộ hành ngủ quên lên trên những người chăn cừu man rợ chăn đàn cừu đen ở mãi tít trên các đỉnh cao. Những con cừu đen ấy chưa ai hề thấy, nhưng nhiều lần người ta đã nghe tiếng nhạc và tiếng kêu bi thảm. Ruyđy rất thích nghe những câu chuyện ấy, không mảy may kinh hãi. Em không biết sợ là gì cả. Ngay khi nghe thấy một tiếng kêu ghê rợn em tưởng là tiếng của đàn cừu đen mà những người đưa đường vừa kể, em cũng không giật mình. Tiếng động ngày càng đến gần, càng thêm dữ dội. Hai người thợ săn ngừng câu chuyện và bảo Ruyđy đừng ngủ để chuẩn bị sẵn sàng.
Đó là cơn bão, cơn phong ba cực mạnh, từ trên đỉnh các ngọn núi lao xuống thung lũng, quạt gẫy những cây cối loại khoẻ nhất như bẻ đũa, và cuốn tung những gian nhà gỗ từ bờ sông bên này cũng sang bờ sông bên kia dễ như người ta đi một quân cờ. Cảnh huyên náo kéo dài một tiếng đồng hồ, rồi giảm dần. Hai người dân miền núi cho Ruyđy biết là đã hết bão và có thể đi ngủ. Em mệt quá và vui lòng làm theo ngay.
Sáng hôm sau họ lại lên đường. Vượt qua nhiều núi khác, nhiều sông băng và bãi tuyết mới, họ đã tới tổng Vale bên kia dãy núi Anpơ. Họ lại nhìn thấy sắc xanh của rừng cây và chẳng bao lâu lại được gặp người. Nhưng giống người gì thế? Những quỷ sứ, loắt choắt, mặt xị, da vàng ệch, người nào cũng có một cái bước gớm ghiếc ở cổ. Đó là những người đần độn đáng thương, kéo dài cuộc đời lang thang, khốn khổ, đang ngây ra nhìn người qua lại. Nhất là đàn bà, trông còn quái gở hơn. Nhân dân vùng quê hương mới của Ruyđy có như thế cả không?
III. Ông chủ
Nhờ Chúa, Ruyđy đã thấy những người ở trong nhà ông chú đều giống những người em vẫn quen nhìn. Ở đây chỉ có một người đần độn, một người ngây dại đáng thương, một trong những con người khốn khổ bị ruồng bỏ mà mỗi gia đình trong tổng Vale đem về nuôi vài ba tháng rồi lại chuyển sang cho những người trung hậu khác nuôi, cũng trong khoảng thời gian tương tự. Con người đáng thương ấy là Xaperli.
Chú Ruyđy vẫn còn là một người thợ săn cường tráng. Ông còn biết làm nghề đóng thùng nữa. Bà vợ ông là một người nhỏ nhắn, hoạt bát, mặt trông như mặt chim, mắt sắc như mắt diều hâu, cổ dài có nhiều lông tơ.
Cái gì cũng mới lạ đối với Ruyđy. Từ quần áo, phong tục cho đến ngôn ngữ. Nhưng riêng vì tiếng nói, trí óc non trẻ của em làm cho em chẳng mấy lúc đã nắm được và quen thuộc. Nhà của chú em so với nhà của ông ngoại có vẻ phong lưu hơn. Các buồng rộng rãi hơn, trên trang hoàng nhiều sừng nau và những khẩu súng săn bóng nhoáng. Bên trên cửa ra vào có treo tranh Đức Mẹ, đằng trước là một ngọn đèn, xung quanh kết hoa hồng vùng Anpơ.
Chú em không những chỉ là một người thợ săn nai giỏi nhất vùng, ông còn là người dẫn đường khá nhất miền này. Chẳng bao lâu Ruyđy đã trở thành con cưng của gia đình. Ít nhất người ta cũng quý em như con chó săn già, câm và mù, không giúp được việc gì nữa, nhưng trước kia đã làm được nhiều việc đến nỗi bây giờ người ta chăm sóc nó rất chu đáo, coi như một người trong gia đình. Ruyđy vuốt ve và trìu mến nó. Nhưng con chó già ấy không thích xây dựng những quan hệ mới. Có thể nói là Ruyđy đã sớm bắt rễ vào lòng mọi người trong gia đình. Chú em bảo: “Chúng ta ở trong tổng Vale này không đến nỗi khổ. Chúng ta luôn luôn có nai. Các giống này không bị mất đi như giống sơn dương. Phải, bây giờ cái gì cũng hơn xưa nhiều lắm. Người ta đã kể nhiều rằng thời xưa rất quang vinh. Nhưng thời này còn hơn nhiều. Trước kia những thung lũng của chúng ta tưởng như tách rời khỏi thiên hạ, nhưng có một sức mạnh đã phá tan bức tường ngăn cách và một luồng gió mát đã thổi đến làm phấn chấn tất cả vùng.”
Khi nói chuyện, chú Ruyđy kể lại thời thơ ấu của ông, thời mà toàn tổng Vale sống cách biệt, nửa dân số là những người đần độn và tàn tật đáng thương. Ông kể tiếp: - "Nhưng bỗng nhiên, quân lính Pháp xuất hiện. Đó là những người thầy thuốc mà chúng ta cần. Họ giết người và tiêu diệt luôn cả bệnh tật nữa. Đó là những người biết chiến đấu anh dũng, những chàng trai cứng cỏi. Vả chăng phụ nữ Pháp thật xứng đáng với họ" - Nói đến đây, ông nhìn bà vợ là người Pháp và cười, miệng ngoác đến tận mang tai.
Ông lại nói tiếp: - Đánh nhau với người xong, họ liền tấn công núi đá. Chính họ xây dựng con đường từ Ximplông qua các ngọn núi hiểm trở nhất, và bây giờ ta chỉ cần bảo đứa trẻ lên ba: “Cứ theo đường cái mà sang nước Ý”, thế là nó sẽ tới tận nước Ý nếu nó cứ đi theo đường cái.
Nói đến đây, ông cất tiếng hát một bài hát tiếng Pháp và tung hô hoàng đế Napôlêông. Đến bây giờ Ruyđy mới được nghe nói đến nước Pháp và đến Ly-ông, một thành phố lớn trên bờ sông Rôn. Chú em đã từng ở đó. Ông bảo Ruyđy: “Chú cho rằng chỉ trong ít năm nữa cháu sẽ thành thợ săn giỏi vì cháu sẵn có rất nhiều tài năng.”
Ông dạy em cách cầm súng, cách ngắm và bắn. Ông cho em theo đi săn trên núi, cho em uống tiết nai nóng để trừ chứng chóng mặt. Ông dạy cho em nhìn hướng mặt trời mà biết được núi lở vào buổi trưa hay buổi tối. Ông bày cho em cách bắt chước các con nai, nhảy sao cho khi chạm đất là đứng vững được ngay, không loạng choạng. Ông còn dạy em cách thoát khỏi vực sâu khi chẳng may bị lăn xuống: phải tỳ khuỷu tay, dùng bắp chân và dùng cả đến bắp thịt ở gáy để bám lấy những cái mấu dù là nhỏ nhất.
Ruyđy tiếp thu những cái đó rất nhanh. Em còn biết những mưu mẹo người ta dùng để đánh lừa giống nai, mặc dầu chúng rất tinh khôn, dùng vọng gác và tuần tiễu để canh gác lẫn cho nhau cẩn thận đến thế nào chăng nữa. Em thấy chú em treo áo và mũ lên một cái gậy, rồi lảng tránh ra phía khác, để cho con nai tội nghiệp mải nhìn bộ quần áo mà mất cảnh giác.
Một hôm Ruyđy theo chú đi săn. Ông ta cũng dùng mưu mẹo đó. Đường nhỏ hẹp, hay nói cho đúng hơn, chỉ có một vệt mờ, đó chỉ là một cái rìa núi mỏng mảnh chênh vênh trên miệng vực. Tuyết đang tan dở dang. Đá lở dưới chân và lăn xuống vực, vì thế chú em phải nằm dán mình xuống đất và trườn lên, thế mà thỉnh thoảng vẫn có một hòn đá long ra, rơi xuống, nhảy muôn ngàn cái từ mỏm đá này sang mỏm đá khác trước khi chạm xuống đáy vực đen ngòm.
Ruyđy đứng chỉ cách ông chú chừng một trăm bước, trên tảng đá vững chãi ở phía sau. Nhưng kìa, một con đại bàng lớn bay thẳng đến chỗ người thợ săn đang trườn như một con sâu, nó định dùng cánh quạt ngã ông ta xuống vực để xé xác ăn thịt. Chú Ruyđy không nhìn thấy nó vì ông vừa trông thấy và đang mải theo dõi con nai mẹ đang đứng với con ở bờ vực bên kia.
Ruyđy trông thấy con chim dữ và đoán biết ý định của nó. Em giơ súng lên sắp sửa bắn. Ngay lúc đó, con nai giật mình nhảy lên chạy trốn. Ông chú nổ súng, con vật trúng đạn lăn ra chết, trong khi nai con tẩu thoát, nhảy qua các mỏm núi và lao qua các vực thẳm vững chắc như một con nai lớn. Con đại bàng nghe tiếng súng nổ sợ hãi bay đi. Nghe Ruyđy kể lại, ông chú Ruyđy mới biết mối nguy vừa đe doạ ông.
Ông đi nhặt xác con nai rồi họ vui vẻ quay về nhà. Ông chú rất mừng, cất tiếng hát một bài ca thuộc từ hồi còn trẻ. Bỗng gần đấy nổi lên một tiếng động khác thường. Họ ngước mắt nhìn lên. Cao tít trên đỉnh núi hiểm trở, bãi tuyết dâng lên, chuyển động như một tấm lụa căng bị gió thổi rập rờn lên như sóng. Rồi tất cả đám băng tuyết ấy tan ra, phân tán ra, tựa như một thứ bọt trứng lao xuống, ầm ầm như sấm động. Đó là một trận băng lở khủng khiếp. Nó không đổ xuống phía họ, nhưng gần lắm, gần quá.
Chú Ruyđy dùng hết sức gào lên: “Cháu đứng cho vững!” Ruyđy bám chặt vào một thân cây. Người thợ săn leo lên ôm chặt vào cành cây. Trận băng lở qua cách đấy hàng trăm thước, nhưng cơn giông tố nó gây ra làm gẫy tất cả những cây cối quanh đấy như cói khô, rồi rải tung ra. Ruyđy thấy mình bị ngã sõng sượt trên mặt đất. Cái cây mà em ôm khi nãy tựa như bị cưa tận gốc, ngọn văng ra xa. Tại đó, ông chú bị vỡ đầu, nằm sõng sượt giữa đám cành cây. Tay ông hãy còn nóng, nhưng không còn nhận ra mặt ông nữa. Trước cảnh tượng ghê rợn đó, Ruyđy tái mặt, run rẩy và lần đầu tiên em cảm thấy sợ.
Đến tối khuya, em mới mang tin khủng khiếp đó về đến nhà. Bà vợ ông chú im lặng chẳng nói, cũng chẳng khóc. Chỉ đến khi người ta mang thi hài về nỗi đau đớn mới bùng ra. Anh chàng Xaperli đáng thương vào nằm bẹp trong giường. Cả ngày hôm sau người ta không trông thấy hắn. Đến tối, hắn tìm Ruyđy và bảo em: “Cậu viết cho tôi một cái thư, Xaperli này không biết viết, nhưng biết ra bưu điện bỏ thư.”
Ruyđy hỏi: - Viết thư hộ anh à? Gửi cho ai?
- Gửi cho Đức Chúa Giêsu của chúng ta.
- Anh nói gì thế?
Anh chàng ngớ ngẩn đáng thương nhìn Ruyđy bằng một vẻ cảm động nhất, chắp tay lại và thì thầm, vừa nghiêm trang vừa thành kính: “Giêsuma lạy Chúa tôi, Xaperli này muốn viết thư cho Chúa để xin Chúa cho Xaperli được chết thay cho ông chủ.”
Ruyđy xiết chặt tay anh ta và phải vất vả mới giảng giải được cho anh ta hiểu rằng lá thư sẽ không lên đến trên trời và cũng không làm cho người chết sống lại được. Sau khi làm lễ chôn cất xong, bà thím bảo Ruyđy:
- Bây giờ cháu là trụ cột trong gia đình.
Và thật tình Ruyđy là như thế.
IV. Nàng Babét
Ai là thiện xạ giỏi nhất tổng Vale? Những con nai biết rõ điều đó và bảo nhau: “Này, phải rất coi chừng khi gặp Ruyđy”. Ai là người thợ săn đẹp trai nhất vùng? Các cô thiếu nữ trả lời: “Ồ! Đó là Ruyđy.” Nhưng họ không thêm câu: “Phải coi chừng anh ta.
Và kể cả những bà mẹ nghiêm khắc nhất cũng không nói câu đó, vì anh chàng lễ phép với các bà biết bao, và vui vẻ, hoạt bát, đáng yêu biết bao! Đôi má rám nắng, bộ răng trắng muốt, đôi mắt đen bóng như hạt huyền, thật là một chàng trai đẹp quá chừng.
Anh không thấy buốt khi bơi trong suối hoặc trong hồ nước giá lạnh vùng Anpơ. Anh nhào lên lặn xuống như một con cá. Không ai khéo trèo bằng anh. Anh có thể bò lên sườn núi đá dựng đứng như những con sên. Còn nhảy thì sao anh giỏi đến thế! Quả thật anh đã làm vinh dự cho các giáo sư mèo và nai của anh.
Ruyđy trở thành người dẫn đường giỏi nhất vùng. Nếu cứ làm nghề đó, anh có thể kiếm được cả một cơ nghiệp. Nghề đóng thùng của chú anh truyền cho, anh chẳng thích tí nào. Cái thích và niềm vui của anh là đi săn nai, công việc ấy cũng kiếm ra tiền. Thế cho nên Ruyđy là một đám tốt. Những cô gái nào khiêu vũ với anh, đêm về là mơ tới anh. Ban ngày nhiều cô chỉ nghĩ đến anh thôi.
Annet, con gái ông hương sư kể với cô bạn thân nhất rằng: “Anh ấy đã hôn mình trong khi khiêu vũ”. Nhưng chính ra cô chẳng nên tâm sự chuyện ấy, ngay cả với cô bạn thân này. Khó mà giữ kín được những chuyện bí mật như vậy. Nó cứ như những hạt cát nằm trong một cái túi thủng lọt ra tứ tung và chẳng bao lâu, dù Ruyđy đứng đắn và trung hậu đến mấy, người ta cũng đồn rằng anh hay hôn con gái trong khi khiêu vũ. Thực ra, những cái hôn ấy chỉ vẻn vẹn có một cái mà anh đã tặng Annét, nhưng cô không phải là người mà anh yêu.
Ở vùng dưới, gần thị trấn Bêch, giữa một đám gồ đào lớn, cạnh dòng sông chảy xiết, có nhà một ông chủ cối xay giàu có. Nhà ông ta to và đẹp, có ba tầng với những mái chòi lợp chì lấp lánh dưới ánh nắng hoặc ánh trăng. Trên chòi lớn nhất có gắn một cái chong chóng hình quả cam có mũi tên xuyên qua để kỷ niệm Guyôm Ten. Cái cối xay máy trông rất ngoạn mục và còn có vẻ trù phú nữa.
Các nhà hoạ sĩ đến đây vẽ. Nhưng không ai có thể biểu hiện được trong một bức hoạ vẻ duyên dáng yêu kiều của con gái ông chủ cối xay. Đó là ý kiến của Ruyđy. Dù sao hình ảnh cô thiếu nữ đã ghi tạc, khắc sâu vào tim anh. Một cái nhìn của nàng Babét xinh đẹp đã đột nhiên thiêu đốt tâm hồn anh như một mớ bùi nhùi trong phút chốc gây nên đám cháy. Có điều lạ là cô gái xinh đẹp, con ông chủ cối xay không ngờ đến chuyện gì cả. Cô và Ruyđy chưa bao giờ trao đổi với nhau một lời. Người cha giàu có và cô gái xinh đẹp xem như cao quý vì có của, nên khó mà gần được.
Ruyđy tự nhủ: “Nói cho cùng, chẳng ai có thể vắt vẻo trên cao đến nỗi không thể đụng đến được. Chỉ cần biết leo, và dù cho có phải leo dốc dựng đứng đến đâu đi chăng nữa cũng không bao giờ ngã, miễn là đừng có tin rằng mình sẽ ngã.” Ta thấy anh chàng luôn luôn nhớ tới bài học của con mèo ở nhà ông ngoại.
Một hôm Ruyđy có việc đi Bêch. Đó là cả một cuộc du lịch. Thời đó, đường xe lửa còn lâu mới làm xong. Ruyđy men theo thung lũng dài có dải sông Rôn uốn khúc, khi chảy qua đấy còn là một dòng nước nguy hiểm, luôn luôn sẵn sàng tràn ra ngoài, tàn phá ruộng đồng nhà cửa. Qua Si-ông thung lũng ngoắt đi và ngày càng hẹp lại. Gần đến Xanh Môrit thì chỉ còn đủ chỗ cho sông và đường cái di qua. Quá tí nữa, sừng sững một ngọn tháp cổ trông như một người lính canh đứng gác địa giới tổng Vale tận cùng ở đó. Qua một cái cầu là đi vào địa hạt tổng Vốt. Thị trấn đầu tiên ta gặp là Bêch. Thung lũng lại mở rộng ra, phì nhiêu và mỹ lệ, trông như một khu vườn trồng toàn hồ đào và hạt dẻ, đây đó có những đám lựu và trắc bá, khí hậu ấm, dễ chịu, tưởng chừng như ở nước Ý.
Ruyđy tới Bêch. Giải quyết công việc xong anh đi dạo chơi quanh vùng cối xay nhưng không gặp ai cả. Anh không tìm ra một tí vết tích nào của Babét. Thật là một việc chẳng may.
Chiều đến, không khí ngạt mùi xạ hương và bách lý đang ra hoa. Ánh trăng dường như chứa đầy hương xuân trải lên những đỉnh núi xanh tươi một màn sa mỏng. Bốn bề tịch mịch, nhưng không phải là cái yên lặng của giấc ngủ hay sự chết chóc. Người ta có cảm tưởng như tạo hoá bừng tỉnh giấc, nín thở để làm mẫu cho một nhà hoạ sĩ thiên thần muốn hoạ lại hình ảnh của mình trên nền trời xanh. Đó đây, giữa đồng ruộng, mọc lên những cột to đỡ những đường dây điện tín, chạy qua thung lũng trầm lặng. Người ta nhìn thấy một vật không động đậy dựa vào một trong những cột điện đó, mà người ta dễ nhầm với một khúc cây khô. Đó là Ruyđy, cũng im lìm như cảnh vật, mặc dầu anh không ngủ và cũng chưa chết. Việc thông báo các sự kiện mà không làm cho sợi dây rung chuyển hoặc phát ra một tiếng động như thế nào, thì những ý nghĩ mãnh liệt chạy qua óc Ruyđy cũng như thế, vẻ người của anh không lộ ra một tí gì để người ta đoán được ý nghĩ của anh cả. Chỉ có cái mà anh đang nghĩ đến mới có thể mang lại hạnh phúc cho đời anh và sẽ làm anh bận tâm từng giờ từng phút.
Mắt anh đăm đăm nhìn vào một điểm, một tia sáng nhỏ lấp lánh trong vòm cây. Tia sáng đó phát ra từ buồng cô Babét, trong nhà ông chủ cối xay. Trông Ruyđy đứng lặng yên và im lìm như vậy, người ta tưởng anh đang rình một con nai. Nhưng lúc này anh là con mồi thì đúng hơn là một người đi săn. Anh giống như một con nai, đứng trên chóp một tảng đá, trơ trơ như tạc vào núi, bất thình lình nghe tiếng động của một hòn đá rơi, chồm lên và biến mất. Chính Ruyđy là như thế đó. Một ý nghĩ nữa thoáng qua đầu anh. Anh bất giác cựa quậy và tự nhủ: “Không bào giờ lùi bước. Không bao giờ thất vọng. Cứ liều vào cối xay. Chào ông chủ, chào cô Babét, nói như vậy có gay không nhỉ? Khi tin chắc không ngã, thì chẳng thể ngã được. Nếu số mình phải là chồng Babét thì dầu sao cũng phải để cho cô ta trông thấy mình cái đã.”
Anh bước đi, lòng đầy can đảm. Anh đã thấy rõ ràng ý muốn của mình: lấy Babét. Anh đi dọc bờ sông nước vàng cuốn ầm ầm, men theo con đường mòn có hàng liễu rủ cành xuống nước, tới nhà ông chủ cối xay. Nhưng đúng như trong bài hát cổ: “Cả nhà đi vắng, chỉ còn lại chú mèo.”
Thực thế, chỉ có con mèo nằm trên bực thềm, trước cửa. Nó còng lưng kêu: “Meeo!” Nhưng Ruyđy không còn hiểu được tiếng nói của loài vật nữa. Anh gõ cửa, không ai nghe thấy, chẳng ai ra mở cửa. Con mèo lại kêu: “Meo…meo…” Hồi trước thì Ruyđy có thể hiểu ngay là: “không có ai ở nhà cả.” Bây giờ anh phải đi sang cối xay để hỏi thăm thế nào. Ở đấy người ta cho biết là ông chủ đi chơi xa, đến tận Inteclaken. Babét cùng đi với ông. Họ đi xem hội thi bắn khai mạc vào ngày hôm sau và kéo dài tám ngày, thiện xạ của các tổng người Đức sẽ tập hợp tại đây.
Tội nghiệp cho Ruyđy! Anh đến Bêch thật là không đúng lúc, quay về đi thôi!
Và anh thực hiện điều ấy một cách ngoan ngoãn. Anh đi suốt đêm về đến nhà. Nhưng, bạn có biết không? Anh ta không buồn, sáng hôm sau anh đã trở lại vui vẻ như cũ, hay nói cho đúng hơn, đức tính ấy chưa bao giờ rời anh cả. Anh nghĩ thầm: “Như thế là Babét đi Inteclaken, cách đây mấy ngày đường, phải, nếu theo đường cái lớn. Nhưng nếu ta đi theo đường mòn tắt qua núi thì có thể nhanh hơn. Đó chính là con đường dành cho thợ săn nai. Mình đã qua đường ấy một lần hồi còn bé, khi còn ở nhà ông ngoại ra đi đến đấy. À! Mà lại có hội thi bắn ở Inteclaken. Thế thì mình sẽ là hiệp sĩ quán quân và một khi quen nhau thì cũng sẽ là hiệp sĩ trong tim nàng Babét.
Anh lấy hành lý, diện bộ quần áo ngày lễ, khoác súng, đeo túi săn, vượt núi đi theo con đường ngắn nhất.
Hội thi sáng nay mới bắt đầu và còn kéo dài suốt một tuần lễ nữa. Người ta đã nói với anh rằng trong tám ngày đó ông chủ sẽ ở nhà người họ hàng ông ở Inteclaken. Vì vậy không nên trì hoãn một phút nào cả. Ruyđy vượt núi Giemmi đi Gơrinđenvan. Anh bước đi nhanh nhẹn vui vẻ, không khí tươi mát vùng Anpơ tiếp thêm sức mạnh cho anh. Anh thấy thung lũng ngày càng hạ thấp xuống sau anh, chân trời mở rộng ra. Đây xuất hiện một ngọn núi tuyết, kia lại một ngọn khác, cuối cùng anh thấy trước mặt là tất cả một dãy những đỉnh núi Anpơ một màu trắng toát. Anh biết tất cả các ngọn. Anh nhắm phía ngọn Sơrêchoóc đang trỏ thẳng lên trời như một ngón tay khổng lồ bọc tuyết.
Anh vượt những cao điểm trên đường và tiến gần đến những bãi cỏ trong thung lũng, nơi anh đã sống khi còn thơ ấu. Không khí nhẹ nhàng làm tâm hồn anh lâng lâng. Núi và thung lũng rực hoa lá xanh tươi. Tim Ruyđy cảm thấy tất cả nỗi say sưa của tuổi trẻ. Những tiếng nói trong nội tâm vang lên với anh: “Người ta không bao giờ già. Hãy vui sướng tân hưởng cuộc đời, sống tự do như chim trên trời. Hãy bay đến những nơi mà thú vui đang gọi ta.”
Anh lại thấy những con chim nhạn thân yêu vẫn luôn luôn hát: “Vioốc-i, oôc-i, ô ôc-vi”. Tất cả náo nhiệt và vui sướng.
Dưới kia, đồng cỏ trải ra như một tấm thảm bằng nhung xanh. Đây đó điểm những ngôi nhà gỗ màu sẫm. Người ta nghe thấy tiếng réo ầm ầm của nước sông Luytsinơ. Ruyđy lại trông thấy những con sông băng, những tảng băng màu ngọc bích, những khe núi trống hốc. Chuông nhà thờ vang lên như chào đón anh trở về. Tim anh rộn lên tràn ngập những kỷ niệm thân yêu thời thơ ấu. Hình ảnh Babét biến đi một lát khỏi tâm trí anh. Anh đang đi trên chính con đường cũ mà hồi bé anh đem bán cho du khách những cái nhà gỗ nhỏ do ông ngoại đẽo gọt. Ôi! Tội nghiệp cho ông ngoại! Nhà ông cụ ở trên kia, giữa rặng thông. Người khác đã đến ở rồi.
Các em chạy đến bán đồ chơi cho anh. Một em trong bọn mời anh một đoá hoa hồng vùng Anpơ. Anh cầm lấy và coi như một điềm tốt, lúc ấy anh đã lại nghĩ đến Babét rồi.
Anh đi nhanh xuống núi, qua cầu ở ngã ba hai nhánh sông Luytsinơ. Anh đã rời khỏi vùng rừng thông. Chỗ nào cũng có cây ăn quả, hai bên đường đầy những cây hồ đào rợp bóng. Cuối cùng, anh trông thấy nhiều cờ xí tung bay trước gió: cờ Thụy Sĩ, giống như cờ Đan Mạch, đều có hình thập trắng trên nền đỏ. Inteclaken đã ở trước mặt anh.
Đối với anh, đó là một thị trấn đẹp có một không hai trên đời, được trang điểm để đón ngày hội. Đấy không phải là một đám nhà đen, nặng nề, to lớn và trang nghiêm mà là những gian nhà gỗ vui mắt, xếp đặt một cách linh hoạt. Có hai dãy nhà đẹp nhất mới xây dựng, lần trước Ruyđy đến Inteclaken chưa có dãy phố ấy.
Mỗi ngôi nhà xinh đẹp ấy có bao lơn chạy quanh bốn phía. Gỗ làm nhà được đẽo gọt, chạm trổ rất đẹp mắt. Cả những khung cửa sổ và những rìa mái nhô ra ngoài vườn đầy hoa, ngăn cách hoa với mặt đường, cũng chạm trổ như vậy. Phía sau, chạy dài những bãi cỏ lớn, xanh tươi, trên đó có những đàn bò cái đang gặm cỏ, tiếng chuông treo trên cổ vang đi xa. Tứ phía, những ngọn núi cao xiết chặt lấy thung lũng, trừ quãng giữa mở cho ta nhìn thấy ở phía chân trời ngọn Jungfơrô, bà hoàng của dãy Anpơ với tất cả vẻ huy hoàng của nó. Các ông các bà từ các xứ đến đông nghịt. Họ mới diện làm sao! Trông cái đám các ông các bà Thuỵ Sĩ ấy, từ các tổng kéo về, quần áo đẹp muôn màu muôn vẻ mới thích mắt làm sao! Nhà nào cũng treo cờ từ trên xuống dưới, trang hoàng bằng tranh và các câu châm ngôn vui nhộn. Khắp nơi thật là náo nhiệt. Chỗ nào cũng có tiếng đàn hát, tiếng nhạc phát ra từ những đàn phong cầm có tay vặn, từ các đoàn nhạc sĩ hát rong. Thêm vào đó, tiếng reo vui vẻ, tiếng “hua-ra” gọi nhau trong đám đông. Giữa tiếng ồn ào ấy, người ta nghe thấy tiếng súng bắn đều đều. Đó là bản nhạc êm dịu nhất đối với Ruyđy. Nó làm cho quên cả Babét, mặc dù chính vì nàng mà anh đến đây.
Các thiện xạ vội vã chen nhau về phía các bia bắn, mỗi người đeo một số thứ tự ở mũ, xung quanh quấn một vòng lá sồi. Ruyđy vội nhập bọn với họ. Anh là người bắn giỏi và may mắn nhất, không bắn ra ngoài điểm đen phát nào. Xung quanh anh người ta xì xào: “Cái anh thợ săn trẻ tuổi lạ mặt này là ai thế nhỉ? Anh ta nói tiếng Pháp, có lẽ là người tổng Vale.” Người thì bảo: “Anh ấy còn nói sõi cả tiếng Đức theo giọng chúng ta nữa, nghe như hồi bé anh ta đã sống ở gần đâu đây, ở Gơrinđenvan.”
Người thanh niên ấy thật tràn trề đầy sức sống, mắt sáng long lanh, ngắm rất tự tin và tay rất vững. Hạnh phúc đã làm cho anh dũng cảm thêm, vả lại Ruyđy vốn đã là người can đảm. Chẳng mấy lúc, một vòng người hâm mộ vây quanh lấy anh. Người ta khen anh và lớn tiếng tâng bốc anh. Thực ra thì Babét đã gần như hoàn toàn biến đi trong tâm trí anh.
Bỗng một bàn tay nặng nề đập vào vai anh và một người hỏi anh bằng tiếng Pháp với một giọng khó nghe: “Anh ở tổng Vale phải không?”
Ruyđy quay lại và trông thấy một người to lớn, mặt mũi hớn hở, đó là ông chủ cối xay giàu có ở Bêch. Thân hình to béo của ông ta che lấp cả cô Babét xinh đẹp. Nàng len được qua người ông và tiến về phía chàng thanh niên, nhìn chàng bằng cặp mắt huyền, đẹp và sắc sảo. Người dân quê giàu có này lấy làm thích thú vì một thợ săn cùng quê lại là người bắn giỏi nhất và giành được nhiều giải thưởng cao nhất. Ông lấy làm vui sướng hả hê như được chia sẻ nỗi vinh dự ấy.
Quả nhiên là Ruyđy đã gặp vận may. Những người mà vì họ anh đã đến Inteclaken và khi đến nơi anh đã quên mất họ thì nay đã thân tìm đến anh. Hai bên bắt chuyện với nhau và trở nên thân mật ngay.
Như Ruyđy đã tự hứa hẹn, bây giờ anh là hiệp sĩ quán quân của hội thi bắn. Còn ông chủ cối xay ở Bêch thì là người được vị nể nhất vì ông ta giàu và có cái cối xay đẹp nhất. Bởi vậy họ bắt tay thân thiện với nhau, vậy mà từ trước tới nay họ chưa từng làm. Nàng Babét xinh đẹp cũng vui lòng chìa tay cho Ruyđy, chàng nắm chặt tay nàng và nhìn nàng đến nỗi nàng đỏ mặt thẹn thùng.
Ông chủ cối xay kể lại rằng ông và cô con gái vừa mới qua một cuộc viễn du, ông nói đến những thành phố lớn mà họ đã được thấy. Họ đã đi xe ngựa, xe lửa và tàu thuỷ. Ruyđy nói: “Tôi đã theo một con đường ngắn hơn, tắt qua núi. Khi đã muốn thì núi cũng chẳng cao đến nỗi không trèo được.”
Ông chủ cối xay nói: - Nhưng cũng có thể ngã gãy cổ, nom bộ dạng anh cũng có vẻ liều lĩnh, rồi cũng có phen.
Ruyđy đáp: - Ai không nghĩ đến chuyện ngã thì chẳng bao giờ ngã.
Người bà con mà ông chủ cối xay đến chơi nguyên cũng là người tổng Vale nên mời Ruyđy rất vui thích. Anh đã gặp may cũng như tất cả những người tự tin. Ruyđy ngồi trong nhà ấy như người trong gia đình. Người ta nâng cốc để chúc mừng thành tích oanh liệt của anh, Babét cũng chạm cốc với anh. Ruyđy cảm thấy sung sướng vô cùng. Đến chiều, tất cả mọi người đi chơi ngoài phố, dưới hàng cây hồ đào lớn, trước cửa những khách sạn tráng lệ. Nhân vì đông người chen nhau, Ruyđy đưa cánh tay cho Babét và nàng nắm lấy. Ruyđy không nén được nỗi vui sướng lộ rõ trên nét mặt. Để có thể tự do bộc lộ nỗi hân hoan của mình một cách thoải mái, anh nói rằng sở dĩ anh vui vẻ như vậy là vì anh vừa gặp những bạn tốt nhất của anh. Anh tỏ vẻ mãn nguyện một cách hồn nhiên và đầy đủ đến nỗi Babét thấy cần phải xiết chặt tay anh để chúc mừng anh.
Họ đi như một cặp quen biết nhau từ lâu. Cô bé xinh đẹp rất vui vẻ và tinh nghịch. Nàng làm Ruyđy thích nhất khi nàng chỉ cho Ruyđy quan sát cách phục sức quá đáng và lố lăng của các bà lớn ngoại quốc và khi nàng bắt chước dáng đi kiểu cách của họ. Cô nói tiếp: “Dù sao cũng không nên cười họ nhiều vì trong bọn họ có những người rất tốt, đáng yêu và nhân hậu.” Cô kể rằng mẹ đỡ đầu của cô là một bà người Anh rất quý phái, trước đây mười tám năm đã ở Bêch, khi Babét ra đời. Chính cái trâm vàng hiện đang cài trên đầu là của bà ta cho. Bà mẹ đỡ đầu đã hai lần viết thư bảo Babét năm nay phải đến Inteclaken chơi với bà và các cô con gái của bà đã nhiều tuổi nhưng chưa chồng. Các con bà mẹ nuôi chưa đầy ba mươi tuổi, còn Babét thì mười tám.
Thế rồi cái miệng xinh xinh ấy không ngừng lại lấy một lúc, và tất thảy những gì mà Babét nói huyên thuyên đối với Ruyđy đều là tối quan trọng cả. Cuối cùng đến lượt anh giãi bày điều anh muốn nói: đã biết bao nhiêu lần anh đến Bêch! Anh biết cái cối xây rất rõ ràng. Đã bao lần anh trông thấy Babét và tất nhiên là không bao giờ nàng để ý đến anh, vừa rồi đây, anh đã đến nhà nàng như thế nào, với vô số ý nghĩ mà anh phải giữ kín trong lòng. Anh được biết là nàng và cha nàng đã đi khá xa, nhưng cũng bằng cách vượt qua dãy Anpơ.
Anh nói tất cả những cái đó với nàng và còn nhiều chuyện khác nữa. Anh tả cho nàng biết nỗi ngây ngất khi được ở bên nàng, chính chỉ vì nàng thôi mà anh đã đến Inteclaken chứ không tuyệt nhiên không phải vì xem hội.
Babét trở nên trầm lặng hẳn đi. Có lẽ những lời tâm sự vượt quá những điều mà nàng có thể hiểu được. Trong lúc họ chuyện trò như vậy mặt trời lặn xuống và biến sau những núi cao. Ngọn Jungfơrô sáng rực lên giữa một nền trời đỏ sẫm. Quanh đấy, những ngọn núi xanh tươi xếp thành tầng. Đám đông dừng lại để ngắm nghía quang cảnh huy hoàng đó. Babét vừa nhìn bức tranh tuyệt diệu ấy vừa nói: “Chẳng đâu có một kỳ quan như vậy”. Ruyđy đáp: “Vâng, chẳng đâu có!” Mắt chăm chăm nhìn người thiếu nữ, anh nói thêm: “Ngày mai tôi phải đi rồi.” Babét thì thầm: “Mời anh đến thăm chúng tôi ở Bêch, việc đó chắc chắn làm cha tôi vui lòng."
V. Trở về
Hôm sau, khi vượt núi trở về, Ruyđy phải mang không biết bao nhiêu là thứ! Anh đã được thưởng ba cái cốc bạc, hai khẩu súng hảo hạng và cả một bộ đồ ăn bằng bạc. Nhưng so với những lời cuối cùng của Babét, những của cải đó không thấm thía vào đâu cả. Anh không ngừng nghĩ đến những lời nói của Babét chiều hôm trước. Có thể nói là chúng đã chắp cánh cho anh vượt qua những ngọn núi hiểm trở.
Trời rét như cắt, ẩm ướt, xám xịt. Mây thấp, trải ra như một màn tang trên các ngọn núi cho lấp các đỉnh phủ tuyết. Không một tiếng gì vui, không có tiếng chim hót mà cũng chẳng có tiếng nhạc. Người ta nghe thấy tiếng rìu đều đặn của tiều phu, tiếng thân cây thông lao ầm ầm xuống chân núi, tiếng gió rít ai oán, tiếng gầm thét ầm ĩ của sông Luytsinơ.
Bỗng một người con gái hiện ra bên cạnh chàng thợ săn. Anh không trông thấy cô ta đi tới, cô ta cũng leo núi. Đôi mắt cô có một uy lực khác thường, buộc người ta phải chăm chú nhìn vào. Đôi mắt ấy trong như pha lê, sâu thăm thẳm, nói đúng hơn, kỳ dị. Ruyđy, đầu óc luôn luôn nghĩ đến Babét và tình yêu, buột miệng hỏi cô ta:
- Cô có người yêu chưa?
Cô vừa cười vừa trả lời như cách một người nói dối:
- Tôi chưa hề có. Cô lại nói thêm: Đừng rẽ lối này, đi sang bên trái gần hơn.
Anh đáp: - Phải, để mà lăn xuống vực ấy à? Đã không biết lại còn chỉ đường cho người khác.
Cô ta cãi: - Tôi biết rất rõ phải đi đường nào, tôi làm chủ được ý nghĩ của tôi, anh thì còn đang mơ đến chuyện dưới thung lũng. Nhưng ở đây thì phải nghĩ đến nữ thần băng giá. Người ta đồn rằng ngài hay vật chết người lắm.
Ruyđy trả lời: - Tôi chẳng sợ bà ấy. Khi tôi còn bé, đã có lần bà ta phải buông tôi ra. Bây giờ tôi đã lớn rồi, bà áy bắt thế nào được?
Trời tối dần, đổ mưa, rồi từng cơn gió tuyết tạt đến, làm tối mắt Ruyđy. Cô gái bảo anh:
- Đưa tay đây để tôi dắt anh lên.
Ruyđy nói: - Cô mà lại đòi dắt tôi! Xin cám ơn! Tôi chưa cần đến đàn bà giúp tôi leo núi.
Tách khỏi cô bạn đồng hành, anh rảo bước. Một cơn bão tuyết ập đến, gió thổi điên cuồng. Ruyđy nghe thấy đằng sau mình tiếng cười và hát những điều kỳ dị. Anh nghĩ thầm có lẽ là một phép ma nào đấy của nữ thần Băng giá, vì anh đang đi ngay kề nơi bà mẹ đáng thương của anh đã cùng với anh ngã xuống địa hạt của mụ nữ thần quái ác.
Cuối cùng tuyết ngớt dần. Nhìn về phía sau, không thấy dấu vết của một người nào khác cả, nhưng anh còn nghe thấy tiếng cười và tiếng hát tựa như không phải tiếng người. Lên tới đỉnh núi, đến con đường nhỏ dẫn xuống thung lũng sông Rôn, nhìn về phía ngọn Blăng, anh thấy hai ngôi sao rất đẹp lấp lánh trên trời xanh. Anh nghĩ đến đôi mắt xinh xinh của Babét, đến hạnh phúc của mình, và những ý nghĩ ấy đã an ủi anh, làm anh quên cả mệt nhọc và giá rét anh vừa trải qua.
VI. Đến thăm cối xay
Bà thím già reo lên:
- Cháu vừa mang những thứ gì về mà đẹp thế? Trông như những đồ dùng của các vua chúa ấy.
Đôi mắt diều hâu của bà sáng lên khi bà nhìn thấy những đồ dùng bằng bạc. Bà cảm động, đầu lắc la lắc lư trông đến buồn cười. Bà tiếp
- Chúc cháu may mắn, Ruyđy ạ! Thím phải thưởng cho cháu yêu của thím một cái hôn mới được.
Ruyđy để thím hôn, nhưng tỏ vẻ không thích lắm. Bà thím lại còn nói thêm:
- Quả thật cháu tôi đẹp trai!
- Thôi thím đừng nhồi những ý nghĩ ấy vào đầu cháu.
Ruyđy cười, trả lời nhưng lần này anh có vẻ hài lòng. Bà thím nói:
- Thím vẫn cho là cháu gặp nhiều may mắn.
- Vâng, thím nói thế, cháu xin tin lời thím.
Anh nghĩ đến Babét. Anh nóng ruột muốn đi xuống thung lũng. Mấy hôm sau, anh tự nhủ: “Chắc là họ phải về rồi. Họ dự định về đến nhà từ cách đây hai ngày rồi kia mà. Mình không chịu được nữa rồi. Đến phải đi Bêch thôi.”
Anh đến đấy quả nhiên đã gặp ngay ông chủ cối xay và cô con gái. Anh được đón tiếp rất niềm nở. Họ chuyển cho anh lời thăm hỏi của họ hàng ở Inteclaken. Trái với mọi ngày, Babét hình như không nói chuyện gì, nhưng mắt cô nói nhiều hơn và thế là đủ đối với Ruyđy. Mọi khi thì ông chủ cối xay thích nói. Ông chẳng là một người chủ cối xay giàu có đấy sao? Nhưng lần này ông lại thích nghe những chuyện săn bắn của Ruyđy hơn. Anh kể lại những trường hợp khó nhọc, nguy hiểm đang chờ đợi người săn nai trên các đỉnh dãy Anpơ khi họ phải trượt trên cầu tuyết mà băng giá đã gắn liền vào đá, hoặc vượt vực thẳm trên thân cây tùng lung lay mà gió bão đã đánh ngã vào giữa hai hòn núi.
Ruyđy vừa kể vừa phấn khởi hẳn lên, mặt anh có một vẻ táo bạo, mắt anh sáng rực lên khi nói đến đời người thợ săn, những mưu mẹo của giống nai, những cái nhảy nguy hiểm của chúng, hay khi nói đến những trận băng lở khủng khiếp, trận bão Fơn cuốn theo tất thảy những vật gì nằm trong luồng gió. Ruyđy nhận thấy rất rõ rằng mình càng ngày càng gây được cảm tình với ông chủ cối xay với tất cả những chuyện ấy. Ông ta thích nghe nhất chuyện đại bàng và chim ưng. Ruyđy kể tiếp:
- Cách đây không xa, cũng thuộc tổng Vale, có một tổ chim ưng làm rất khéo dưới một tảng đá mọc nhô ra ngoài. Trong tổ có một con chim ưng non, nhưng không tài nào bắt được. Mấy ngày gần đây, có một người Anh hứa cho tôi một nắm tiền vàng để bắt sống nó cho ông ta, nhưng cái gì cũng có giới hạn thôi. Thử làm việc ấy thì thật là một chuyện điên rồ.
Trong khi đó rượu vang được rót ra liên tiếp chẳng khác gì câu chuyện thao thao bất tuyệt của người thợ săn. Anh ra về lúc nửa đêm, nhưng còn cho là mình về quá sớm. Còn thấy ánh đèn sau vòm cây thì anh còn ngoái cổ lại nhìn. Một lát sau chú mèo phòng khách trèo qua cửa tò vò lên mái nhà và gặp mèo nhà bếp đang trườn theo ống máng. Mèo phòng khách bảo:
- Này, cậu có biết chuyện gì không? Họ đã ngầm đính hôn với nhau. Ông bố chẳng biết gì cả. Ruyđy và Babét đã úp chân vào nhau dưới gầm bàn. Anh ta đã ba lần dẫm chân lên cẳng trước của tớ. Nhưng tớ không kêu vì như thế thì lộ chuyện mất.
Mèo nhà bếp đáp: - Tớ thì tớ chẳng câu nệ đến thế!
Mèo phòng khách lại nói: - Ở dưới bếp khác, trên phòng khách khác. Phải biết phân biệt các hạng người. Nhưng tớ còn rất muốn biết xem ông chủ cối xay sẽ nói gì nếu ông ta biết chuyện này.
Đó đúng là điều mà Ruyđy cũng rất muốn biết. Còn chờ đợi lâu thì anh không thích. Bởi vậy, ít ngày sau, khi chiếc xe hàng nặng nề chạy từ Si-ông đến Bêch qua cầu sông Rôn, người ta có thể trông thấy anh chàng xinh trai lúc nào cũng đầy lòng dũng cảm đang tấp tểnh vui mừng trước vì có thể, ngay tối nay, ông chủ cối xay sẽ nhận lời anh.
Nhưng đến chiều, lại thấy Ruyđy trên chiếc xe hàng quay trở về Si-ông thì chú mèo phòng khách chạy như bay phóng theo bạn mình để báo tin mới. Chú reo lên:
- Này, nghe đây! Ông chủ cối xay biết cả rồi. Câu chuyện chấm dứt rất buồn cười. Ban nãy Ruyđy đến. Anh ta và Babét thì thầm với nhau rất lâu ngoài hành lang, trước cửa buồng ông bố. Thỉnh thoảng tớ lại cọ vào chân họ, nhưng họ mải nghĩ chuyện khác nên chẳng vuốt ve gì tớ cả. Ruyđy bảo: “Anh sẽ đến nói ngay với cha em, làm như thế mới là đứng đắn.” Babét hỏi: “Anh có muốn em đến cùng với anh không? Có mặt em anh sẽ không thêm can đảm đâu. Tuy nhiên, em cứ đến, có mặt em, dù có bằng lòng hay không, cha em cũng phải hoà nhã.” Nói xong họ kéo nhau vào. Lúc đó Ruyđy dẫm mạnh vào đuôi tớ. Nói riêng với cậu, tớ thấy hắn quê mùa và hơi vụng về. Tớ kêu lên, nhưng cả hắn lẫn Babét còn đầu óc nào nghĩ đến tớ nữa.
Họ mở cửa cùng vào, tớ nhảy đằng trước. Tớ nhảy lên một cái ghế bành để đề phòng khỏi bị một cú đau nào nữa, và cũng chưa biết Ruyđy múa may ra sao, nhưng chính ông chủ lại cáu ầm lên. Lão ta thét, chân dậm thình thịch xuống sàn nhà: “Cút khỏi nơi này, quay về xó núi nói với những con nai nhà anh!” Lão nói cũng đúng, Ruyđy đi săn nai thì giỏi chứ săn cô Babét thì chả được đâu. Mèo nhà bếp hỏi:
- Sau cùng họ nói sao?
- Còn nói sao nữa? Nói như vậy người ta thường nói khi đi hỏi vợ ấy chứ gì? Tôi yêu cô ấy, cô ấy yêu tôi, nếu ông thương cô ấy thì xin ông thương cả tôi nữa, v.v…
Ông chủ bảo rằng: - Con gái tôi cao quý hơn anh nhiều lắm. Sao anh lại nghĩ đến chuyện dám nhoi lên cái khối vàng mà con tôi ngồi trên ấy?
- Không có gì cao đến nỗi không nhoi tới được khi người ta muốn nhoi.
Ông chủ gắt: - Cái nhà anh này thật là rồ…Hôm nọ anh không dám trèo tổ chim ưng, Babét lại càng cao hơn thế nữa, anh nhoi làm sao tới được.
- Tôi sẽ nhoi lên cả hai.
- À được, nếu anh bắt được con chim ưng non về đây, lão sẽ gả con Babét cho anh.
Nói rồi lão cười đến chảy cả nước mắt. Lão nói thêm:
- Trong lúc chờ đợi, rất cảm ơn anh đã đến thăm, nhưng nếu mai anh còn đến đây thì sẽ không có ai ở nhà tiếp anh đâu, Ruyđy, chúc anh thượng lộ bình an.
Babét cũng từ biệt Ruyđy, thảm hại như con mèo con theo mẹ. Ruyđy lại nói:
- Quân tử nhất ngôn, một lời nói một đọi máu đấy nhé! Thôi, Babét đừng khóc nữa, anh sẽ mang chim ưng non đến.
Lão chủ nói luôn: - Tôi rất mong cho anh ngã gãy cổ, và như thế chúng tôi sẽ thoát khỏi anh.
Mèo phòng khách kết luận:
- Tớ gọi cái kiểu ấy là đá khách về.
Ruyđy về rồi, Babét ngồi lặng trên ghế khóc mãi không thôi. Lão chủ thì lảm nhảm hát một bài hát rất dở bằng tiếng Đức học được trong chuyến đi chơi vừa qua. Còn tớ, tớ được mục kích tất cả nhưng tớ cũng chẳng bận tâm đến làm gì. Hơn nữa, ích lợi gì kia chứ? Mèo nhà bếp đáp:
- Cái đó cũng làm cho cậu có việc, đỡ phải nằm ườn trên ghế bành êm ái.
VII. Tổ chim ưng
Người ta nghe thấy trên núi vang lên một bài hát vui, người đang hát ấy ắt phải là một người vui tính và đầy lòng dũng cảm, người ấy là Ruyđy. Anh đi tìm người bạn thân là Vơnixăng và bảo:
- Cậu và Ragli phải giúp mình lên bắt con chim ưng non chót vót trên mỏm đá cao kia.
Người bạn đáp: - Sao cậu không lên cung trăng khoét mắt chị hằng? Cậu thật khéo pha trò.
- Mình vui tính, đúng đấy, nhất là từ khi mình nghĩ đến việc lấy vợ. Nhưng đây là chuyện rất đứng đắn, mình cần con chim ưng non ấy, lý do như sau.
Và anh kể lại câu chuyện đã xảy ra cho các bạn nghe. Họ bảo anh:
- Cậu là một thằng quá ư liều lĩnh. Cái việc cậu định làm, nói một cách đơn giản là không thể thực hiện được đâu. Cậu sẽ ngã gãy cổ.
Ruyđy nói: - Chỉ cần người ta không sợ ngã thì chẳng ngã được.
Đến trưa, cả ba người lên đường, mang theo thang, thừng và sào dài. Họ băng qua rừng, vượt qua các bụi rậm, trèo qua những tảng núi đá. Họ leo mãi, leo mãi cho đến đêm. Họ nghe thấy cả tiếng suối chảy ầm ầm dưới thung lũng lẫn tiếng thác đổ trên núi. Họ đến gần hòn núi cheo leo có tổ chim ưng.
Trời nhiều mây, tối đen như mực. Họ đi vào một kẽ núi, hai bên là vách đá dựng đứng. Chỉ có một luồng ánh sáng nhỏ từ trên cao tít lờ mờ chiếu xuống.
Khó nhọc muôn phần, cuối cùng họ dừng lại trên bờ một cái vực sâu, dưới đáy có một cái suối reo ầm ầm. Cả ba đều im lặng. Họ chờ đến lúc mặt trời hé mọc. Đó là lúc mà chim ưng mẹ rời tổ đi săn mồi. Phải giết chết chim mẹ rồi hãy nghĩ đến chuyện bắt chim con, Ruyđy quỳ một gối xuống đất, thu mình lại, không động đậy như cùng chung một khối với hòn núi đá mà anh tựa vào. Anh chĩa súng về phía hốc đá có tổ chim, mắt không rời mục tiêu. Họ chờ đợi hồi lâu. Cuối cùng, trên đầu họ có tiếng kêu chói tai, rít lên the thé. Mảng ánh sáng họ nhận được từ trên cao bị lấp bởi một vật đang ngoi trong không khí. Đó là chim ưng đen bắt đầu đi kiếm mồi cho con. Một tiếng súng nổ. Đôi cánh rộng lớn của chim ưng đập một lát trên không rồi xoè ra cứng đờ. Con vật bị tử thương từ từ rơi xuống như có dù đỡ. Người ta nghe thấy tiếng cành cây gẫy răng rắc trong lúc nó rơi xuống.
Thế là họ nhanh nhẹn bắt tay vào việc. Họ nối liền ba cái thang dài nhất làm một, trù rằng với cách ấy họ sẽ leo tới tổ chim đá phẳng lì như một bức tường. Làm thế nào bây giờ? Sau khi suy nghĩ và bàn bạc với nhau, họ quyết định buộc hai chiếc thang nữa vào với nhau rồi mang lên đỉnh núi dòng xuống nối vào ba chiếc kia. Họ mất rất nhiều công sức mới mang được thang lên đỉnh núi rồi buộc cái nọ vào với cái kia bằng dây thật chắc. Thế là thang lủng lẳng trên miệng vực, qua cả hòn đá có tổ chim. Ruyđy nhanh nhẹn trèo xuống và phút chốc đã tới bậc thang cuối cùng. Buổi sáng lạnh buốt, từng đám sương mù dày đặc từ dưới vực âm u bốc lên. Ruyđy giống như một con ruồi bám vào đầu một cuống rơm đung đưa trước gió, hoặc như một con chim làm tổ trên thành một ống khói cao. Nhưng chim và ruồi còn bay được chứ Ruyđy thì chỉ có thể ngã gãy cổ. Gió nổi lên làm thang lắc lư. Dưới đáy vực, tiếng nước rầu rĩ đổ vào lâu đài ngầm dưới đất của Nữ thần Băng giá như để làm cho anh choáng váng.
Bình tĩnh, Ruyđy dún cho hai chiếc thang đưa đi đưa lại. Anh bắt chước con nhện treo mình vào đầu một sợi tơ dài đánh đu trước khi vồ mồi. Đu đến cái thứ ba anh nắm lấy đầu ba chiếc thang dựng bên dưới với đôi tay khoẻ mạnh, chắc nịch, anh nối vào hai cái kia. Như thế, là cả năm cái thang đã liền với nhau, dựng thẳng vào vách đá, nhưng trông cũng không chắc gì hơn cây cối ngả theo chiều gió.
Bây giờ đến phần nguy hiểm nhất của công việc phải làm. Phải trèo lên thang, Ruyđy cảm thấy mình rung rinh trên miệng vực sâu hàng trăm thước. Nhưng Ruyđy đã thuộc những bài hcọc của người thầy đầu tiên là chú mèo. Thần choáng váng bay đi bay lại đằng sau, đã nhiều lần giơ tay như con bạch tuộc để nắm lấy anh, nhưng Ruyđy cảm thấy như không có hắn. Anh lên đến đầu thang gần ngay tổ chim, có thể nhìn thấy và với tay tới. Thế là ổn.
Không ngần ngại, anh lẩn cạnh những bụi cây um tùm bao quanh tổ chim. Tìm được một cành vững chắc, anh níu lấy và nhảy sang. Thế là anh đã chui được nửa người vào hốc đá.
Một mùi thịt hôi thối sực vào mồm, vào mặt anh. Trong hốc đá đã có một đống thịt cừu, nai và chim các loại đã thối rữa. Thần Choáng váng phả cái mùi hôi thối đố vào mặt anh để làm cho anh chóng mặt. Dưới đáy vực, Nữ thần Băng giá nhìn anh chằm chằm, mắt long sòng sọc, trông như cái đầu nữ quỷ Mêđuydơ*. Mụ nói với một giọng vui mừng dữ tợn: “Ta bắt được mi rồi.” Ruyđy không trông thấy mụ. Trong đáy tổ chim anh trông thấy con chim ưng non, tuy chưa biết bay nhưng cũng đã khỏe và đáng sợ. Ruyđy không rời mắt nhìn nó, một tay dùng hết sức bám chặt lấy cành cây, còn tay kia tung vào phía con vật một chiếc thòng lọng chuẩn bị sẵn.
Sợi thừng quấn chặt chân chim. Ruyđy giật mạnh về phía mình, hất cả con vật và sợi thừng qua vai làm cho con chim dữ bị treo cách xa người anh bằng một đoạn thừng mà anh đã buộc một đầu vào quanh người. Rồi, nắm chặt cành cây bằng hai tay, anh tìm cách đặt chân vào thang, túm chặt lấy chân thang bằng một động tác đột ngột vững vàng: “Đứng vững, và không nghĩ rằng mình sẽ ngã, thì chẳng bao giờ ngã.” Chú mèo đã dạy anh như thế, anh nhớ lại điều đó, giữ chặt và mạnh dạn trèo xuống.
Lúc đó, một bài ca chiến thắng vang lên với một giọng khoẻ và vui, Ruyđy đã trở về mỏm núi vững chắc, tay giữ con chim ưng non xinh xắn bị bắt sống...
VIII
Tin tức mới do chú mèo phòng khách kể lại.
Ruyđy bước vào nhà ông chủ cối xay ở Bêch, đặt một cái sọt lớn xuống đất và nói:
- Đây là vật mà ông đòi hỏi.
Anh mở nắp ra, và người ta nhìn thấy từ đáy sọt một đôi mắt vàng, viền đen, sáng quắc như phát ra ánh lửa, đó là một đôi mắt man rợ biểu hiện một sức căm hờn ghê gớm. Mỏ con vật há hốc, sẵn sàng giáng một đòn khủng khiếp. Qua lượt lông tơ ở cổ người ta thấy nổi lên những tĩnh mạch đầy một dòng máu sôi sục căm thù. Ông chủ cối xay reo lên:
- Con chim ưng non!
Babét kêu lên một tiếng và nhảy tránh sang một bên vì sợ hãi. Nàng dán mắt nhìn Ruyđy, nhìn con chim ưng, để rồi lại nhìn Ruyđy, không rời ra được nữa. Ông chủ cối xay nói:
- Anh thật là một chàng trai không biết sợ là gì!
Ruyđy đáp: - Còn ông, ông lại có tiếng là một người nói như đinh đóng cột. Mỗi người trong chúng ta có một đức tính riêng.
Ông chủ cối xay lại hỏi:
- Nhưng làm thế nào mà anh lại không bị ngã gãy cổ, què chân tay?
Ruyđy đáp: - Tôi đã giữ vững và cũng nắm vững Babét như vậy.
- Trước kia thì có mà đợi đấy rồi người ta gả cho anh!
Ông chủ cối xay vừa cười vừa nói, đó là một điềm tốt. Babét biết rõ điều ấy lắm. Ông nói tiếp:
- Ta hãy kéo con chim ra khỏi tổ đi. Trông nó tức giận phồng mang trợn mép lên xấu lắm. Làm thế nào mà anh bắt được nó thế?
Và Ruyđy phải thuật lại tỉ mỉ việc anh đã làm, mắt ông chủ cối xay mỗi lúc một tròn xoe ra nhìn anh. Ông nói:
- Can đảm và may mắn như thế, có thể nuôi được ba vợ đấy.
Ruyđy nói: - Cám ơn ông đã có lời khen, xin đa tạ và ghi lời ông.
- Ồ! Tôi hiểu anh muốn nói gì, nhưng chưa lấy được Babét ngay đâu.
Ông chủ cối xay vừa nói vừa thân mật vỗ vai anh thợ săn trẻ tuổi. Mèo phòng khách kể với mèo nhà bếp:
- Cậu thử đoán một tí xem có việc gì xảy ra thế? Ruyđy đã mang chim ưng non đến đổi lấy Babét. Họ hôn nhau trước mặt ông bố, cứ như là đã đính hôn với nhau rồi ấy. Lão già không giậm chân nữa mà thơn thớt nói cười. Lão đi làm giấc ngủ trưa, để mặc cho hai người chuyện gẫu với nhau. Họ nói nhiều chuyện quá đến nỗi tớ tưởng đến lễ Nôen cũng chẳng hết.
Quả nhiên đến ngày lễ Nôen, Ruyđy và Babét lại gặp gỡ và chuyện trò suốt mấy giờ đồng hồ.
Gió cuốn lá khô và những bông tuyết. Nữ thần Băng giá, trang sức lộng lẫy, ngồi trên ngai, trong lâu đài mỹ lệ. Trên sườn núi đá cheo leo có những tảng băng vĩ đại to như những con voi. Trên những cây tùng tuyết phủ có những tràng hoa thuỷ tinh kỳ ảo rải ra, lóng lánh như những chuỗi hạt kim cương cực lớn.
Nữ thần băng giá lướt trên gió và mở rộng giang sơn của mụ đến tận các thung lũng kín nhất. Thị trấn Bêch bao phủ đầy tuyết. Khi bay qua mụ thấy trong nhà ông chủ cối xay, Ruyđy đang cầm tay Babét. Mụ dừng lại, lắng tai nghe, mụ nghe nói rằng họ sẽ làm đám cưới vào mùa hạ. Mụ nghe thấy không phải là một lần mà là hàng trăm lần vì lúc ấy đôi uyên ương chỉ nói đến chuyện ấy thôi.
Mặt trời lại xuất hiện và hoa hồng núi Anpơ cũng nở theo. Babét vui vẻ, tươi cười, diễm lệ như mùa xuân tươi đẹp. Mèo phòng khách than thở:
- Trời ơi, sao mà hai anh chị này có thể ngồi bên nhau mãi thế? Những tiếng meo meo vô tận của đôi tình nhân cuối cùng cũng làm cho mình khó chịu.
IX. Nữ thần Băng Giá
Mùa xuân đã làm cho những cành hồ đào và hạt dẻ dẻ đẹp đẽ, dải từ cầu Xanh Môrit suốt dọc sông Rôn đến tận bờ hồ Lêman*, đâm chồi nảy lộc, trở lại rậm rạp tốt tươi. Quãng sông này tựa như một thác nước dữ tợn, sôi sục chẳng kém gì lúc mới thoát ra khỏi vùng băng tuyết mênh mông nơi ưa thích của Nữ thần Băng giá.
Mụ ta cưỡi gió lên một trong những đỉnh cao nhất dãy Anpơ, ngồi trên một nệm tuyết ngoài nắng và đưa cặp mắt hau háu nhìn xuống các thung lũng. Ở đấy mụ thấy loài người đang lao động bận rộn dưới chân một ngọn núi cao, trông như một tổ kiến. Mụ nói với một giọng khinh bỉ: “Thế mà bọn con gái Mặt Trời gọi các người là những kẻ Trí tuệ! Các người chẳng qua chỉ là sâu bọ. Chỉ một cơn núi lở cũng đủ đè nát các người lẫn nhà cửa làng mạc của các người.”
Mụ ngửng đầu kiêu hãnh. Mắt mụ phóng ra những tia đầy sát khí bao quát cả chân trời rộng lớn. Trong thung lũng người ta nghe tiếng đá bị thuốc nổ phá tung lên. Lại có những máy móc lăn đi nặng nề. Người ta đang đặt đường sắt vào một cái hầm ngầm qua dãy Anpơ.
Nữ thần nói một cách kiêu ngạo: “Trông kìa! Chúng như những con chuột chũi đào hang dưới đất. Mìn nổ chỉ to hớn tiếng súng một tí mà cũng làm cho chúng giật mình kinh sợ. Ta đây, mỗi lần di chuyển cung điện, tiếng động còn to ngang tiếng sấm.”
Từ dưới thung lũng bay lên một làn khói cứ tiến dần, tiến dần: đó là khói toả lên từ một đầu máy tàu hoả, trông tựa một cái lông ta cắm trên đầu một con rắn dài. Đoàn tàu hoả vút đi nhanh hơn mũi tên bắn. Nữ thần lại nói: “Chúng tưởng chúng là chủ trên địa cầu. Chúng kiêu hãnh với cái óc thông minh của chúng. Nhưng quyền lực vẫn thuộc về sức mạnh của thiên nhiên.” Mụ vừa cười vừa nói, tiếng vọng vang đi xa làm rung chuyển không gian. Những người dưới thung lũng bảo nhau: “Đó là tiếng núi lở.”
Các công chúa Thái Dương cất tiếng hát bài ca ca ngợi trí tuệ loài người: chính cái trí tuệ đó chinh phục biển cả, chuyển núi, lấp vực và làm chủ sức mạnh của thiên nhiên. Trong khi các nàng hát, đằng xa một đoàn xe lửa đang băng qua không gian.
Nữ thần núi Anpơ nhìn đoàn tàu, nói với giọng chế giễu: “Đấy là những Trí Tuệ! Chúng phải tuỳ thuộc vào sức của hơi nước đang kéo chúng đi. Ở đầu tàu, anh lái đứng kiêu hãnh như một ông vua. Những con người khác chen chúc trong các toa xe. Một nửa trong số đó ngủ bình thản vì họ tin chắc rằng con rồng hơi ấy không dẫn chúng đến chỗ chết được.” Mụ lại cười. Người đứng dưới thung lũng bảo nhau: “Lại một trận núi lở nữa.”
Ruyđy và Babét cũng ở trong số hành khách trên tàu. Họ bảo nhau: “Mụ Nữ thần Băng giá độc ác đã kiếm đủ cách, nhưng không thể nào bắt một đứa trong chúng ta đi được.” Nữ thần Băng giá reo lên: “Chúng nó kia rồi! Ta đã từng đè nát hàng đàn nai, hàng ngàn cây tùng và nhiều tảng đá cao như gác chuông nhà thờ, làm gì mà ta chẳng thắng được những đứa tự xưng là Trí tuệ ấy. Đặc biệt cái đôi ấy thách thức ta. Ta sẽ tiêu diệt.”
Mụ lại cười một lần thứ ba nữa. Những người dưới thung lũng, nhòm lên những ngọn núi đang sập xuống và nhắc lại: “Núi lại vẫn lở! Trên ấy xảy ra việc gì thế không biết?”
X. Bà mẹ đỡ đầu
Môngterơ, gần thôn Claren, trên bờ hồ Lêman thơ mộng, là nơi có bà mẹ đỡ đầu của Babét ở, một bà quý phái người Anh sống với các cô con gái và một anh cháu họ trẻ tuổi. Bà vừa mới ở Anh sang thì ông chủ cối xay đã đến thăm và báo tin cưới Babét. Ông ta kể chuyện Ruyđy, hội thi bắn và chuyện con chim ưng non. Tóm lại, ông dã tường thuật tất cả câu chuyện đính hôn ấy, làm cho người nghe rất thích thú. Mọi người đều thấy mến Babét, Ruyđy và mến ngay cả ông chủ cối xay nữa. Họ mời cả ba người đến Môngtơrơ chơi một ngày.
Bờ hồ này là nơi các thi sĩ vẫn ca ngợi. Nơi đó, bên bờ nước trong xanh, Bairơn* đã đến ngồi dưới những gốc cây hồ đào, viết những lời thơ tuyệt diệu ca ngợi người tù năm xưa bị giam hãm trong lâu đài Si-ông**. Xa chút nữa, dưới những bóng cây cao thôn Claren, Giăng Giắc Rutxô đã từng dạo chơi và mơ màng đến nàng Hêlôidơ.
Phía sau một chút, gần chỗ sông Rôn đổ vào hồ, có một hòn đảo nhỏ đến nỗi từ bờ nhìn ra người ta tưởng lầm một chiếc thuyền. Cách đây một trăm năm đấy chỉ là một mỏm đá. Hồi ấy có quý bà xinh đẹp cho chở đất ra và trồng ba cây dạ hợp, đến nay cành lá bao trùm cả hòn đảo.
Babét say mê nơi ấy. Theo ý nàng, đó là nơi đẹp nhất trong khung cảnh mỹ lệ này. Nàng ao ước: “Ở cái thiên đàng xinh xinh ấy chắc là thích lắm!” Nàng muốn tạt vào, nhưng tàu thuỷ lại chạy thẳng và đỗ ở bến Vecnêch.
Họ đi giữa những bức tường trắng xoá đầy ánh nắng bao bọc các vườn nho ở Môngtơrơ. Đằng trước những mái nhà tranh của nông dân có nhiều đám cây vả, cây nguyệt quế và trắc bá. Nhà bà mẹ đỡ đầu của Babét ở lưng chừng cái dốc gần đấy.
Họ được đón tiếp rất nồng nhiệt. Bà mẹ đỡ đầu của Babét vui vẻ và dịu dàng. Hồi còn nhỏ, chắc bà giống như tiên đồng của hoạ sĩ Raphaen. Bây giờ, với bộ tóc bạc phơ trông bà giống như Đức thánh mẫu. Các cô con gái của bà là những tiểu thư dong dỏng ca, thanh nhã, mặc theo kiểu mới nhất. Người anh họ của các cô mặc đồ trắng từ đầu đến chân, anh ta có bộ tóc vàng hoe ngả sang màu hung và một bộ ria dài đồng màu với tóc. Ngay từ lúc đầu, anh ta đã tỏ ra chú ý nhiều đến cô Babét. Trong phòng khách, trên một chiếc bàn lớn có nhiều tranh và nhiều tập ảnh đóng rất đẹp, nhưng chẳng ai nghĩ đến việc xem cả. Cửa sổ trên bao lơn mở rộng và từ đó người ta nhìn thấy rõ toàn cảnh cái hồ mỹ lệ. Làn nước hồ phẳng lặng đến nỗi những làng mạc và rừng núi phủ tuyết vùng Xavoa soi bóng xuống nước như một tấm gương.
Ruyđy lúc nào cũng táo bạo vui vẻ là thế mà lần đầu tiên trong đời cảm thấy nơi này không hợp với mình. Đi trên sàn đánh xi với anh dài thế! Những cử chỉ của người Anh quá kiểu cách và mực thước làm anh khó chịu. Anh thở dài khoan khoái khi được ra ngoài dạo chơi. Nhưng lại có cái khó chịu là họ đi rất chậm, đến nỗi anh có thể tiến ba bước rồi lùi lại hai bước mà vẫn theo kịp họ.
Họ đi thăm lâuu đài Si-ông âm u, cổ kính, bốn bề là hồ. Họ nhìn thấy nhà tù, khí cụ tra tấn, cái thớt gỗ để xử trảm và cái cửa sập. Người ta kể lại rằng những phạm nhân bị ném qua đó vào những ngọn giáo sắt cắm dưới nước. Bairơn đã từng làm cho những nơi ấy nổi danh trong thế giới thi ca, nhưng Ruyđy cảm thấy khổ sở gần như là bị cầm tù. Anh tỳ khuỷu tay vào một cửa sổ và nhìn về phía hòn đảo nhỏ lẻ loi có ba cây dạ hợp. Anh muốn ra đấy ở, xa cái xã hội làm cho người thợ săn quê mùa như anh khó chịu về những lời nói huyên thuyên và những kiểu cách tỉnh thành.
Ngược lại, Babét sung sướng và vui như lên tiên. Khi trở về nàng nói với Ruyđy như thế và thêm rằng anh chàng thanh niên người Anh khen nàng là một thiếu nữ hoàn mỹ. Ruyđy đáp lại, cộc lốc: “Hắn ấy à? Hắn là một thằng hề hoàn mỹ.” Đó là lần đầu tiên anh nói một câu làm Babét phật ý. Cậu công tử ấy đã tặng Babét một quyển sách đẹp, bản dịch tiếng Pháp cuốn “Người tù ở Si-ông” của Bairơn.
Ruyđy lại nói: “Đó có thể là một quyển sách hay, nhưng còn cậu công tử bột nịnh đàn bà tóc chải mượt đã cho em quyển sách ấy, thì không thương được.”
- Tôi trông anh ta như một cái túi bột rỗng ấy. Ông chủ cối xay vừa nói vừa cười ầm lên vì câu khôi hài của mình.
Ruyđy lại càng cười to hơn và thấy rằng ông chủ cối xay quả là một người pha trò rất tài tình.
XI. Người anh họ
Mấy hôm sau, khi Ruyđy đến cối xay, anh thấy anh chàng thanh niên người Anh đã ở đó. Người ta giữ hắn ở lại ăn cơm chiều. Babét đã chuẩn bị món cá hương và quấn thêmm rau mùi cho thêm phần đẹp mắt. Ruyđy nghĩ thầm: “Làm như vậy ích gì? Cái anh chàng ngoại quốc này đến đây làm gì và tại sao Babét lại quý trọng hắn như vậy?”
Anh ghen, Babét rất thích thú về thái độ không vui của anh. Nàng biết anh có nhiều tính nết tốt và cũng thích được biết anh có những điểm yếu gì. Nàng dụng tâm thử anh, mặc dù chính anh là người nàng sùng bái trong tâm hồn. Tình yêu của Ruyđy là hạnh phúc duy nhất của nàng trên trái đất này. Vì thế mặt anh thợ săn sa sầm bao nhiêu, ánh mắt của Babét càng tươi lên bấy nhiêu. Nàng sẵn lòng hôn anh chàng người Anh có bộ râu đỏ hoe nếu nàng biết chắc rằng Ruyđy sẽ tức điên lên bỏ đi, vì như thế nàng sẽ biết là anh yêu nàng đến thế nào!
Cô Babét làm như vậy, không phải người khôn ngoan. Nhưng cô mới có mười chín tuổi nên không suy nghĩ cho rằng những cử chỉ đỏng đảnh như vậy thực tế sẽ làm cho Ruyđy hiểu lầm.
Cậu công tử ra về, nhưng chiều tối lại đến lởn vởn quanh cái cối xay máy. Hắn đi đến quãng suối chảy xiết có đặt bánh xe cối xay. Nhìn về đằng trước, thấy buồng Babét có ánh đèn, hắn đi về phía ấy. Hắn nhảy qua suối, suýt lăn tòm xuống. Hắn bíu được vào bờ và bò dậy, quần áo ướt sũng và lấm sạch. Hắn lại mò đi đến một gốc bồ đề già mọc rất gần cửa sổ phòng Babét. Hắn không biết trèo như Ruyđy, nhưng cuối cùng cũng vắt vẻo được trên cây. Ở đấy hắn cất tiếng hát một bản tình ca. Hắn cho là giọng của mình du dương như tiếng hoạ mi, nhưng thật ra nghe không khác gì cú kêu mấy tí.
Babét nghe thấy và vén rèm cửa ra xem. Nàng thấy trên cành bồ đề một người mặc quần áo trắng, nàng ngờ ngay rằng không phải là một anh thợ xay mà chính là người vẫn hâm mộ nàng, anh chàng người Anh trẻ tuổi. Rùng mình sợ hãi và giận dữ nữa, nàng tắt đèn, đóng chặt cửa lại, để mặc cho anh chàng rồ ấy tiếp tục gáy. Nàng nhủ thầm: “Nếu Ruyđy có ở đây thì ghê gớm biết bao!”
Anh không có đấy, nhưng anh quanh quẩn gần đấy và đã nghe thấy tiếng choang choác của anh chàng người Anh. Anh chạy đến và người ta nghe thấy dưới gốc cây tiếng thét giận dữ. Babét nói: “Không khéo họ đánh nhau, giết nhau mất.” Nàng lại mở cửa sổ ra, gọi Ruyđy và van anh đi về. Anh không nghe. Nàng bảo:
- Em yêu cầu anh về đi.
- Được, cô muốn cho tôi đi về! Như vậy có nghĩa đây là một cuộc hẹn hò của cô! Babét, thật đáng xấu hổ
Nàng kêu lên
- Anh nói những câu thật không xứng đáng, tôi ghét anh lắm. Anh đi đi, đi đi!- Và nàng khóc oà lên.
- Tôi không xứng đáng với cách đối đãi ấy.
Anh cáu giận nói như thế rồi bỏ đi. Hai má anh nóng bừng và tim anh như một lò than. Babét lăn ra giường, nức nở. Nàng thì thầm: “Anh Ruyđy, em yêu anh đến thế mà sao anh lại có thể ngờ em làm được việc như vậy.”
Nghĩ đến đây nàng phát cáu lên và cảm thấy giận anh vô cùng. Thế cũng may, nếu không thế thì nàng sẽ bị giày vò vì buồn phiền.
XII. Những âm thần
Ruyđy rời Bêch về nhà. Anh đi theo đường núi qua những bãi tuyết, nơi Nữ thần Băng giá ngự trị. Anh trèo lên mãi. Không khí mỗi lúc một tươi mát, nhưng không làm dịu được lòng người thợ săn. Anh qua gần một bụi hồng xinh đẹp núi Anpơ, xung quanh là hoa khổ sâm màu xanh lơ. Anh lấy báng súng đập gẫy, dẫm nát những hoa hồng đáng thương.
Bỗng anh thấy hai con nai, mắt anh loé lên, ý nghĩ anh chuyển hướng. Anh leo lên để đến gần hai con nai cho vừa tầm súng. Anh tiến thận trọng và lặng lẽ, hai con nai đi loanh quanh trên tuyết. Anh nâng súng chuẩn bị bắn. Bất thình lình mây mù vây lấy anh làm anh không trông thấy gì nữa. Anh đi vài bước và thấy mình đứng trước một tường thành bằng đá. Trời đổ mưa tầm tã.
Người anh rung lên vì một cơn sốt ác liệt, đầu nóng như lửa, toàn thân lạnh toát. Anh cầm lấy bầu nước, nước hết, anh quên lấy trước khi rời cối xay. Chưa bao giờ ốm, nhưng lần này anh cảm thấy mình bị quỵ. Mệt rã rời, anh muốn lăn ra đất ngủ. Nhưng nước trên trời đổ xuống như thác.
Anh tìm cách lấy lại sức để kiếm đường về. Mọi vật nhảy múa một cách quái dị trước mắt anh. Chợt anh thấy một cái nhà gỗ hình như mới làm dựa vào núi đá, anh không nhớ ra đã từng thấy nó bao giờ cả. Đứng trước cửa nhà là một thiếu nữ trông giống cô Annét, con gái ông hương sư, cô gái mà anh đã hôn một lần trong khi khiêu vũ. Nhưng không, không phải Annét. Tuy nhiên, hình như anh đã gặp cô ta ở đâu, có lẽ gần Gơrinđenvan, cái tối ở hội thi bắn về, Ruyđy hỏi:
- Cô ở đâu đến đây?
Cô ta trả lời: - Chẳng ở đâu cả, đây là nhà tôi, tôi đang chăn đàn dê của tôi.
- Đàn dê của cô à? Ở đây toàn tuyết và núi đá làm gì có bãi cỏ?
Cô ta vừa cười vừa nói:
- Đúng quá! Anh thuộc vùng này đấy! Ừ, bên kia kìa, có một bãi cỏ rất đẹp, dê tôi ăn ở đó. Chả mất đi đâu được một con. Cái gì của tôi vẫn là của tôi.
- Cô có vẻ táo tợn lắm!
- Anh cũng thế!
- Cô có sữa cho tôi một ít, tôi khát bỏng cả họng.
- Tôi có cái tốt hơn cả sữa ấy chứ! Hôm qua có nhiều khách bộ hành qua đây. Họ để quên một chai rượu vang mà chắc là anh chưa được uống bao giờ. Tôi không biết uống đâu. Cho anh đấy!
Quả nhiên, cô lấy một chai rót một bát đày rượu vang và chìa cho Ruyđy. Uống xong, Ruyđy bảo:
- Quả thật chưa bao giờ tôi được uống rượu vang ngon và đạm như thế này.
Mắt Ruyđy như nảy lửa, máu anh như sôi lên. Cơn buồn giận tiêu tan. Anh trở lại vui vẻ, vui tràn trề, điên cuồng. Anh reo lên:
- Đúng cô Annét xinh đẹp rồi! Hôn tôi đi!
- Em sẵn lòng, nhưng anh phải tặng em cái nhẫn anh đeo ở tay cơ!
- Nhẫn đính hôn của anh đấy!
- Đấy, chính là cái mà em thích.
Cô lại rót đầy một bát rượu vang và đưa lên môi anh thợ săn. Anh uống luôn. Một luồng sinh khí hừng hực bốc lên trong người anh . Anh thấy hình như vũ trụ là của anh. Cứ vui chơi sung sướng đi. Khoái lạc là hạnh phúc thực sự.
Anh lại nhìn cô gái, đúng là Annét. Một lúc sau lại không phải là Annét nữa, mà cũng không phải cô gái đã hiện ra gần Gơrinđenvan. Người cô ta tươi tắn và trắng trẻo như tuyết trên trời vừa rơi xuống, dịu dàng như bó hoa hồng trên núi Anpơ, thon và gọn như một con nai con. Anh choàng tay ôm lấy cô, đắm đuối nhìn vào đôi mắt trong sáng kì lạ của người trinh nữ. Anh luống cuống, làm thế nào mà nói lên được một cảm giác không diễn đạt nổi? Anh cảm thấy mình tụt xuống, tụt mãi xuống tận đáy vực băng sâu thăm thẳm, đầy tử khí. Những bức tường thành vĩ đại trong như làm bằng pha lê màu xanh lục phản chiếu một ánh sáng màu lơ. Hàng ngàn giọt nước rơi xuống tạo thành một bản nhạc rầu rĩ. Nữ thần Băng giá vẫn đứng đấy. Mụ hôn một cái vào trán Ruyđy: anh thấy lạnh cứng đến chết từ đầu đến chân. Anh thốt ra một tiếng kêu đau đớn, lảo đảo và ngã vật ra. Trời đất tối sầm xuống như ban đêm.
Tuy vậy, anh cũng hồi tỉnh. Anh chợt hiểu rằng mình vừa bị biến thành đồ chơi của những âm thần. Cô thiếu nữ và cả chiếc nhà gỗ đã biến mất. Chung quanh anh chỉ còn có tuyết. Ruyđy bị thấm nước buốt đến tận xương. Anh run lên vì rét. Chiếc nhẫn đính hôn của Babét tặng anh không còn nữa.
Anh tìm đường về. Một màn sương dầy đặc và ẩm ướt bao phủ núi non. Nhiều tảng đá lăn ầm ầm bên cạnh anh. Thần Choáng Váng rình mò anh, tưởng anh đang mệt lử và kiệt sức. Nếu anh ngã xuống thì đã xong đời rồi, nhưng lần này anh đã thoát khỏi cơn nguy khốn.
Ở cối xay, Babét ngồi, ủ ê buồn khổ quá chừng và lúc nào cũng khóc. Đã sáu ngày hôm nay Ruyđy không trở lại, con người có nhiều sai lầm đáng trách, con người mà nàng yêu hơn hết thảy.
XIII. Tại nhà ông chủ cối xay
Mèo phòng khách lại nói với mèo nhà bếp:
- Lại có chuyện lộn xộn ghê gớm trong nhà này! Ruyđy và Babét cắt đứt nhau rồi. Cô nàng thì khóc sướt mướt còn anh chàng thì chắc là không nghĩ đến cô nàng nữa.
Mèo nhà bếp nói: - Chắc anh ta khổ lắm nhỉ?
Mèo kia trả lời: - Đúng đấy, nhưng tớ không thích buồn thay cho họ tí nào cả. Nếu cô nàng Babét muốn thì cô có thể lấy anh chàng râu đỏ hoe. Nhưng cả anh chàng ấy nữa cũng không thấy trở lại đây, kể từ cái tối mà hắn định trèo lên mái nhà như chúng mình ấy.
Trong những ngày dài dằng dặc đó, Ruyđy suy nghĩ về những việc xay ra đêm nọ trên núi. Cơn sốt đã làm anh mê sảng. Anh không thể nào xác minh được những việc đã xảy ra với anh. Anh tiếp tục kết tội Babét. Tuy nhiên, anh cũng tự vấn lại lương tâm. Anh nhớ lại cơn giông tố kinh khủng, sự giày vò ghê gớm đã khuấy động tim anh. Anh có cần phải thú thực với người yêu những ý nghĩ khủng khiếp đã xâm chiếm anh và có thể trở thành hành động không? Thực tế, anh đã đánh mất cái nhẫn. Có phải trong khi quá giận anh đã quẳng nó đi không? Lúc nào anh cũng nghĩ đến việc ấy và chính điều đó hướng tim anh về phía người thiếu nữ.
Liệu nàng có nhận những sai lầm của nàng đối với anh không? Anh thấy tim anh tan nát khi nghĩ đến những lời nói yêu thương, duyên dáng và êm ái mà nàng đã nói với anh. Nàng luôn luôn hiện ra với tất cả vẻ dịu dàng, vui vẻ, hay đùa. Những ý nghĩ đó như tia nắng xuyên qua một đám mây đen. Anh nghĩ thầm: “Nàng sẽ phải thú nhận tất cả với ta. Nàng phải tự biện bạch lấy.”
Anh đi đến cối xay. Họ đã thanh minh với nhau, bắt đầu bằng một cái hôn và kết luận như sau: Ruyđy đã là một người tàn nhẫn, một người có tội. Anh đã dám nghi ngờ lòng chung thuỷ của Babét. Tính nết của anh rất đáng ghét. Đa nghi và hành động thô bạo đến như vậy! Thế cũng đủ làm cho chúng ta đau khổ mãi rồi, thật đấy ông Ruyđy ạ!
Và Babét chỉnh anh một trận nên thân. Lúc ấy cô bé xinh đẹp lại càng đáng yêu hơn. Tuy nhiên, có một điểm nàng cho là người yêu nói đúng: anh chàng người Anh đó quả là một thằng hề, một tên tán gái nực cười. Nàng tuyên bố là sẽ quẳng quyển sách hắn đã tặng vào bếp để khỏi gợi cho nàng nhớ đến một tên ngu ngốc như vậy. Chú mèo phòng khách kể với bạn dưới bếp:
- Mọi việc đã dàn xếp xong. Ruyđy đã trở lại rồi. Cô cậu đã thanh minh với nhau, đã thông cảm cho nhau và theo họ đó là hạnh phúc cao nhất.
Mèo nhà bếp trả lời: - Ban đêm khi tớ rình chuột, tớ thấy chúng nó bảo nhau rằng hạnh phúc cao nhất là gậm nến và có một ít thịt thiu để dành. Thế thì cậu bảo tin chuột hay là tin những kẻ si tình?
Mèo phòng khách đáp: - Chắc chắn hơn hết là chẳng tin bên nào cả.
Hạnh phúc cao nhất, Ruyđy và Babét chỉ phải chờ trong một thời gian ngắn nữa thôi. Ngày cưới của họ sắp đến rồi, sẽ không tổ chức ở nhà thờ Bêch mà cũng chẳng ở nhà ông chủ cối xay. Bà mẹ đỡ đầu yêu cầu rằng lễ cưới nên tổ chức ở nhà thờ xinh đẹp ở Môngtơrơ và ở nhà bà ta. Ông chủ cối xay tán thành đề nghị đó, ông ta biết rõ những đồ mừng sẽ đẹp thế nào và món hồi môn của bà mẹ đỡ đầu dành cho cô dâu chú rể sẽ ra trò. Nên ông cho rằng có làm đẹp lòng con người rất tốt ấy một chút cũng chẳng sao. Cậu em họ đã trở về nước Anh.
Thế là ngày cưới đã được ấn định. Họ phải đến Vilơnơvơ từ tối hôm trước để sáng sớm hôm sau đáp chuyến tàu thuỷ đầu tiên đi Môngtơrơ. Như thế để các cô con gái bà mẹ đỡ đầu còn có thể giúp Babét mặc quần áo cho thật đẹp. Chú mèo phòng khách nói:
- Vậy thì tốt lắm, nhưng tớ mong rằng ngày mai sẽ có một bữa tiệc ngay ở nhà này, nếu không tớ chẳng thèm kêu một tiếng để chúc họ chung sống hạnh phúc.
Mèo nhà bếp trả lời:
- Tớ cũng rất tin là cánh ta sẽ được chén một bữa ra trò. Vịt đã làm lông, gà và chim đã thịt. Dưới nhà cả một con bê treo lủng lẳng trên tường. Tớ nhìn những của ngon vật lạ ấy không khỏi thèm rỏ dãi. Ngày mai là họ đi đấy.
Phải, đúng là ngày mai. Tối hôm ấy Ruyđy và Babét ngồi bên nhau rất lâu, chuyện trò đủ thứ. Đó là cuộc nói chuyện cuối cùng của họ ở cối xay. Dãy núi Anpơ rực rỡ, tràn ngập ánh hồng. Tiếng chuông chiều văng vẳng. Các nàng công chúa Thái Dương bay lượn trên trời và ca lên rằng: “Mong cho Ruyđy, con cưng của chúng ta, được hưởnh hạnh phúc thật xứng đáng.”
XIV. Những yêu quái ban đêm
Đêm đến, nhiều đám mây lớn bao trùm cả thung lũng sông Rôn. Một cơn gió dữ dội, tàn dư của gió Đông Nam ở Địa Trung Hải, sau khi thổi qua nước Ý, đến phá bằng những cơn mạnh nhất và điên cuồng nhất vào chân dãy Anpơ, rồi lan xuống khắp vùng, xé tan những đám mây mù. Nhưng mây lại hợp lại, xếp thành những hình quỷ sứ và những quái vật trong các truyện thần tiên.
Quỷ thần của trời đất, những sức mạnh sơ khai, vẫy vùng tự do trong khi mọi người đang ngủ. Dưới ánh sáng trăng làm lóng lánh các ngọn núi tuyết, người ta đoàn quân của Nữ thần Băng giá diễu qua. Một toán Thần Choáng Váng đùa giỡn trên những xoáy nước sông Rôn. Nữ thần Băng giá ngồi trên một cây tùng vĩ đại bị trận cuồng phong nhổ bật, trôi bập bềnh trên sông. Sóng nước dồn dập, lạnh chết người, đã đưa mụ ra khỏi lâu đài băng giá. Khắp không gian, trên mặt nước văng vẳng những tiếng: “Có chúng ta đến dự đây.”
Trong khi đó, Babét đang mơ một giấc mơ kì lạ. Nàng thấy mình đã lấy Ruyđy từ lâu. Chàng đi săn nai. Nàng ở nhà. Bỗng tên người Anh trẻ tuổi râu vàng hoe xuất hiện. Hắn nói với nàng những lời tà ma. Nàng thấy bị bắt buộc phải theo hắn. Hai người cùng đi rất xa, xa lắm.
Tim nàng bỗng bị một sức ép mỗi lúc một nặng. Nàng đã có tội với Ruyđy, với Thượng đế. Đột nhiên nàng thấy bị bỏ rơi một mình. Tóc nàng đã bạc trắng vì buồn phiền. Nàng ngẩng mặt lên trời và nhìn thấy Ruyđy trên một mỏm núi. Nàng giơ tay về phía chàng, không dám gọi. Hơn nữa, cũng vô ích vì nàng thấy ngay rằng đó không phải là Ruyđy mà chỉ là cái áo săn và mũ của chàng vắt lên chiếc gậy để đánh lừa những con nai.
Lúc ấy, một niềm đau đớn sâu sắc xâm chiếm lấy Babét, nàng than vãn: “Ôi! Nếu tôi được chết vào ngày cưới, ngày sung sướng nhất của đời tôi! Đức Thượng Đế! Đó là điều đặc ân mà Người có thể ban cho tôi. Như vậy có lẽ tốt nhất cho cả tôi lẫn Ruyđy. Ai mà biết trước tương lai?” Thế rồi, oán trách Thượng đế và cuộc sống, nàng gieo mình xuống một cái vực sâu.
Babét giật mình tỉnh dậy. Ma quỷ đã biến mất. Nhưng nàng nhớ lại là vừa bị một cơn ác mộng dày vò. Nàng nhớ rất rõ rằng trong đó có anh chàng thanh niên người Anh, người mà mấy tháng nay nàng không gặp và không bao giờ nghĩ đến. Hắn đã quay lại Môngtơrơ rồi chăng? Hắn có dự đám cưới nàng không? Có phải đó là một điềm báo trước không? Người thiếu nữ cau lông mày và bĩu môi, trông lại càng đáng yêu tệ
Nhưng rồi thấy ánh dương sáng lên rực rỡ, nàng mỉm cười ngay và nói: “Chỉ còn một ngày nữa, một ngày nữa là chúng ta sẽ thành vợ chồng.
Khi xuống nhà, nàng thấy Ruyđy đã sẵn sàng. Họ đi Vilơnơvơ. Đôi vợ chồng sắp cưới vui sướng đến thế! Cả ông chủ cối xay cũng vậy, bộ mặt trung trực của ông tươi cười, nở nang biết bao! Lúc nào ông cũng cười, chưa bao giờ ông lại vui vẻ đến thế. Đó là một ông bố tốt, mặc dầu thỉnh thoảng có những lời nói cục cằn.
Mèo bây giờ chỉ còn chúng là chủ nhân chốn này. Có lẽ chúng ta có thể kiếm được vài miếng trong những của ngon chuẩn bị cho bữa tiệc được đấy.
XV. Kết
Họ đến Vilơnơvơ vào buổi chiều, vẫn hoan hỉ và vui mừng. Sau bữa cơm, ông chủ cối xay ngồi vào ghế bành, hút một tẩu thuốc, xong đi làm một giấc. Đôi vợ chồng chưa cưới khoác tay nhau đi chơi bên bờ hồ nước sâu thẳm, xnah màu ngọc bích. Họ ngồi xuống một hòn đá rợp bóng liễu và ngắm chiếc lâu đài Si- ông âm u, có những chòi cao soi bóng trên mặt hồ. Chợt họ nhìn thấy hòn đảo có ba cây dạ hợp. “Được ra đấy chơi thì sung sướng biết bao!” Babét nói vậy vì nàng lại cảm thấy ý muốn nung nấu từ trước là được ra ngồi dưới bóng cây ngoài đảo.
Lời ước ấy có thể thực hiện trong giây lát. Có một chiếc thuyền buộc lỏng vào một thân cây. Họ đi tìm người chủ thuyền để hỏi mượn, nhưng không gặp ai cả. Tuy vậy họ vẫn cứ xuống thuyền. Ruyđy bơi thuyền rất khá. Anh chèo một cách mạnh dạn. Nước chịu nhượng bộ bất cứ một sức cỏn con nào, nhưng cũng chẳng cái gì cưỡng lại được sức mạnh ghê gớm của nó. Có thể nói là nó ân cần chìa lưng cho người ra cưỡi và cũng luôn luôn há mõm sẵn sàng nuốt chửng lấy ta. Nó mỉm cười, có vẻ dịu dàng, nhưng nó cũng có thể tàn phá và gây ra những tai hoạ khủng khiếp nhất.
Sau mấy phút sặp uyên ương đã ra tới đảo. Họ vui như điên, nhảy múa hoan hỉ. Ruyđy đưa cho Babét dạo ba vòng quanh cái đảo chật hẹp ấy. Sau đó họ ngồi trên chiếc ghế dài dưới gốc cây dạ hợp.
Họ nhìn nhau, tay nắm tay. Quanh họ, cảnh vật sáng rực ánh nắng chiều. Những rừng tùng trên núi ngả màu hung hung như màu đinh tử hương hay màu hoa thạch thảo. Các tảng núi đá lóng lánh như kim khí nấu chảy và nom trong suốt. Mặt hồ có thể ví như một cánh đồng bát ngát. Bóng tối xanh lam lan dần xuống chân núi tuyết vùng Xavoa, nhưng trên đỉnh núi thì vẫn còn đỏ tía. Người ta tưởng tượng như những ngày đầu tiên của trái đất, khi những trái núi như phun thạch đỏ rực chui từ lòng đất ra.
Đó là một cảnh tượng mà Ruyđy và Babét chưa từng thấy bao giờ. Ngọn núi Đăng-đuy-mi-đi phủ tuyết, sáng hơn mặt trăng, chớm mọc ở chân trời. Cặp tình nhân bảo nhau: “Lộng lẫy quá! Sung sướng quá!” Ruyđy nói:
- Trên trái đất này, anh không còn mơ ước gì nữa. Một giờ như thế này giá trị bằng cả cuộc đời. Anh đã gặp rất nhiều hạnh phúc, và đã tận hưởng, nhiều khi tưởng thế là hết. Nhưng rồi ngày này trôi qua, ngày khác lại bắt đầu còn đẹp hơn nữa. Thượng đế quả là nhân từ vô cùng.
Babét bảo: - Tim em cũng tràn ngập lòng biết ơn Người.
Ruyđy lạii nói: - Trái đất chẳng có thể cho anh một tí gì nữa ngoài cái mà anh cảm thấy.
Từ những trái núi thuộc Xavoa và thuộc Thuỵ Sĩ những tiếng chuông ngân báo giờ cầu kinh ban chiều. Nhìn về hướng tây người ta thấy những đỉnh núi Jura lóng lánh trong một biển vàng. Babét nói, mặt rưng rưng vì âu yếm:
- Em cầu mong Thượng đế ban cho anh tất cả những cái gì tốt nhất, đáng mong ước nhất trên đời.
Ruyđy đáp: - Người sẽ làm đúng như vậy. Cô vợ bé nhỏ xinh đẹp của anh ơi! Ngày mai em sẽ thuộc về anh, ngày mai em sẽ hoàn toàn là của anh!
Bỗng Babét kêu lên: - Kìa cái thuyền, cái thuyền!
Chiếc thuyền bị sóng hồ đánh tuột dây đang trôi ra xa hòn đảo.
- Để anh lôi nó vào - Nói rồi, Ruyđy quẳng quần áo và ủng, nhảy xuống nước, và vốn là người bơi giỏi, anh lướt nhanh về phía chiếc thuyền.
Anh bơi đến luồng nước xám xanh lạnh ngắt mà sông Rôn đưa từ những con sông băng về. Anh nhìn xuống đáy một lát, chỉ một lát thôi. Anh thấy hình như ở dưới đáy có một chiếc nhẫn vàng lóng lánh đang lăn. Anh nghĩ đến chiếc nhẫn đính hôn của anh đã mất. Nhưng chiếc nhẫn mày dần dần to và rộng mãi. Trong chốc lát nó biến thành một vòng to sáng rực. Giữa vòng trong mở ra một sông băng rộng lớn, có những vực sâu thẳm miệng trống hốc. Hàng ngàn giọt nước rơi xuống thành một điệu nhạc rền rĩ, một hồi chuông báo tử. Những bức tường pha lê phản chiếu ngọn lửa trắng, xanh.
Trong khoảnh khắc, Ruyđy thấy một cảnh tượng phải dài lời mới tả xiết. Ở dưới đó có một đám đông thợ săn trẻ tuổi, thiếu nữ, đàn ông và đàn bà trước kia đã bị rơi xuống những vực thẳm của các sông băng và chết ở đó. Trông họ như còn sống, mắt mở to và cười với Ruyđy.
Sâu tí nữa có một thành phố đã bị chịm đắm trong nước hồ. Những khe nước trên núi làm rung chuông nhà thờ và làm vang tiếng đại phong cầm. Nhân dân đều quỳ trong thánh đường, nơi mà năm xưa họ đã lánh vào khi tai nạn xảy đến.
Dưới cùng, Nữ thần Băng giá đang ngồi. Khi thấy Ruyđy, mụ đứng dậy. Mụ ôm lấy chân anh và đặt môi vào đó. Anh thợ săn như bị một luồng điện giật, rồi chân tay anh bị một sức lạnh ghê người làm cho tê cóng.
“Về tay ta! Về tay ta! Người đã về tay ta!” Tiếng reo đắc thắng ấy vang lên quanh mình anh. “Khi ngươi còn bé ta đã hôn ngươi một cái vào môi. Hôm nay ta lại hôn một cái vào gót chân người. Người là của ta, hoàn toàn của ta.”
Và Ruyđy biến mất giữa làn nước trong xanh. Trên mặt đất, khắp nơi đều im lìm. Tiếng chuông chiều ngừng hẳn. Mây mất màu rực rỡ.
“Mi đã về tay ta!” Những tiếng ấy vang lên dưới đáy nước và cũng vang lên trên trời. Tiếng kêu tràn ngập không gian vô cùng vô tận. Nhảy một bước từ tình yêu dưới trần tới những cảnh vui sướng thanh khiết trên trời, phải chăng là hạnh phúc? Chiếc hôn giá lạnh của cái chết đã phá huỷ một cái vỏ ngoài phải bị diệt vong. Một linh hồn bất tử thoát ra từ đó và sẵn sàng bước vào cuộc đời thực sự đang chờ đón nó. Nghịch âm chết chóc đã chuyển thành hoà âm trên thiên đàng.
Bạn có bảo rằng đấy là chuyện buồn không?
Tội nghiệp cho Babét! Phải, đối với nàng đó là những lúc lo sợ ác nghiệt nhất. Thuyền càng ngày càng ra xa. Trong bờ không ai biết là đôi vợ chồng chưa cưới ra chơi ngoài đảo. Trời tối sầm. Đêm xuống, một mình Babét đau khổ rên xiết, quằn quại trong cơn tuyệt vọng.
Một ánh chớp loé lên trên miền núi Jura. Một ánh khác loé lên trên bãi tuyết làm sáng rực cả mặt hồ. Babét giật mình đứng lên. Nàng thấy trên mặt nước Nữ thần Băng giá đứng đó, vẻ mặt uy nghiêm dữ tợn. Dưới chân mụ là xác Ruyđy.
- Nó là của ta!- Mụ nói rồi biến mất.
Babét nói: - Quân độc ác! Tại sao mi giết chàng vào đúng trước ngày rạng rỡ nhất của chúng ta?
Nàng tiếp: - Ôi Thượng đế! Cầu xin người hãy soi sáng cho linh hồn và trái tim tôi. Xin người hãy cho tôi biết những ý định bí ẩn của người.
Thượng đế đã nghe thấy tiếng nàng. Người đã soi sáng tâm hồn nàng. Nàng nhớ đến giấc mộng đêm trước, nhớ đến điều mà nàng đã cầu ước trong giấc mộng đó, xem như đó là hạnh phúc tối cao của Ruyđy và của chính nàng. Nàng nói:
- Tôi thật đáng chết. Vậy thì mầm mống tội lỗi đã có trong tim tôi ư? Điều mà tôi đã mơ thấy phải chăng là số phận của tôi? Và quả thật chàng chết như thế là hơn chăng?
Tiếng rên la của nàng vang lên gấp bội. Bỗng nhiên nhớ tới những lời nói cuối cùng của Ruyđy: “Trái đất không thể nào mang cho anh một hạnh phúc lớn hơn nữa”, con tim nàng thắt lại.
Nhiều năm trôi qua. Mặt hồ mỉm cười. Đồi núi trông tuyệt đẹp. Nhiều con tàu lướt sóng, cờ tung bay trong gió. Nhiều chiếc thuyền lớn, xoè những cánh buồm nhọn bay nhẹ trên mặt hồ như những con chuồn chuồn khổng lồ. Đường xe lửa vượt Si-ông và ngược thung lũng sông Rôn, khách du lịch đổ xuống các ga. Họ vội vã mở quyển “Hướng dẫn khách du lịch” đóng bìa đỏ và xanh lá cây, tìm những cảnh lạ để đi thăm. Và họ thấy trong sách truyện một đôi vợ chồng trẻ sắp cưới, năm 1856 ra chơi hòn đảo có ba cây dạ hợp, người chồng chưa cưới chết và mãi đến tận hôm sau, từ trong bờ người ta mới nghe thấy tiếng gào thét tuyệt vọng của người thiếu nữ.
Nhưng sách chỉ nói có thế thôi. Sách không nói đến cuộc đời ẩn dật của Babét sống với cha nàng, không phải ở cối xay, nó đã bị bán đi vì nàng không muốn sống ở nơi gợi lại biết bao hạnh phúc đã tan tành. Họ sống trong một căn nhà xinh đẹp gần ga. Nàng thường đứng hàng giờ bên cửa sổ, nhìn qua những cây hạt dẻ lên các ngọn núi tuyết, nơi Ruyđy săn bắn. Mỗi khi nhìn thấy đỉnh Anpơ nhuốm màu đỏ rực rỡ lúc hoàng hôn nàng tưởng nhớ đến buổi chiều cuối cùng của hai người. Thỉnh thoảng, khi nào buồn nhiều, khổ nhiều, nàng hình như nghe thấy các công chúa Thái Dương hát kể câu chuyện bão cuốn áo choàng người du khách như thế nào.
“Can chi mà buồn. Nó chỉ cướp được cái vỏ, chứ không cướp được con người.” Và trong tâm trí nàng loé lên ý nghĩ là Thượng đế sắp đặt mọi việc hết sức khéo. Điều đó nàng biết rõ hơn ai hết từ khi nằm mơ.
HẾ
Nhận xét
Đăng nhận xét