Thầy lang bất đắc dĩ

Ngày xưa có một anh chàng tên là Tân làm nghề cày ruộng. Anh là người thông minh nhưng tính tình có phần nhút nhát, lại phải cái hay phũ phàng với vợ. Người vợ căm lắm, quyết tìm dịp báo thù cho bõ ghét.
Một hôm người vợ đi chợ, bỗng nghe văng vẳng có tiếng gọi loa: "Ai có tài chữa bệnh thì mời về triều sẽ được thưởng quan cao lộc hậu". Hỏi mọi người, chị mới hay đó là sứ giả nhà vua đi tìm thầy lang giỏi về cứu chữa cho công chúa bị hóc xương. Thấy cơ hội báo thù đã đến, người vợ bèn tìm gặp sứ giả, nói:
- Tôi biết trong làng này có một thầy lang chữa bệnh hay như thần, có thể chữa cả những người sắp chết.
Sứ giả đi mấy ngày chẳng gặp một ai, nay được người mách thì lấy làm mừng, vội hỏi:
- Thế thì hay quá. Có thật thế chăng?
- Thật đấy! Nhưng ông thầy này có một điều lạ là không muốn tự nhận mình là thầy lang, luôn luôn giả bộ ngờ nghệch. Ai nhờ chữa thì bao giờ cũng chối đây đẩy, chỉ có roi đánh quắn đít mới chịu nhận và mới chữa mát tay.
- Thế thầy lang hiện giờ ở đâu?
- Ngài cứ theo con đường này dẫn ra đồng. Hễ thấy người nào râu cá trê, đang cày với một con bò đen trên một đám ruộng khoai, thì chính là thầy lang. Tên thầy là Tân.
Sứ giả cũng mấy người lính hầu vội rẽ ra đồng. Khi gặp con người đúng như lời mách. sứ giả lễ phép nói:
- Chúng tôi vâng thánh chỉ mời thầy về triều chữa cho công chúa bị hóc xương đã ba ngày nay.
Anh chàng Tân thấy việc trớ trêu lấy làm lạ, bèn đáp:
- Ô hay! Các quan nhầm rồi Tôi quê mùa dốt nát, có biết làm thuốc bao giờ, đâu phải là thầy lang mà mời.
Nhớ đến lời dặn của người đàn bà, sứ giả toan dụng võ ngay, nhưng cũng cố đấu dịu:
- Xin thầy đừng giấu nghề; vả lại việc này là việc cấp bách và theo lệnh của hoàng đế, xin thầy hãy vui lòng tiến kinh cùng chúng tôi. Người bệnh lại là con vua cháu chúa, không nên từ chối.
- Tôi nới thật đấy mà! Hàng ngày tôi chỉ tay cày tay cuốc, làm gì biết đến việc hệ trọng như việc xem bệnh bốc thuốc.
Nghe những lời khăng khăng từ chối, sứ giả bụng bảo dạ: - "Thật thân lừa ưa nặng, tất phải dùng roi vọt mới xong". Nghĩ vậy, hắn bèn thét lính ra roi túi bụi. Tân không chịu đựng nổi mười roi, vội vã kêu lên:
- Thôi thôi, xin các quan ngừng tay. Tôi là thầy lang đây.
Sứ giả mừng quá vội cho Tân lên ngựa phi về hoàng cung, đưa vào buồng công chúa.
Bấy giờ công chúa đang nằm chờ chết, cái xương còn mắc ở cổ, khạc mấy cũng không chịu ra. Tân vừa đến, lấy làm bối rối không biết cất tay động chân thế nào. - "Hừ, ta thử làm cho công chúa cười một chút xem sao?".
Nghĩ vậy trước mặt công chúa, anh bèn nheo mắt méo miệng làm ra trăm kiểu ngộ nghĩnh như anh vẫn từng quen gây cười trước đám đông hàng xã. Chưa đến trò thứ ba thì công chúa và bọn cung nữ hầu hạ xung quanh đã bật cười, và còn đua nhau cười ngặt nghẽo. Tự nhiên cái xương trong cổ công chúa văng ra lúc nào không biết. Thế là bệnh lành. Mọi người đều trầm trồ kinh ngạc. Nghe tin, nhà vua và cả hoàng cung lật đật chạy vào mừng cho con gái và tíu tít cảm ơn thầy. Vua liền phong Tân làm chức thái y, sai lấy vàng bạc mũ áo ban thưởng. Về phần Tân, bụng bảo dạ: - "Ta dùng một mẹo nhỏ may mắn mà lành, thật là chó ngáp phải ruồi. Vậy ta hãy cố chối từ, thà về cày ruộng còn hơn là ở đây có ngày mang họa". Bèn đáp:
-Tâu bệ hạ, kẻ hạ thần này thực sự quê mùa dốt nát không biết việc thuốc men là gì. Vậy xin nhường chức tước ấy cho các vị lang y, còn hạ thần chỉ xin bệ hạ cho phép được trở về quê làng.
Vua vốn đã được nghe sứ giả cho biết tính tình kỳ lạ của người thầy thuốc, bèn quát thị vệ ra roi. Tân cuống quít xin nhận mũ áo.
Lại nói chuyện khi nghe tin có thầy lang đại tài được vua đón về kinh đô, mới chữa một vụ hay như thần, thì các con bệnh kinh niên khó trị từ bốn phương lục tục kéo nhau về, hy vọng được thầy ra tay cứu chữa. Chẳng bao lâu con số đã tăng lên đến tám mươi người. Hàng ngày họ đứng chực trước cửa ngọ môn đợi thầy ra, lính đuổi mấy cũng không đi. Nghe tin này, một hôm nhà vua bảo Tân:
- Dân chúng còn có người đau khổ là lòng ta chưa yên. Vậy nhà ngươi hãy đem tài thánh y gắng chữa cho con đỏ của ta được lành.
Tân lo lắng, vội nói:
- Tâu bệ hạ, kẻ hạ thần tài hèn chẳng có gì, mà con bệnh nan y quá đông, làm sao chữa xuể.
Vua hất hàm cho bọn thị vệ chuẩn bị roi vọt. Thấy thế, Tân đành nhắm mắt nhận lệnh không dám từ chối. Nhưng để có thì giờ suy nghĩ, anh cũng xin vua cho được ở riêng cùng với bệnh nhân để tiện xem bệnh. Vua bèn ra lệnh đưa cho thầy cùng các bệnh nhân đến sở dưỡng tế của kinh kỳ.
Khi đã được đứng riêng một mình cùng tám chục bệnh nhân. Tân liền sai đóng cửa lại, ra lệnh cho lính gác cổng chỉ cho người ra mà không cho vào. Rồi sai sắp củi đốt một đống lửa giữa sân, đoạn dõng dạc lên tiếng:
- Chữa cho các ngươi thật là vất vả, song ta xin gắng. Ta có môn thuốc thần hiệu là cho thiêu một người sống, lấy tro ấy luyện thuốc trong ba tháng. Sau khi luyện xong thì thuốc của ta sẽ "bách bệnh tiêu tán, vạn bệnh khu trừ", thần diệu không thể nói hết. Tục có câu:
"Liều một người, cứu muôn người" là thế. Vậy trong số các ngươi đây, ai là người bệnh nặng nhất thì hãy chịu hy sinh tấm thân, tình nguyện để ta thiêu sống. Ta sẽ luyện thành "hảo dược" chữa lành cho bảy mươi chín người còn lại. Nào, ai đó chịu liều thân, hãy bước đến bên đống lửa!
Các bệnh nhân đang hăm hở, nay nghe nói vậy thì rụt cả lại, ai nấy kinh hoảng, mặt tái như gà cắt tiết. Tân lại tiếp:
- Nào mau lên. Trừ những ai bệnh nhẹ hoặc chưa đến nỗi nào, còn trong số những người bệnh nặng, người nào nặng nhất, hãy trông gương người xưa, chịu liều mình để phước lành cho con cháu. Vậy ai là người bệnh nặng nhất, ra đây!
Không một ai nhúc nhích. Tân lại tiếp:
- Có lẽ các người chưa biết bệnh của mình là như thế nào đâu. Thế thì các ngươi hãy để cho ta khám từng người một để chọn một người nặng nhất.
Chỉ vào một con bệnh đứng gần, Tân hỏi:
- Nào lại đây. Ta trông nhà ngươi xanh xao, chắc là sức yếu lắm. Người kia không dám bước lên, run lập cập nói.
- Thưa tôi khỏe lắm ạ!
- Thế thì nhà ngươi vào đây làm gì?
Hắn lật đật lùi dần, lùi dần, rồi bỏ chạy ra khỏi cổng. Tân lại chỉ vào một người thứ hai.
- Nhà ngươi có vẻ hom hem tợn. Nào bước lên đây cho ta bắt mạch.
Hắn ta chẳng những đã không bước lên mà còn lui lại sau: mặt cố giấu bớt vẻ nhăn nhó, đáp:
- Không, bệnh tôi đã nhẹ đi nhiều.
Nói rồi hắn cũng lẩn mất. Cứ như thế, Tân đã làm vợi hẳn số bệnh nhân. Người cuối cùng vừa chạy ra cổng thì gặp lúc nhà vua cũng vừa xa giá tới. Vua nhìn hắn hỏi:
- Nhà ngươi đã lành rồi ư? Vừa rồi bệnh nặng lắm kia mà?
- Tâu bệ hạ, kẻ hạ thần đã đỡ nhiều, hắn đáp.
Vua bước vào giữa lúc sở dưỡng tế đã sạch bóng bệnh nhân. Vua ngợi khen Tân hết điều. Sau đó vua cho phép chàng trở về quê quán. Vợ chàng không ngờ kết quả trớ trêu của cách báo thù của mình là làm cho chồng được quan cao lộc hậu.
Hết.

KHẢO DỊ
Một truyện của Ả-rập (Arabie):
Một người thợ dệt ngày nọ đi qua nhà một thầy thuốc thấy ông thầy cho người này uống thứ lá nọ, kẻ khác dùng thứ hoa kia mà thu được nhiều tiền. "Sao ta lại không làm như hắn nhỉ.". Nghĩ vậy, bèn về bảo vợ kiếm cho mình một chiếc khăn để đóng bộ thầy thuốc. Vợ bảo: - "Coi chừng kẻo mày giết người ta, rồi người ta sẽ giết mày". Ngày đầu anh ta cho đơn, thu được nhiều tiền (ca-ra). Tiếp ngày sau có một nữ tỳ gọi đến nhờ chữa cho bà chủ, bà này bệnh cũ đã lui, chỉ còn yếu sức. Anh bảo bà ăn một con gà mái luộc. Bà kia ăn xong khỏe hẳn lên. Vua nghe tin mời đến chữa bệnh cho mình. Khi anh đến, các quan hầu cận tâu vua: - "Nó là tên thợ dệt thì biết thuốc men gì chứ". - "Nhưng nó đã chữa cho người ta khỏe", vua đáp. - "Xin bệ hạ hãy hỏi vặn nó để thử xem". - "Cho các ngươi cứ làm". Bọn quan hỏi anh nhiều câu, anh đáp: - "Nếu tôi trả lời thì các ngài không hiểu đâu, ngay cả những thầy lang thường cũng không hiểu nổi. Bây giờ thế này: Ở đây có bệnh xá không?" - Đáp: - "Có". - "Có bệnh nhân nào lâu ngày mà chữa chưa lành không?". - "Có". - "Thế thì đưa tôi đến đấy, nhưng không được để ai vào".
Đến nơi, anh dặn người gác cổng: - "Nếu anh nói với ai ta làm những gì thì ta sẽ giết anh. Nhưng nếu anh không lộ chuyện ta sẽ cho nhiều tiền". Đáp: - "Tôi không nói đâu". Anh bắt hắn thề. Thề xong, anh hỏi: - "Có dầu không?" - "Có" - "Đưa ra đây". Bèn ra lệnh nấu trong vạc mấy chai dầu sôi sục. Đoạn gọi một bệnh nhân đến, hỏi: - "Nhà ngươi đau đã bao lâu?" - Đáp: - "Đau đầu đã ba năm nay". Anh bảo. - "Muốn lành thì phải ngồi vào vạc". - Bệnh nhân phát hoảng: - "Xin ngài hãy khoan". - "Không được, làm ngay". - "Tôi không còn chút nhức đầu nào nữa" - "Thế thì cho anh ra và báo cho người ta biết". Hắn ra khỏi cổng khen thầy giỏi. Những người khác đến lượt cũng thế.

Nhận xét