Ngày xưa, ở một làng nọ có anh chàng Ngốc bố mẹ mất sớm. Ngày bố mẹ anh còn sống có cưới cho anh một người vợ và để lại cho hai vợ chồng một ngôi nhà, một đám vườn và vài sào ruộng. Nhưng thấy Ngốc đần độn, vợ anh có ý định bỏ anh đi lấy người khác. Cho nên, sau khi bố mẹ chồng nối nhau qua đời, vợ Ngốc cũng bỏ về nhà bố mẹ đẻ hơn một năm trời không trở lại. Giữa lúc ấy có một thầy khóa góa vợ, thấy vợ Ngốc coi được thì muốn lấy tranh. Bố mẹ vợ Ngốc vốn ham của và ham chức vị nên hối hả nhận lời. Bèn bảo chàng rể mới cứ chuẩn bị lễ vật rồi làm lễ cưới bừa, dù Ngốc có biết cũng không hơi sức đâu mà kiện tụng, vả chăng anh em họ hàng nhà Ngốc chẳng còn có ai để mà bày vẽ. Về phía Ngốc, tuy bị vợ bỏ, nhưng anh cũng không biết làm thế nào để khuyên dỗ vợ trở lại với mình, cũng chẳng nghĩ gì đến chuyện thưa kiện, vì đối với anh, việc đó to lớn rắc rối quá, y như chim chích lạc vào rừng vậy.
Lật đật mà ngày cưới của đôi bên đã đến. Ngốc ta tuy biết, nhưng chẳng có ai bày mưu tính kế, nên anh cũng cứ để mặc. Mãi đến trước ngày cưới một hôm, một người đàn bà xóm giềng thương hại Ngốc, bèn đến báo tin:
- Này anh kia, anh sắp mất vợ đến nơi rồi. Chỉ nội nhật ngày kia là chúng nó làm lễ cưới đấy. Anh có biết gì không?
- Có biết, - Ngốc đáp.
- Thế tại sao anh không làm cách gì để trị cho chúng một mẻ?
- Tôi có biết cách gì đâu, làm thế nào bây giờ?
- Không biết thì phải đi học khôn với người ta chứ!
Qua ngày mai, chàng Ngốc dậy sớm quyết định đi học khôn một phen như lời bà láng giềng khuyên bảo. Anh cứ thẳng đường đi mãi. Khi mặt trời đã lên cao, anh vẫn chưa có dịp học được cái gì, vì mọi người còn bận công việc làm ăn của họ. Qua một bãi cỏ rộng, anh thấy một lũ trẻ chăn trâu đang chơi đùa vui vẻ. Anh sán lại gần, bỗng nghe một đứa nói: - "Thênh thênh ngồi đám cỏ xanh hơn ngồi chiếu hoa". Ngốc ta thấy câu nói hay hay, liền lẩm nhẩm học thuộc lòng.
Anh lại đi thêm một đoạn đường dài. Đến một bờ ruộng, anh thấy có một người đang lom khom bắt chuột. Người ấy hì hục đào lỗ, đặt hom, rồi đốt một nắm rạ, quạt khói vào hang. Bỗng có một con chuột từ trong hang thò đầu ra khỏi lỗ sắp chui vào hom, nhưng thấy bóng người, lại thụt trở vào. Người kia giơ ngón tay chỉ và nói: - "Thập thò, thập thò, lo chẳng chết!". Ngốc ta thấy câu nói hay hay lại lẩm nhẩm học thuộc.
Bỏ người bắt chuột, chàng Ngốc lại tiếp lục cuộc hành trình. Qua một cánh đồng khác, anh nhìn thấy có hai người lực điền tát nước, đang ngồi nghỉ dưới gốc cây, hút thuốc. Người này bảo người kia: - "Thượng điền tích thủy, hạ điền khan"1. Ngốc ta cho là câu nói hay, lại lẩm nhẩm học thuộc.
Bấy giờ trời đã trưa, anh lại đi thêm một đoạn đường nữa. Trước mặt anh là dòng sông nước chảy xiết. Giữa sông, anh nhìn thấy có một cái bè gỗ đang xuôi dòng. Một ông lão mà anh gặp đứng ở trên đồi nhìn xuống cái bè, rồi bỗng chốc thốt lên một câu: - "Đại mộc lưu giang bất đắc hồi cố". Ngốc ta cho là câu nói hay quá, lại lẩm nhẩm học thuộc.
Buổi chiều, trên đường về, anh đi qua một hàng cơm. Có hai người từ trong cửa hàng bước ra, mặt đỏ gay, đang chuyện trò với nhau rôm rả. Sau đó một lát, họ từ giã nhau, người này nói với người kia: - "Thôi, cơm no rượu say, tôi xin vô phép, mai ta lên quan sớm". Ngốc ta lại học thuộc lòng câu này. Cho như thế là đã đủ, và đi bộ suốt ngày đã mệt, bụng lại đói, chàng Ngốc bèn trở về nhà thổi cơm ăn, rồi lên giường nằm nhẩm lại những câu vừa học. Đoạn ngủ quên lúc nào không biết.
Ngày hôm sau, chàng Ngốc ăn mặc chỉnh tề đi sang nhà bố mẹ vợ.
Khi đến nơi đã thấy khách khứa tấp nập, cỗ bàn bày la liệt, hai họ đang chia nhau ngồi vào tiệc. Ngốc ta chẳng nói chẳng rằng bước vào cổng.
Một người nhà chạy vào loan báo cho bố mẹ vợ Ngốc và chàng rể mới biết là chàng rể cũ tự nhiên không mời mà đến. Mọi người cười ồ tỏ ý khinh thường, nhưng cũng bảo người nhà ra mời Ngốc vào xem hắn ta định làm gì cho biết. Họ ngạc nhiên thấy Ngốc ung dung ngồi phịch xuống một đám cỏ trước sân, vừa ngồi vừa nói câu nói thứ nhất học được ngày hôm qua:
- Thênh thênh ngồi đám cỏ xanh hơn ngồi chiếu hoa.
Cho rằng lời nói đó có ngụ ý thách thức, nhiều người từ chỗ coi thường Ngốc chuyển sang lo lắng. Họ bèn đứng lố nhố ở cửa nhìn ra để dò thái độ. Ngốc đang ngồi, nhìn thấy họ, sực nhớ tới câu thứ hai đã học được, liền chỉ ngón tay vào nhà mà nói:
- Thập thò, thập thò, lo chẳng chết?
Từ lo lắng, mọi người chuyển sang sợ sệt khi cảm thấy trong câu nói thứ hai của Ngốc không phải chỉ là sự thách thức mà còn có ý đe dọa.
Thầy khóa hết đứng lại ngồi, rấm rứt như sắp có tai vạ. Hắn bảo bố vợ: "Thằng này không phải ngốc nghếch như bố tưởng. Con cho rằng nó đang có âm mưu gì đây". Nhưng người bố vợ thì vẫn coi thường Ngốc, đáp: - "Con đừng lo. Nó ù lì như một hòn đá. Bố dám đoan với con rằng nó chẳng có phá đám gì đâu!".
Tuy nhiên, ông cũng ra lệnh cho mời chàng Ngốc vào nhà, nhưng chỉ đưa anh vào ngồi ở những mâm phía dưới dành cho kẻ hầu người hạ. Đó là hạng cỗ xoàng đã không có nem, mọc, giò, chả, lại cũng không có rượu. Họ thấy Ngốc ta vui vẻ bước vào ngồi lên chiếu. Và sẵn đói bụng, anh cầm đũa bát ăn rất ngon lành. Bố vợ bảo nhỏ chàng rể mới: - "Con thấy không. Thậm chí nó cũng không biết nhục. Bố nói có sai đâu mà". Nhưng đang ăn, Ngốc ta cũng không quên câu nói thứ ba đã học được, nên anh ngừng lại, mỉm cười nói:
- Thượng điền tích thủy, hạ điền khan.
Nghe câu đòi rượu uống một cách rất văn hoa, thầy khóa sợ xanh cả mắt. Hắn bụng bảo dạ: - "Nó nói được những câu như thế thì nhất định nó không chịu để mất vợ đâu, chỉ tại lão già khuyên dỗ, một hai nói nó chẳng biết gì. Thực ra nó đâu có ngốc như người ta tưởng. Việc này rồi sẽ lôi thôi to. Cái bằng khóa sinh không khéo bị lột mất, vì ta đã phạm đến danh giáo".
Nghĩ vậy, hắn biết là dại, liền hầm hầm làm mặt giận, bỏ ra về. Thấy chàng rể mới toan bỏ dở cuộc, bố vợ chạy ra cố sức níu hắn lại, bảo: - "Con cứ nghe bố ngồi lại mà dự cho xong đám cưới. Nó là thằng ngốc, nó nói gì thì nó cũng không thể làm được gì sất". Những người khác cũng chạy ra giữ thầy khóa ở lại. Trong khi kẻ lôi người kéo ngoài sân thì ở trong nhà người ta bưng rượu đến cho Ngốc. Cầm chén rượu, Ngốc ta sực nhớ tới câu thứ tư, anh nói ngay:
- Đại mộc lưu giang bất đắc hồi cố!
Thầy khóa đang chần chừ, nửa muốn về nửa muốn ở lại, chợt nghe câu nói ấy, liền bước thẳng ra cổng không ngoái cổ lại, vừa đi vừa lẩm bẩm: - "Nó "chửi chữ" mình đấy! Thế mà ông lão cứ một hai bảo nó ngốc đặc". Thấy Ngốc ăn nói khôn ngoan khác trước, người bố vợ lúc này mới chột dạ, sai người ra tiếp Ngốc tử tế. Sau khi uống mấy chén rượu mặt đã đỏ gay, chàng Ngốc đặt đũa đứng dậy ra về. Đến sân, anh còn ngoảnh lại nói nốt câu nói cuối cùng:
- Thôi, cơm no rượu say, tôi xin vô phép. Mai ta lên quan sớm!
Cả nhà nghe câu nói dõng dạc bao nhiêu hồn vía đều lên mây. - "Thằng này nó dọa đi kiện đây! Chắc đã có đứa nào làm thầy cho nó. Đành phải bảo con gái trở về với nó, không thì oan gia". Tuy nghĩ vậy, bố vợ Ngốc vẫn chưa tin là Ngốc đã có thể biết đường kiện cáo, bèn cho tên người nhà là Kềnh chạy sang nhà Ngốc rình xem Ngốc làm gì để biết mà lo liệu.
Chàng Ngốc từ nhà bố mẹ vợ trở về đánh một giấc ngủ say. Khi tỉnh dậy thấy trong người ngứa ngáy khó chịu, liền cởi áo xoay trần bắt rận. Giữa lúc đó Kềnh đã lén tới trèo lên một cây ổi ở góc vườn, nhìn vào cửa sổ để nghe ngóng. Hắn chỉ thấy Ngốc quay lưng về phía mình, người đang cúi xuống trước một vật gì trăng trắng. Kềnh bụng bảo dạ: - "Có lẽ hắn đang viết đơn kiện". Trong lòng hồi hộp, Kềnh nín thở lắng tai nghe. Lúc này, Ngốc ta bắt được hai con rận lớn, bèn reo lên:
- A! Thằng Đực và con Cái! Phải giết chúng mày mới được! (Tiếng "giết", có một số địa phương phát âm nghe dễ lẫn với tiếng "viết".)
Kềnh giật thót mình. Hắn lo sợ đến tái mặt. Vì Đực và Cái chính là tên vợ chồng lão chủ nhà hắn. Hắn nói thầm: - "Như vậy là hắn đã viết tên ông bà chủ mình vào đơn".
Kế đó, Kềnh lại nghe tiếng Ngốc nói:
- Lại thằng Béo, giết.
Béo là tên thầy khóa. Kềnh vẫn cố lắng tai nghe. Tiếng của Ngốc lại vọng ra:
- Lại con Lớn, giết.
Lớn là tên vợ Ngốc. Kềnh vẫn lắng tai. Lại có tiếng của Ngốc:
- À! Thằng Kềnh! Giết, giết.
Kềnh sửng sốt: - "Không ngờ hắn viết cả tên mình vào đơn. Thật là tai vạ".
Bèn tụt xuống đất rồi chạy vào nhà van lạy, nước mắt giàn giụa:
- Thưa ông, ông tha cho con. Việc gả bán là ở ông bà chủ của con và thầy khóa cả. Phận con là đầy tớ, có biết gì đâu. Xin ông sinh phúc tha cho, đừng viết tên con vào đơn!
Ngốc nói:
- Vậy thì, mày hãy về bảo với ông bà phải trả vợ cho tao.
Nghe nói, Kềnh ba chân bốn cũng chạy về. Đến nhà, hắn vừa thở hổn hển vừa kể lại mọi việc. Mẹ vợ Ngốc bảo chồng:
- Thôi ông ạ! Vô phúc đáo tụng đình! Bảo con chịu khó trở về với nó đi thôi. Trả lễ lại cho thầy khóa! Đừng để của trong nhà tự dưng vô cố đội nón ra đi!.
Hết.
KHẢO DỊ
Nhiều dân tộc anh em cũng có truyện tương tự, chỉ khác chi tiết. Sau đây là truyện của người Mèo:
Một chàng Ngốc đi ở, lấy được con gái phú ông. Phú ông một hôm tìm cách cho chàng rể đi buôn xa để gả con gái cho người khác. Bèn giao cho rể ba trăm đồng với một cái "lẩu" dặn buôn khi nào bạc đầy "lẩu" hãy về. Ngốc đi với mấy người lái buôn và mỗi lần nghe được câu nào hay thì nhẩm lấy thuộc lòng lại lấy tiền ra thưởng. Khi hết tiền vốn, tuy mới học được năm câu, nhưng Ngốc cũng về.
Khi về đến nhà phú ông thì người ta đang tổ chức đám cưới linh đình. Một người mách cho anh biết phú ông sắp gả vợ cho kẻ khác. Ngốc vẫn thản nhiên nói câu nói thứ nhất học được:
- Khó thì khó, ta cũng chỉ đi có một lần.
Nghe nói, phú ông mời Ngốc lên nhà dọn cơm cho ăn nhưng mâm chỉ có một bát cơm nguội, một bát canh suông. Ngốc nói câu thứ hai:
- Cái ao này sâu thì sâu thật, nhưng không có cá.
Nghe nói, phú ông sai người dọn thêm rượu thịt cho anh. Thấy Ngốc ăn nói sâu sắc, phú ông và mọi người nấp quanh nhìn xem thái độ như thế nào. Ngốc lại nói câu thứ ba:
- Ruồi nhặng bám đầy quanh, thối quá!
Họ tưởng Ngốc nhiếc mình nên họ tản ra. Chỉ có vợ Ngốc mặc áo quần cưới đến gặp. Ngốc lại nói câu thứ tư:
- Cây hoa tươi cành lá sum suê đẹp thật, nhưng mục ruỗng từ lâu.
Nghe nói, vợ Ngốc ngồi khóc, trách bố làm hại. Ngốc ăn xong đứng dậy ra về, không quên nói câu cuối cùng:
- Dân không tài làm gì cũng khó, quan có tài làm gì cũng dễ, sướng nhất chỉ có làm bạn với nhà quan.
Phú ông tưởng Ngốc đi kiện quan nên lật đật gọi Ngốc trả lại vợ.
Nhận xét
Đăng nhận xét