Ngày xưa ở huyện Đông-sơn có một anh học trò họ Đào. Anh đẹp trai, học giỏi, chỉ phải một tội là nhà rất nghèo. Thường ngày anh cắp sách sang làng bên cạnh học với một ông đồ. Nhưng cũng có những lúc anh phải đi làm thuê, làm mướn để kiếm tiền gạo nuôi thân. Cuộc sống bữa no bữa đói khá là vất vả. Trong năm năm, mặc cho kẻ cười người chê, anh vẫn vừa làm vừa học không chịu bỏ dở. Ở chỗ làng anh đến học, có một cô gái con nhà khá giả yêu anh và cũng được anh yêu lại. Hai bên có tình ý với nhau như vậy đã được vài năm.
Ít lâu sau, anh chàng họ Đào mượn mối đến dạm cô gái. Nhưng cha mẹ cô gái chê nhà anh nghèo, không gả. Họ bảo thẳng người mối: - "Nhà anh ấy một thân một mình kiếm ăn còn chật vật thay. Con gái tôi về đấy càng làm cho anh thêm bấn". Khi người mối cho biết tài học của anh chàng có thể mai sau thay đổi được số phận, thì họ trả lời: - "Nếu thế thì đợi lúc ngựa xe võng lọng trở về hãy hay".
Thấy vậy, anh chàng họ Đào vừa giận vừa thẹn. Anh nghĩ bụng phải bỏ nhà ra đi, quyết chí lập được công danh mới trở về để cho cha mẹ nàng không dám giở giọng khinh bạc với mình nữa. Nghĩ vậy anh bỏ nhà đến kinh đô. Ở đây anh vẫn vừa làm thuê, vừa học. Nhờ sáng dạ, anh học rất tấn tới. Sau năm năm, anh đi thi đỗ luôn cử nhân.
Hôm vinh quy trở về nhà, lòng anh mừng khấp khởi. Bụng bảo dạ: - "Nhất định bố mẹ cô ta sẽ vui lòng gả con cho mình và hối hận về những câu nói khinh người trước đây". Nhưng không ngờ, khi anh đến chào thầy học cũ, người ta cho biết là cô gái, sau khi anh bỏ làng ra đi, đã bị cha mẹ ép gả cho một người làng, mặc dầu cô không ưng thuận và có bụng chờ anh. Nghe nói, chàng họ Đào hết sức buồn. Anh bỏ dự định đến nhà cha mẹ người yêu và cũng chẳng bụng dạ nào đến nhà vợ chồng người yêu, vì sự gặp mặt lúc này chỉ làm anh thêm đau khổ, cũng có thể khiến chồng nàng ngờ vực. Nhưng lúc trở về, trên con đường cắt ngang qua cánh đồng, anh bỗng gặp nàng đang mang cơm ra đồng cho chồng. Hai người e lệ nhưng cũng dừng lại hàn huyên: họ bày tỏ nỗi đau khổ vì sự éo le của duyên phận. Khi chàng họ Đào từ giã, cô gái gạt nước mắt nhìn theo. Nàng đâu có ngờ rằng, từ đằng xa, người chồng của mình đã nhìn thấy được cảnh chuyện trò vừa rồi, và cơn ghen của hắn bốc lên bừng bừng. Nàng vừa đến nơi, hắn lấy cớ cơm canh chậm chạp, liền xông lại gây sự. Vợ nói lại mấy câu thì con người vũ phu đó nổi xung lên không đợi tìm hiểu phải trái, trong tay đang cầm cái cuốc để cuốc khoai, thuận đà hắn ném vào người vợ. Không ngờ phạm nhằm chỗ hiểm, nguời vợ gục xuống bất tỉnh nhân sự. Hắn lo sợ, lén lút vực vợ về nhà nói dối là ngộ cảm, rồi sau đó tiến hành chôn cất không để cho một ai sinh mối nghi ngờ.
Vừa về đến làng mình, chợt nghe tin người yêu chết một cách đột ngột, anh chàng họ Đào không ngăn được kinh ngạc và thương cảm. Anh bèn làm một cỗ cúng, rồi vì không tiện đến nhà, chờ lúc đêm khuya, đem sang cúng ở mộ người yêu. Nhưng điều không ngờ là trong lúc sụt sùi khấn khửa thì bỗng nghe trong mộ có tiếng động phát ra. Thấy sự lạ, anh vội trở về gọi người nhà đem cuốc thuổng đến đào lên. Khi nạy nắp áo quan mới biết là người chết sống lại. Số là cô nàng bị chồng ném cuốc ngất lịm đi, nhưng chưa chết thật, con người chồng thì sợ mang tội giết người nên vội khâm liệm rồi đem chôn cất sơ sài, cho chóng xong. Sau khi bị chôn, người chết mới dần dần hồi tỉnh và co cẳng đập vào cầu cứu, đúng lúc người yêu đang đứng ở mộ.
Anh chàng họ Đào trong lòng mừng rỡ, bèn cùng người nhà đắp mộ lại như cũ, rồi vực nàng về nhà hết sức chữa chạy. Khi đã bình phục trở lại, cô gái kể tất cả mọi chuyện cho anh nghe. Anh dặn người nhà giữ rất kín chuyện này và sau đó kín đáo đưa người yêu đến chỗ làm quan. Hai người trở thành vợ chồng không cheo cưới.
Lại nói chuyện anh chồng cũ cũng như mọi người trong làng vẫn không ngờ rằng người chết đã được cứu chữa sống lại. Cho nên, hàng năm hắn vẫn cúng đơm theo đúng tục lệ. Ba năm sau, một hôm nhân có dịp trẩy hội chùa ở một trấn đàng ngoài. Trên đường đi tới chùa hắn bỗng thoáng gặp một bà quan đi cáng trông nét mặt hao hao giống vợ mình. Hắn lấy làm lạ, vội đuổi theo để mong được nhìn kỹ càng tận mắt. Đứng đón nấp đằng sau cổng chùa, hắn thấy bà quan ấy từ mặt mũi dáng đi đến giọng nói quả đúng là vợ mình, không nghi ngờ gì nữa. Rồi hỏi thăm mấy người lính hầu, hắn lại biết thêm rằng chồng nàng không ai xa lạ mà chính là người học trò thi đậu cử nhân ở làng bên cạnh đã đứng nói chuyện với vợ mình trước khi hắn ném cuốc vào người nàng. Nhưng tại sao hắn đã chôn nàng hai năm rõ mười mà bây giờ nàng lại sống đường hoàng như thế kia? Trong bụng hắn nghi nghi hoặc hoặc, đoán chắc có sự lừa gạt chi đây. Cho nên vừa trở về tới làng, hắn đã bày ra chuyện bói toán cải táng để đào mộ vợ lên xem cho rõ sự thật. Và khi thấy áo quan rỗng, hắn vội phát đơn kiện anh chàng họ Đào tội đã quyến rũ vợ mình.
Nhưng sau khi nắm được mọi uẩn khúc, quan xử cho hắn không những mất vợ mà còn bị án khổ sai chung thân về tội đã phũ phàng đánh chết vợ và lén lút đem chôn, có đầy đủ tang chứng do tội nhân tự khai ra. Còn vợ hắn thì được phép lấy anh chàng họ Đào, người đã có công giành lại nàng khỏi tay tử thần.
Hết.
KHẢO DỊ
Một truyện của Trung-quốc phần nào giống với truyện trên:
Thời Tấn Vũ Đế, ở Hà-giang có một đôi trai gái yêu nhau hứa hẹn sẽ lấy nhau. Đột nhiên chàng trai phải đi lính thú lâu ngày không thấy về. Cha mẹ cô gái sau này ép gả cô gái cho một người khác, mặc dầu cô hết sức chống lại. Ở đây cô gái buồn rầu mà chết. Chàng trai hết hạn đi thú trở về. Biết là người yêu đã chết; bèn ra mộ khóc lóc. Trong một lúc thương xót quá độ, chàng đào mộ người yêu mong được nhìn mặt một tý. Không ngờ khi mở nắp áo quan, cô gái bỗng sống lại. Mừng quá, chàng cõng lên lưng đưa về chạy chữa, dần dần bình phục, bèn lấy làm vợ. Nhưng bấy giờ người đàn ông được bố mẹ cô gái hứa gả phát đơn kiện. Quan không xử được, việc đưa lên đình úy. Đình úy sau khi cứu xét, nói: - "Lòng thành cảm cách đến trời đất, nên đã chết mà được sống lại. Vậy không nên xử theo luật thông thường". Bèn phán cho cô gái về với anh chàng đào mộ.
Một truyện Nôm của ta, có nói đến một nhân vật nữ tên Dương Liễu vốn có tình ý với Mộng Hiền nhân một lần gặp gỡ chàng tại một ngôi chùa. Khi bố mẹ Mộng Hiền đến cầu hôn cho con thì Tào ông - bố Dương Liễu - tuy nhận lời hứa hôn, nhưng cho rằng vợ mình chết sớm nên con gái mình "xác lớn mà nết còn ngây", bảo hãy đợi vài năm nữa. Không ngờ trong thời gian đó, nhà Mộng Hiền sa sút đột ngột, ruộng đất tiền của hết sạch, bố lại bị bệnh. Cho đến lúc cùng túng, Mộng Hiền tìm đến nhà Tào ông thì Tào ông đã chết và vì không có con trai, nên gia sản vào tay Tào Nghê chú của Dương Liễu. Tào Nghê bảo chàng "phải đem ngàn lượng mới tròn hôn nhân". Mộng Hiền thất vọng trở về sau khi nhờ người mang một bức thư đến cho Dương Liễu.
Lại đến lượt nhà Tào Nghê sa sút: trong một đêm, bọn cướp tới lấy sạch của cải. Sau đó có Lý Sinh mang 100 lạng vàng đến mua Dương Liễu về làm thiếp. Tào Nghê bằng lòng cho cưới ngay. Phải đi mất mười ngày mới tới quê Lý Sinh. Được Dương Liễu, Lý Sinh "mừng cờ đã vào tay" nhưng đêm động phòng cô gái "lưỡi đành đoạn cắt, máu lênh láng đầy". Ở đây truyện gặp tình tiết của cổ tích. Nhà họ Lý sợ, chôn cất Dương Liễu "áo vàng xiêm nhẹ phủ phê", sau khi cắt người giữ xác ba ngày. Chôn xong, có một bọn cướp nghe tin, đêm tới hi vọng đào mả kiếm chác. Chúng không ngờ Dương Liễu nhan sắc vẫn như thường, chống tay ngồi dậy. Bọn cướp tưởng là ma hoảng sợ mất vía chạy hết, còn nàng thì trút hết mọi thứ khâm liệm, chỉ "mang tơi rách, đội nón cời" do bọn cướp để lại và đi xin ăn lần về Đường-lâm, quê của Mộng Hiền. Và cuối cùng hai anh chị lấy nhau, chỉ khác với cổ tích là họ sống êm thấm không xảy ra kiện cáo gì lôi thôi.
Nhận xét
Đăng nhận xét