Ngày xưa, ở vùng sông Tranh thuộc về tỉnh Đông có hai vợ chồng một nhà nọ, gia tư cũng vào hạng khá, nhưng tuổi già mà chưa có con. Thường ngày họ cầu trời có một đứa con cho vui tuổi già. Một hôm, trong khi ra đồng phát ruộng, người chồng nhặt được hai quả trứng to bằng nắm tay, bèn đưa cho vợ xem. Xem xong, chồng định vứt đi, nhưng người vợ ngăn lại: - "Đừng vứt, cứ để cho nó nở xem thử con gì. Bèn đưa về bỏ vào vò đặt cạnh bếp. Chỉ trong mấy ngày, trứng nở thành một cặp rắn nhỏ trên đầu có mào đỏ rất xinh. Thấy vậy, người chồng định đánh chết, nhưng người vợ ngăn lại: - "Đừng đánh tội nghiệp. Cứ để mặc tôi, tôi nuôi chúng làm con". Hai con rắn rất khôn, từ đó quấn quýt với người, đi đâu cũng đi theo. Chúng chóng lớn, mới bằng chiếc đũa, chẳng bao lâu đã to bằng ngón tay. Một hôm người chồng cuốc vườn, cặp rắn bò theo sát nút để kiếm cái ăn trong đất mới lật. Vô tình một nhát cuốc bổ xuống làm đứt đuôi một con. Con rắn quằn quại. Người vợ kêu lên: - "Chà, tội nghiệp! mày cứ quẩn bên ông lão làm gì cho khổ thân thế này!". Từ đó con rắn bị đứt đuôi ngày một trở lên hung giữ hơn con kia.
Hai con càng lớn càng ăn khỏe. Chúng thường bò vào chuồng gà các nhà lân cận tìm bắt gà con. Bị xóm giềng chửi bới luôn canh, một hôm chồng bảo vợ: - "Thôi, ta đem thả chúng xuống sông cho chúng kiếm ăn kẻo lại có ngày mang họa". Hai vợ chồng bèn mang cặp rắn đến bờ sông thả xuống và nói:
- Bớ các con! Các con hãy ở đây tự kiếm lấy cái nuôi thân, đừng có trở về, bố mẹ không có đủ sức nuôi các con nữa!
Cặp rắn vừa thả xuống nước, lập tức sóng gió nổi lên ầm ầm, các loài thủy tộc ở các nơi về tụ hội bơi lượn đông đảo. Hai vợ chồng rất kinh ngạc. Đêm lại, chúng về báo mộng cho họ biết là chúng đã được vua Thủy cho cai quản khu vực sông Tranh.
Từ đó hai con rắn làm oai làm phúc suốt cả một khúc sông rộng. Người ta lập đền thờ chúng bên sông, gọi chúng là Đức ông tuần Tranh, cũng gọi là ông Dài, ông Cộc. Tuy mọi thứ cần dùng đã có bộ hạ cung đốn đầy đủ, nhưng chúng thỉnh thoảng vẫn bắt người và súc vật qua lại trên sông. Duy ông Cộc bản tính dữ tợn, ngày một trở lên ngang ngược, lại tỏ ra hiếu sắc. Thuyền bè đi qua đó, nó thường xoáy nước nổi sóng dữ dội làm cho bị đắm để bắt người lấy của. Mỗi lần nghe tin có xảy ra tai nạn, hai vợ chồng bố mẹ nuôi ông Dài và ông Cộc vẫn thường ra bờ sông hết lời van vái hai con, để mong chúng đỡ phá phách. Chúng cũng có nghe, nhưng rồi chứng nào vẫn giữ tật ấy.
Một hôm có hai vợ chồng người họ Trịnh có việc đi thuyền qua đấy đỗ lại. Người vợ là Dương thị vốn người xinh đẹp làm cho ông Cộc mê mẩn. Đêm lại, bỗng dưng từ dưới nước có hai người con gái bước lên thuyền, mỗi người đầu đội một mâm lễ vật. Chúng đặt mâm xuống trước mặt anh học trò và nói:
- Đây là lễ vật của ông Cộc, đức ông chẳng bao giờ hạ mình làm những việc như thế này, nhưng chỉ muốn nhà thầy vui lòng nhường lại cho người vợ.
Người học trò chưa bao giờ gặp chuyện trắng trợn đến thế, bèn tức giận quát lớn:
- Về báo với đức ông chúng mày hãy mau mau bỏ thói ngang ngược. Ta là người đọc sách thánh hiền, không bao giờ lại sợ loài quỷ quái.
Chưa dứt lời đã không thấy hai người con gái đâu nữa. Tuy nói cứng là vậy nhưng vốn từng nghe những câu chuyện về ông Dài ông Cộc nên người học trò cũng có ý sợ bèn bảo vợ cầm lấy tay nải rồi cả hai từ giã chủ thuyền bước lên bờ.
Nhưng không kịp nữa rồi. Ông Cộc đã nói là làm. Thấy con mồi đã lên bộ, ông bèn đuổi theo, hóa làm một trận mưa bão kinh khủng làm cho họ không thể tiếp tục đi được. Chồng đành đưa vợ vào trú ở một ngôi đền gần đó. Mưa bão kéo dài suốt đêm. Sáng dậy, bão tạnh, người học trò tỉnh dậy đã thấy vợ mình biến đâu mất. Anh theo dấu đếm bờ sông chỉ còn thấy quần áo của vợ chút bỏ lại đó.
Đau xót vì mất người vợ yêu, anh chàng họ Trịnh bèn đi lang thang khắp nơi tìm cách trả thù. Trải qua bao nhiêu ngày tháng, một hôm qua một cái chợ, anh bỗng gặp một ông thầy bói hình dung cổ quái đang ngồi đón khách. Anh ngồi xuống xin một quẻ về gia sự. Thầy bói gieo quẻ, nói:
- Nhà ngươi đang có sự lo buồn. Anh đáp lại:
- Xin thầy cứ cho biết.
- Vợ nhà ngươi bị một kẻ có thế lực cướp mất.
- Chịu thầy. Xin cho biết vợ tôi hiện nay ở đâu? Và có cách gì cứu được vợ tôi không?
- Không dấu gì nhà ngươi, ta vốn là Bạch Long hầu vốn có phận sự làm mưa ở vùng này. Thấy việc tác quái, ta muốn giúp nhà ngươi trả được mối thù. Ta đợi nhà ngươi ở đây đã lâu. Kẻ kia tuy quyền thế nhưng không thể làm loạn chính pháp. Vậy nhà ngươi hãy theo ta. Trước hết hãy dò tìm tung tích vợ ngươi để nắm được chứng cứ đầy đủ.
Người học trò không còn gì mừng hơn thế nữa, bèn sụp lạy Bạch Long hầu, rồi bước theo bén gót, Bạch Long hầu bảo anh nhắm mắt, đoạn rẽ nước đưa anh đi mãi, đi mãi đến một hòn đảo xa tít ngoài biển Đông. Sáng hôm sau, ông hỏi:
- Ngươi có mang theo vật gì của vợ để nàng làm tin không? Người học trò đáp:
- Có. Nói rồi đưa ra một cành thoa của vợ.
Bạch Long hầu cầm lấy đi ngay. Chỉ hai hôm sau, ông đã về kể cho chàng nghe tất cả mọi việc và nói:
- Vợ ngươi vẫn một lòng một dạ với ngươi. Đó là một người thủy chung. Vậy mai đây ta sẽ đưa nhà ngươi đến triều đình đánh trống "đăng văn", khi đưa nàng ra đối chất, tự nàng sẽ tố cáo kẻ thù. Nhưng ngươi cũng viết sẵn một lá đơn kiện mới được.
Chưa đầy ba ngày, vụ kiện của người học trò đã xử xong. Ông Cộc không ngờ Dương thị lại vạch tội hắn trước tòa án vua Thủy, tuy rằng nàng đã sinh với hắn một đứa con. Vua thủy khi thấy chứng cớ sờ sờ về hành động gian ác của bộ hạ mình thì đùng đùng nổi giận. Vua thét: - "Hãy bắt đày nó đi thật xa cho đến cùng trời cuối đất!". Dương thị được đưa trở về cõi trần với họ Trịnh, hai vợ chồng lại đoàn tụ. Còn đứa bé do Dương thị đẻ ra với ông Cộc thì giao cho ông Cộc nuôi.
Ngày ông Cộc đi đày, tôm cá rắn rết náo động cả một khúc sông Tranh. Quân lính áp giải ông Cộc ra biển rồi đi ngược lên phía Bắc. Trải qua nhiều ngày, một hôm họ đến một vùng nhìn vào thấy rừng cây mịt mù, không hề có khói lửa. Ông Cộc hỏi một số người địa phương: - "Đây là đâu?". Họ đáp: - "Nơi đây đã sắp hết địa phận nước Việt rồi. Đi quá nữa là sang nước khác". Ông Cộc bảo quân lính áp giải: - "Vậy là đến chốn kỳ cùng rồi đó. Theo lệnh nhà vua, ta sẽ ở lại nơi đây". Cả đoàn bấy giờ rẽ sóng kéo vào cửa sông. Nhưng ở khúc sông này từ lâu có một con thuồng luồng trấn trị. Hắn không muốn chia sẻ quyền hành với kẻ mới đến. Cho nên khi thấy ông Cộc tới, lập tức một cuộc giao phong diễn ra dữ dội từ cửa sông cho đến tận thượng nguồn. Bấy giờ nước bắn tung tóe, tôm cá chết như rạ. Hai bên bờ lở sụp, sinh mệnh tài sản của dân ven sông bị thiệt hại rất nhiều. Hai bên đánh nhau mấy ngày không phân thua được. Ông Cộc bị thương tích đầy người nhưng thần thuồng luồng cũng bị toạc da chảy máu và bị đứt mất một bên tai. Thấy thế, những quân lính áp giải vội về báo cho vua Thủy biết. Cuối cùng việc lại đưa đến tòa án vua Thủy. Vua bắt hai bên phải chia đôi khu vực, định lại ranh giới rõ ràng, và từ nay về sau không được xâm lấn đất của nhau. Ông Cộc bèn cho đưa một tảng đá lớn như hình một cái đầu đặt ở ven sông. Bến phía thuồng luồng cũng làm phép hiện ra một cái chuông úp ở bờ bên này làm giới hạn.
Nhưng thần thuồng luồng vẫn chưa hết giận, vì cho rằng bỗng tự dưng vô cớ bị chia sẻ quyền hành là do ông Cộc mà ra. Bởi vậy thuồng luồng thỉnh thoảng lại gây sự đánh nhau với ông Cộc. Dân chúng ở hai bên bờ sông mỗi lần nghe tiếng chuông, tiếng nước sôi động ầm ầm thì biết rằng sẽ có cuộc giao tranh kịch liệt. Về sau vua Thủy giận thuồng luồng "bất tuân thượng lệnh", bèn sai quân kéo tới bắt sống, xích lại, giao cho thần núi địa phương canh giữ, còn ông Cộc từ đấy được cai quản cả hai khu vực.
Ngày nay, bên bờ Nam sông Kỳ-cùng, chỗ chân cầu tỉnh lỵ Lạng-sơn còn có một hòn đá lớn như hình cái đầu. Còn bờ bên kia, trong một ngôi chùa cổ còn có cái chuông bị xích, nhưng đã đứt mất một bên tai. Người ta nói cái đầu bằng đá là do ông Cộc đặt làm mốc, còn cái chuông là hiện thân của thuồng luồng bị thần Núi xích tại đây. Cái tên sông Kỳ-cùng cũng xuất phát từ cuộc đầy ải ông Cộc mà có.
Hết.
KHẢO DỊ
Về truyện Ông Dài ông Cộc, riêng miền Bắc có rất nhiều dị bản, phần nhiều dưới dạng truyền thuyết, với hình ảnh con rắn bị bố mẹ nuôi chém đứt đuôi. Vùng Lạng-sơn còn có người kể như sau:
Tại sông Kỳ-cùng có một ông lão nhà nghèo làm nghề chài lưới, có một đứa con trai. Một hôm, ông lão bắt được một quả trứng lạ rất lớn, đem về giấu ở thúng trấu rồi quên bẵng đi mấy ngày, không ngờ trứng đã nở ra một con rắn trắng. Rắn quen với người và mỗi ngày một lớn. Ông lão mang rắn để thả sông. Nhưng rắn lại về nằm lỳ ở nhà. Ông lão hỏi đùa: - "Có muốn lấy vợ chăng?" Rắn gật. - "Khi nào con thấy có người đàn bà mặc áo đỏ đứng ở sông thì bắt lấy, tức là người ra cưới cho mày đó". Rắn lại gật tỏ ý bằng lòng, và còn dặn cứ gọi "Banh Bạch" thì nó lên.
Về sau ông lão cưới vợ cho con trai mình. Một hôm cô dâu mới ra sông tắm giặt bỗng mất hút. Ông lão giận lắm, gọi rắn lên định giết chết, nhưng nhát chém của ông chỉ làm nó đứt khúc đuôi. Rắn báo cho ông biết: Vua Thủy cho hắn coi khúc sông này và cám ơn bố nuôi về việc cưới vợ cho nó. Sau đó, một hôm rắn đưa bố nuôi xuống chơi nhà mình ở dưới sông. Nhà hắn cũng có vô số đồ đạc của cải, chẳng khác gì nhà giàu sang ở trên trần. Gặp con dâu, ông lão bảo nó bỏ thủy phủ theo ông về trần. Nó không nghe và nói: - "Duyên trời đã định rồi, còn về làm gì nữa". Người ta lập đền thờ thần rắn ở gầm cầu.
Người Tày Lạng-sơn ven sông Kỳ-cùng thì kể như sau:
Đời Lý Nhân Tông niên hiệu Long Phù, ở bản Chúng có một thổ ty họ Bế nhà giàu có hai đứa con: một trai là Trần Sinh đã có vợ và một gái là Ngọc Quyên xinh đẹp. Một hôm mùa xuân, anh em đi thăm mộ, chiều về họ gặp một chàng trai tuấn tú đến nhà xin với người bố nghỉ trọ một đêm. Hỏi tên họ thì đáp: - "Tôi thuộc họ rồng tên là Hài Sinh, định về kinh ứng thí, đầy tớ đã đi trước, còn mình vì đường xa mệt nhọc lại phải nghỉ lại". Thổ ty bằng lòng cho nghỉ lại. Nhưng đêm lại. Hài Sinh được sự ưng thuận của Ngọc Quyên, lẻn vào buồng ân ái, từ đó cứ gà gáy ra đi, nhưng đêm thì lại mò tới. Đến đêm thứ năm, Hài Sinh nói mình là con vua Thủy có lệnh phải về, hẹn đến tết đoan ngọ sẽ gọi nàng xuống thủy phủ. Ngọc Quyên từ đấy có mang. Người bố biết chuyện của con, muốn giết, nhưng bị bà mẹ can lại. Đến lúc nàng sắp sinh bố lại mài dao nhọn trực giết vì không muốn thấy những đứa cháu thuộc nòi thuồng luồng. Đến ngày đoan ngọ, Ngọc Quyên sinh ra được hai con rắn, một con trườn đi thoát còn một con bị ông chém đứt khúc đuôi (sau này người ta gọi là "Ông Cộc"). Gia nhân đuổi theo thì trời bỗng nổi cơn mưa to gió lớn, đất chuyển ầm ầm, nứt thành lỗ cho hai con chui vào. Ở nhà, Ngọc Quyên cũng tắt thở. Sau đó, ông Cộc ngự trị ở chỗ thác nước trước làng, người ta gọi là Khuổi Ngù (thác Rắn). Nay còn có đền thờ trên đường từ Lạng-sơn đi Lộc-bình.
Cho đến vùng Nghệ - Tĩnh, truyện kể đã có phần khác, nhưng vẫn còn hình ảnh con rắn bị đứt đuôi:
Đời Lý, có hai vợ chồng người làng Chi-châu, huyện Thạch-hà, lấy nhau đã lâu mà chưa có con. Một hôm họ hứng nước mái nhà, đến canh tư thấy có ngôi sao sa vào vò, người vợ uống nước ấy có thai, nhưng ba năm chưa đẻ. Sau đó đẻ được ba quả trứng vỏ xanh, nở ra được ba con rắn. Chúng thường quấn quít đi theo bố mẹ, vì vậy một hôm người bố vô tình chặt đứt đuôi một con. Nó tự nhiên biến thành chàng trai lịch sự nói: - "Chúng tôi đầu thai giúp nước, nay con đã bị bố lỡ tay như vậy, sẽ lên trời làm sóng gió cho thiên hạ biết". Nói rồi biến đi, sau trở thành thần sông, còn hai con kia ở lại trở thành tướng tài của nhà Lý, thường cầm quân bảo vệ biên cương chặn đứng giặc ngoài xâm lược.
Nhận xét
Đăng nhận xét