Tam và Tứ

Ngày xưa có một người làm nghề bưng trống tên là Tam. Mỗi lần làm xong một số hàng có đủ trống con trống lớn, ông thường mang đi các vùng lân cận để bán. Bán hết, ông lại trở về làm chuyến khác. Một hôm ông gánh hàng đi bán ở một vùng khá xa. Vừa trèo lên một ngọn đèo, ông bỗng thấy một người ngồi ẩn dưới bóng một cây đa. Thấy mệt và nóng bức nên ông cũng dừng lại ở đây nghỉ chân. Trong khi trò chuyện, hai người hỏi tên tuổi và nghề nghiệp của nhau. Người hàng trống biết khách thên là Tứ làm nghề buôn vặt nhưng hết vốn, đang định tìm chỗ làm thuê để nuôi miệng.
Tam thương cảnh ngộ của Tứ, bèn giở gói cơm ra mời ngồi lại cùng ăn, đoạn bảo Tứ:
- Bây giờ anh hãy gánh giúp cho tôi một đoạn đường từ đây tới khi anh rẽ lối khác. Tôi sẽ trả anh một số tiền.
Hai người bắt đầu xuống núi. Đi một thôi đường, họ thấy khát nước, và sau đó, cả hai đều dừng lại bên một cái giếng thơi ở vệ đường. Nhìn thấy giếng sâu, thành đứng lại đầy rêu, không biết làm sao mà múc, Tứ bảo Tam:
- Bây giờ ta làm cách này thì uống được. Tôi buộc sợi dây lưng vào người, ông nắm chặt lấy một đầu dây, để tôi bám vào thành giếng trèo xuống. Uống xong ông kéo lên cho. Sau đó đến lượt ông lại làm như tôi để xuống.
Họ làm như lời đã bàn. Nhưng đến lượt Tam xuống thì Tứ để mặc Tam dưới đáy giếng rồi quảy gánh trống đi luôn một mạch. Tam gọi mãi không thấy Tứ, biết là bị lừa, bèn đứng dưới giếng kêu cứu ầm ĩ. Không may cho Tam là đoạn đường ấy rất vắng nên kêu khản cả cổ mà chả có một tiếng trả lời. Mãi đến chiều tối mới gặp được mấy người khách bộ hành đi qua, nhờ đó được họ kéo lên khỏi giếng.
Tam vừa xót của vừa giận phường bội nghĩa, đi thất thểu mãi đến chiều rồi lạc vào một ngôi chùa. Ông gọi người thủ hộ, nài nỉ xin cho mình được vào nghỉ nhờ một đêm. Thủ hộ bảo:
- Ở đây có bốn con quỷ "quàn tài" dữ lắm. Thường đến canh ba thì chúng hiện ra. Người quen thì chớ, còn người lạ thì chúng nó bóp cổ. Thôi, ông đi chỗ khác mà trú, đừng lân la nơi đây mà thác uổng mạng!
Tam bấy giờ đầu gối đã mỏi, mắt đã ríu, nên đáp liều: 
- Bạch thầy, thầy cứ làm ơn cho tôi ẩn nấp một chỗ nào đó kín đáo, để tôi ngủ nhờ một tối, kẻo tôi bây giờ không thể lê bước đi đâu được nữa.
Thủ hộ chỉ vào một cửa hang và bảo:
- Đó là cái hang mà bốn con quỷ hay ra vào, bên cạnh cửa hang có một chỗ kín có thể nấp được, ông vào đó mà ngủ may ra thì thoát. Ngoài đó ra chả có nơi nào kín kết!
Tam đành chui liều vào chỗ thủ hộ chỉ, rồi đặt mình xuống làm một giấc. Đến canh ba, tỉnh dậy, thấy bốn con quỷ vừa đi đâu mới về. Chúng nó đứng lại ở cửa hang trò chuyện với nhau. Con quỷ thứ nhất nói:
- Phía sau ngôi chùa này, cách mười bước về phía bên trái có chôn sáu chĩnh bạc.
Con quỷ thứ hai nói:
- Phía sau ngôi chùa này, cách mười bước về bên phải cũng có chôn sáu chĩnh vàng.
Con quỷ thứ ba nói:
- Còn tôi, tôi có biết một chỗ giấu một viên ngọc quý, ai mà bắt được thì có thể làm chúng ta chết ngay lập tức!
Con quỷ thứ tư nói:
- Ngọc ở đâu?
- Ở bên cạnh cửa hang này.
Nghe nói thế, Tam nhớ lại lúc đi ngủ quả có thấy một viên gì tròn tròn và sáng ở ngay cạnh chỗ nằm; lập tức chàng với tay chộp lấy ngọc. Giữa lúc mấy con quỷ chưa kịp bỏ đi, Tam đã vung tay ném hòn ngọc vào giữa chúng, làm cho cả bốn đều chết thẳng cẳng.
Sáng dậy, Tam bước ra khỏi chỗ nằm đi tìm thủ hộ để cảm ơn. Sau đó ông trở về gọi người nhà tìm đến chùa, đào lấy mấy chĩnh vàng và bạc. Từ đó, Tam trở nên giàu có sung sướng.
Còn Tứ sau khi cướp được gánh trống của Tam, bèn tìm đi một nơi xa để bán. Chiều tối hắn ghé lại một cái quán xin nghỉ trọ. Chủ quán bảo:
- Ở đây khuya lại có quỷ hiện ra làm hai khách lạ. Vậy ông hãy gắng đi thật xa mới khỏi làm mồi cho chúng.
Nghe nói Tứ hoảng sợ, nhưng bấy giờ tìm đến làng xóm thì đã quá muộn, hắn đành phải xin chủ quán chỉ cho một chỗ kín đáo để nấp tránh lũ quỷ. Chủ quán chỉ cho Tứ một cái hang kín. Tứ đặt gánh trống ở ngoài cửa hang, chui vào nằm ngủ.
Khuya lại, quả có một lũ quỷ kéo đến cửa hang. Chúng vô tình giẫm lên mặt trống, trống phát tiếng "thùng thùng". Giật mình kinh sợ, mỗi con quỷ chạy trốn vào một xó. Một con quỷ chui nhào vào hang Tứ nằm giữa lúc hắn đang ngủ mê. Thế là tiện tay quỷ bóp cổ, hắn chết.
Hết.

KHẢO DỊ
Truyện của ta giống với khá nhiều truyện của các dân tộc Đông và Tây: Trước hết là truyện của Băng-la-dex (Banglades):
Một hoàng tử và một người con viên cảnh sát (kôt-oal), một thiện, một ác, cùng kết bạn với nhau để đi ra nước ngoài. Một hôm qua một cái giếng, nhân khát khô cổ, hoàng tử bảo người bạn dòng mình xuống để uống. Người kia bỏ hoàng tử xuống giếng rồi đi thẳng. Đêm lại, hoàng tử nghe dưới giếng có hai vị thần (bơ-hut) nói chuyện với nhau. Một vị nói mình bắt được một nàng công chúa và phải làm phép như thế, công chúa mới được giải cứu. Vị thần kia cho biết dưới một gốc cây gần giếng có năm lọ vàng mà mình là kẻ canh gác. Phải làm phép như thế mới có thể đưa vàng lên khỏi mặt đất.
Sáng dậy hoàng tử được một người qua đường giúp đỡ đưa lên khỏi giếng. Người qua đường này lại chính là người được vua sai đi rao khắp thiên hạ rằng ai cứu được công chúa khỏi tay hung thần sẽ chia cho nửa nước. Hoàng tử lập tức theo đúng cách đã nghe lỏm được, cứu thoát cho công chúa rồi đến giếng chiếm lấy năm lọ vàng. Biết có người nghe lỏm, hai vị thần tức giận từ đấy hết sức đề phòng.
Đứa con viên quan cảnh sát một hôm nghe câu chuyện hoàng tử gặp may, nổi lòng tham bèn tìm đến giếng trèo xuống. Nhưng hai vị thần đã rình sẵn tóm lấy y giết chết.
Gần như là một với truyện trên là truyện trong Nghìn lẻ một đêm:
A-bu Ni-ut (Thiện) nhân khát nước, nhờ một người bạn đường là A-bu Ni-út- tin (Ác) buộc dây dòng mình xuống một cái giếng. Nhưng đang giải khát thì người bạn đã cắt dây, bỏ anh lại. Đến khuya, A-bu Ni-ut nghe dưới đáy giếng có hai hung thần nói chuyện với nhau về cách chữa bệnh cho một công chúa và cách tìm kho vàng. Sáng mai, nhờ một người bộ hành đi qua, anh được kéo lên khỏi giếng. Anh bèn đến cung vua xin chữa bệnh cho công chúa và sau đó, lấy được nàng làm vợ, lại đào lấy được kho vàng. Ít lâu sau gặp lại người bạn đường cũ, anh kể hết cho hắn nghe. A-bu Ni-út-tin cũng muốn được may mắn nên tự mình trèo xuống giếng nhưng hai hung thần lúc này đã gặp lại nhau, tin cho nhau biết việc bí mật của họ bị bại lộ. Nổi giận, họ lấy đá lấp giếng lại. A-bu Ni- út-tin bị chết dưới giếng.
Truyện của người Xa-ri-kô-li (ở Trung Á, phía Tây cao nguyên Pa-mia (Pamir)) không nói đến giếng mà nói đến cái hang:
Có hai anh bạn Thiện và Ác cùng đi với nhau. Mấy ngày đầu họ ăn lương thực của Thiện. Ăn hết rồi, Ác đòi Thiện phải chọc một con mắt thì mới cho anh ăn vào lương thực của mình. Bữa thứ hai hắn bắt anh chọc nốt con mắt kia. Cuối cùng, hắn bỏ người bạn lại dọc đường. Thiện ẩn vào một cái hang. Đêm lại, anh nghe có ba con vật: chó sói, gấu và chồn nói chuyện với nhau về một nàng công chúa bị mù và cách chữa mù bằng một thứ cây và một thứ nước giếng ở gần hang. Thiện đi tìm thuốc chữa lành mắt mình lại đến kinh đô chữa lành mắt cho công chúa, được vua kén làm phò mã. Khi gặp Ác, Thiện cũng kể chuyện mình cho Ác nghe. Ác bèn cũng mò đến cái hang kia, nhưng ban đêm, các con vật nghe tiếng động của Ác bèn xúm lại vồ chết.
Một loạt truyện ở Á và Âu tuy không nói đến giếng hay hang nhưng đều có tình tiết tương tự. Dưới đây là một vài truyện tiêu biểu:
Truyện của người Kiếc-ghi-dơ (Kirghizs) giống truyện vừa kể ở chỗ cũng có hai nhân vật Thiện và Ác (nhưng khi ăn đến chỗ lương thực của Ác, thì ở đây, Ác đòi phải cắt hai tai và chọc hai mắt Thiện). Khi bị bỏ ở rừng, Thiện nghe câu chuyện của ba con vật: hổ, chồn và chó sói. Chồn nói đến một thứ cây chữa lành tai và lành mắt. Hổ nói đến một con chó nọ, xương nó có thể làm cho người chết sống lại. Còn con chó sói mách một chỗ có một khối vàng to bằng đầu người. Sáng dậy, Thiện đi tìm cây quý, tự chữa lành tai và mắt, rồi đi nhặt khối vàng, đoạn lấy một số vàng mua lại con chó quý. Tới một nước nọ, Thiện lấy xương chó chữa cho vua sống lại. Để tạ ơn, vua gả công chúa cho anh. Khi Ác nghe kể câu chuyện, liền giục Thiện cắt tai, chọc mắt cho mình và đưa mình đến rừng để mong cũng được phú quý, nhưng hắn đã bị ba con vật kia vồ chết.

Nhận xét