Bợm lại gặp bợm

Ngày ấy, chợ Xuân là một nơi đô hội lớn của trấn Hải-dương. Vào khoảng ngày phiên, khách buôn bán, người qua lại đông nghìn nghịt. Ở gần chợ có một tay đại bợm sống về nghề ăn sương đã hơn mười năm. Hắn rất tài, mưu mẹo trăm khoanh; khi đã có ý định lấy của ai thì dầu giữ gìn thế nào hắn cũng cuỗm được.
Một hôm, có một ông khách đến trọ ở một quán nhỏ trong chợ. Thấy tay nải nặng, hắn theo dõi khách từ lâu. Chủ quán bảo khách: "Ở đây kẻ trộm như rươi. Tôi đã có sẵn một cái hòm lớn để khách trọ ai có đồ đạc gì thì gửi vào đây khóa chặt lại rồi nằm lên trên. Vậy ông cứ đưa tay nải để chúng tôi cất vào hòm cho."
Người khách cười, trả lời: "Tôi có của mà lại không giữ được của hay sao? Không phải phiền ông làm gì."
Nói xong ông ta giở tay nải ra kiểm lại tiền nong rồi để ở đầu giường, gối đầu lên mà ngủ. Lúc ấy bợm ta lảng vảng ở ngoài, dòm vào thấy khách lạ lắm của, quyết định thế nào cũng làm một mẻ. Nửa đêm hôm ấy, đợi cho mọi người ngủ say, hắn khoét ngạch vào, chui xuống gậm giường. Ban đầu hắn làm y như tiếng mèo bắt chuột. Dần dần hắn làm những tiếng sột soạt ở bên cạnh chỗ khách nằm như kiểu mèo vồ chuột. Thỉnh thoảng hắn lại cào mấy cái vào chân khách. Khách bỗng tỉnh dậy co chân đạp và lớn tiếng mắng mèo. Đến đây hắn làm y như tiếng mèo bỏ chạy đi mất.
Chờ cho khách chợt ngủ đi, hắn lại giả làm mèo đến cào vào chân như trước. Lần này ông khách tỉnh dậy tức quá ngồi lên rình bắt mèo. Nhưng lúc đó hắn đã lẻn lại đầu giường vớ lấy tay nải ra đi êm như ru.
Người kia đợi mèo một lúc không thấy lại nằm xuống toan nối lại giấc ngủ, nhưng khi ngả đầu xuống gối mới biết là đã mất tay nải, bèn đánh thức chủ quán hô hoán mất trộm. Chủ quán thắp đèn lên và trách: "Đấy, ông không nghe lời tôi nữa thôi."
Khách đáp: "Khá khen hắn có tài nghệ. Nhưng ông cứ để mặc tôi tự tìm của đã mất, đừng trình báo lôi thôi."
Đoạn ngước mắt lên xà nhà thấy có một cái lờ bắt cá gác trên đó, ông ta bảo chủ quán: "Phiền ông cho mượn cái này một lát, tôi sẽ kiếm cách đi lấy tay nải của tôi về."
Nói đoạn, ông ta cầm lờ ra cửa thấy một cây cao bèn trèo lên ngọn trông ngóng. Nghe tiếng chó cắn râm ran ở xóm phía Bắc, khách tụt xuống hướng theo tiếng chó đi tìm. Đi mãi ra tận chợ quanh co hồi lâu thấy một ngôi nhà đang còn thắp đèn, ông đoán là tên trộm, bèn chui qua giậu mà vào rồi mở cổng ra. Dòm qua khe cửa, quả thấy bợm ta đang giở tay nải của mình ra khoe với vợ. Giữa lúc hai vợ chồng đang thích thú mân mê những thỏi bạc trắng tinh thì ông đứng ngoài sẽ cười lên một tiếng. Bợm ta ngạc nhiên, ngước mắt hỏi:- Đứa nào ngoài ấy.
Đáp: - Đàn em tin anh đêm nay được cái bổng to nên đến xin chia một tý.
- À! Thằng nào đấy, mày định đến trêu ông phải không?
Nói xong bảo vợ cất bạc đi, rồi vác gậy ra toan đánh, ông khách giả cách bỏ chạy nhưng sau đó lại núp vào bụi. Bợm ta chạy ra đến cổng thấy cửa mở rộng, bèn cứ thẳng đường đuổi mãi. Người khách từ bụi lẻn vào nhà lấy cái lờ úp vào đầu người đàn bà rồi phá hòm của nó lấy lại tay nải. Đoạn, ông cứ theo đường bờ ruộng lần về đến quán.
Sáng hôm sau, ông khách đang ngồi chải đầu bỗng thấy bợm ta đội đến một mâm xôi và một con gà luộc. Gặp ông ta, hắn sụp lạy và nói: "Tôi theo nghề này đã hơn mười năm nay, thường tự nghĩ tài nghệ của mình thế này đã là rất mực, không ngờ ngoài ngọn núi này còn có ngọn khác cao hơn. Vậy tôi có chút lễ mọn đến xin làm học trò ngài."
Ông khách vui vẻ trả lời: "Tôi cũng chơi cái nghề này từ hồi còn nhỏ, nhưng vì thấy nó không có hậu, nên giải nghệ đã lâu. Vì hôm qua anh đến lấy của tôi nên bất đắc dĩ tôi phải đem nghề mọn ra đối phó. Học làm gì nghề ấy. Hiện nay ngoài biên có giặc, anh nên cùng tôi ra đầu quân giúp nước thì hơn."
Nghe nói bợm ta tỉnh ngộ, vui vẻ theo ông khách ra đi.
Hết🔯🔯🔯

Nhận xét